Cảm xúc ngày chiến thắng

Thứ Năm, 30/04/2020 19:42

|

(CATP) Cảm xúc về ngày cuối cùng của chiến tranh như không hề phai trong trái tim những người lính - nhà văn. Với họ, đó là một kỷ niệm mà cảm xúc đã ở những cung bậc tột cùng mà bút lực của họ cũng chưa khi nào diễn tả hết...

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Ngày đó ông đi cùng lính tăng - thiết giáp của Binh đoàn Hương Giang, Quân đoàn 2 vào thành phố, khoảnh khắc đáng nhớ đã được ông ghi lại bằng những vần thơ ngay ngày 30-4-1975. Ông không trả lời thẳng câu hỏi mà đọc bài thơ của 45 năm trước:

Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/Rau muống xanh như hái tự ao nhà/Trời còn đầy ắp hoa và pháo/Nhìn nhau chưa vội mở vung ra/Màu xanh-sân cỏ xanh mải miết/Quây quần đồng đội đến vui chung/Hàng cây so đũa cùng so đũa/Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng/Khách thường: Thương mấy anh nhà báo/Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày/Sáng chiếm Núi Bông, chiều Cửa Thuận/Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây/Tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu/Xích còn vương đất đỏ Phan Rang/ Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận/Chia thêm: Tổng thống ngụy đầu hàng/Kìa gắp đi anh, ai nấy giục/Có gắp chi đâu, mải ngắm trời/Tự do xanh quá, mênh mông quá/Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi/Bỏ lại đằng sau bao trận đánh/Kịp vào thành phố sáng tên Người/Độc lập theo tăng vào cổng chính/Cờ treo trên đỉnh nước non ơi/Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm/Ta reo trời đất cũng reo cùng/Ta no cười nói say đôi mắt/Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông - (Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập, 30-4-1975).

Nhà văn, đại tá Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, nguyên Tổng biên tập (TBT) Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) và báo Văn Nghệ

Vào chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đang là phóng viên chiến trường Quân khu 5, được tháp tùng Quân đoàn 2 giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó lên tàu Sông Hồng ra giải phóng Côn Đảo. Vẫn còn như nguyên vẹn cảm xúc ông kể:

Một nỗi xúc động quá lớn không thể tả được, tất cả anh em tù chính trị của ta đều mặc quần áo đen, nhưng trên ngực ai cũng có gắn một ngôi sao đỏ, bằng nhiều chất liệu khác nhau: vải, giấy, bìa, thiếc... (sau này tôi có viết chi tiết này trong tác phẩm của tôi). Khi hỏi các đồng chí cần gì chúng tôi sẽ đáp ứng cung cấp đầy đủ, nhưng họ không cần gì hết ngoài nguyện vọng tha thiết là "Ảnh Bác Hồ". Lễ rước ảnh Bác từ trên tàu xuống đảo được anh em tù chính trị làm rất kính cẩn, trang nghiêm, trang trọng. Vâng, lần đầu tiên ảnh Bác được rước một cách công khai trong không khí của ngày chiến thắng trên hòn đảo được mệnh danh "địa ngục trần gian" suốt mấy chục năm từ thời Pháp, tới Mỹ, chôn vùi bao nhiêu sinh mạng ưu tú của cách mạng VN. Sau đó chúng tôi đi viếng mộ chị Võ Thị Sáu và chuẩn bị chuyến tàu đầu tiên chở anh em tù chính về đất liền.

Xe chở Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: JEAN-CLAUDE LABBE/GAMMA-RAPHO

Nhà văn,  đại tá Khuất Quang Thụy, TBT báo Văn Nghệ và website Hội Nhà văn VN

Tôi lúc đó theo Sư đoàn 320 thuộc cánh quân phía Tây Bắc tiến vào Sài Gòn hướng Củ Chi. Trước đó chúng tôi đã đánh nhau một trận ra trò chiếm giữ căn cứ Đồng Dù. 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, tôi đang ở phía Đông Nam Củ Chi, cùng đơn vị hành quân về phía Cầu Bông - Sài Gòn. Riêng tôi đi trên một chiếc xe môtô của Cảnh sát Sài Gòn (chiến lợi phẩm), do một anh thanh niên người Củ Chi không quen biết lái đưa vào Sài Gòn. Chiều 30-4-1975, tôi và đơn vị đã có mặt tại Dinh Độc Lập, và đơn vị triển khai lực lượng phía bên ngoài Dinh, nơi trường Lê Quý Đôn bây giờ.

Nhà văn, đại tá Chu Lai, Tạp chí VNQĐ

Ngày 30-4-1975 ông không ở Sài Gòn, nhưng ông được biết quân ta đã toàn thắng, 24 giờ sau ông đã có mặt tại Sài Gòn trong một cảm xúc khó có thể một vài lời diễn tả.

Cảm giác mình được sống, chắc chắn sống khi quân ta đại thắng, khi hòa bình không phải là giấc mơ. Tôi hoạt động ở vùng rừng, mát nhờ bóng cây của đại ngàn, về thành phố đối diện cái nắng của mùa khô, nóng quá, thế là ốm. Nhưng ốm có lẽ cũng vì cảm xúc quá đột ngột bởi hạnh phúc lớn "hòa bình", hết chiến tranh. Đi giữa đường phố Sài Gòn, đập vào mắt tôi ngày đó chính là quảng cáo kem đánh răng Hynos - một ông da đen nhe hàm răng trắng xóa, thứ đó ở Miền Bắc làm gì có. Tiếp đến là sự hấp dẫn "đến chết người" của nhũng cái eo lưng gái Sài Gòn, họ mặc áo bỏ trong quần, khoe cái eo thon cái bụng phẳng. Trời ơi, sao mà đẹp thế, quyến rũ thế. Nhưng đến đêm thì tôi nằm khóc rưng rức, tôi nhớ đồng đội, những người đã hy sinh không có mặt cùng tôi dạo phố Sài Gòn, ngắm nhìn hòa bình trong ánh mắt thiếu nữ Sài Gòn, cứ thế tôi khóc suốt đêm vì nhớ, vì thương và cả tiếc cho đồng đội.

Tác giả phỏng vấn nhà văn Văn Lê

Nhà văn Văn Lê, hiện đang công tác tại Hãng phim tài liệu Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM. Ngày 30-4-1975, một cơn sốt đã quật ngã ông không cho ông theo đoàn quân vào thành phố. Ông không được chứng kiến khoảnh khắc lá cờ chiến thắng tung bay hiên ngang trong nắng Sài Gòn, nhưng ông được nghe lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh qua Đài phát thanh. Có lẽ vì niềm vui chiến thắng quá lớn đã giúp ông hồi phục một cách thần kỳ, sáng 1-5-1975, ông từ Lộc Ninh về Sài Gòn trong một niềm phấn khích khó tả, nhưng chỉ dừng lại tí xíu rồi cùng nhà văn Thanh Giang xuống Miền Tây, đến 4-5-1975 mới trở lại cùng Sài Gòn ăn mừng chiến thắng. Ông vẫn không quên đêm 30-4-1975.

Một đêm dài nhất trong đời người của tôi. Suy nghĩ đầu tiên là tôi đã được sống. Ngày đó, trong chiến trường, việc nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào là chuyện bình thường, vì chiến tranh bom đạn đâu có mắt, nên 2 chữ hòa bình là đi liền với 2 chữ "được sống". Đêm đó tôi không ngủ, vì có quá nhiều cảm xúc cùng đến một lúc, ùa vào tôi dâng tràn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang