Đều là sáng tác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (12/9/1921 - 08/6/1989). Ông là Giáo sư, Viện sĩ, nhà lý luận âm nhạc; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Điều rất đặc biệt ở nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Ông là nhạc sĩ duy nhất ở nước ta cùng lúc có hai bài hát được hai chính thể đối đầu chọn làm quốc ca. Trong khi, bài hát "Giải phóng Miền Nam" được chọn làm quốc ca của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì bài hát "Tiếng gọi sinh viên" của Lưu Hữu Phước (sáng tác 1939) lại được chính quyền Việt Nam Cộng hòa chọn làm quốc ca từ năm 1948 với lời ca bị sửa đi sửa lại đến 7 lần.
Để tiếp cận sâu hơn đối với “ông vua hành khúc” và các ca khúc nổi tiếng của ông, chúng tôi đã tìm gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Chí – con trai cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí, tốt nghiệp Chỉ huy dàn nhạc, Nhạc viện TPHCM, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa Văn nghệ thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đã nghỉ hưu, vui vẻ trò chuyện với chúng tôi.
Các tác giả Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước (đứng), Huỳnh Văn Tiểng
- Phóng viên: Ông có thể cho biết, bài hát "Giải phóng Miền Nam" được NS Lưu Hữu Phước sáng tác thời đểm nào?
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí: Năm 1999, khi tập hợp tư liệu để in cuốn sách “Lưu Hữu Phước - Sự nghiệp âm nhạc” tôi thấy bài viết của ba tôi mang tên “Sự ra đời của bài hát Giải phóng miền Nam”. Bài viết khá đầy đủ về hoàn cảnh ra đời của bài hát này.
Riêng tôi, sau khi đọc bài viết này tôi cảm nhận bài hát “Giải phóng miền Nam” được hoàn chỉnh như chúng ta đã và đang hát hôm nay là một công trình tập thể, không phải chỉ của ba tác giả (Lưu Hữu Phước viết nhạc, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiễng hoàn chỉnh ca từ) với những cảm xúc đúc kết từ các phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sáng tạo nên. Mà đó là sản phẩm của nhiều người, kết tinh từ nhiều nguồn, từ những báo cáo tổng kết của các đợt tiến công nổi dậy của đồng bào Nam bộ dẫn đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20-12-1960 và cả những đóng góp của nhiều đồng chí lãnh đạo thời điểm đó…
Sau nhiều buổi nghe báo cáo tổng hợp về tội ác của Mỹ - Diệm ở miền Nam và tình hình đấu tranh bước đầu nhiều thắng lợi của Mặt trận Giải phóng và nhân dân miền Nam, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và hai người bạn, người đồng chí Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng bàn bạc với nhau, quyết làm sao biến những cảm xúc của mình, biến nỗi lòng của nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước, thành những câu ca điệu hát cổ vũ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bài hát Giải phóng miền Nam ra đời năm 1961. Tôi nhớ, có lẽ khoảng lúc mình 5 tuổi, tôi nghe được qua đài rồi hát theo đài, hát theo mọi người... Chắc chắn nhất là tôi hay hát câu Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng... và cũng có lần vừa chạy vừa hát trên lề đường phố Hà Nội cùng trẻ con hàng xóm.
Phóng viên: Ông có kỷ niệm gì với ca khúc này của cụ thân sinh không?
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí: Tôi lớn lên và thuộc lời ca của bài Giải phóng miền Nam từ đài phát thanh. Tiếc là đến giờ tôi vẫn chưa có dịp dàn dựng hay trình diễn bài hát này. Tuy nhiên, tôi cũng từng sưu tập, đánh máy kẻ nhạc vi tính các bài viết, tác phẩm âm nhạc, trong đó có bài hát Giải phóng miền Nam để thực hiện cuốn sách “Lưu Hữu Phước - Sự nghiệp âm nhạc” do NXB Trẻ ấn hành 1999.
Phóng viên: Còn với bài hát "Tiến về Sài Gòn"?
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí: Cũng như bài Giải phóng miền Nam, hoàn cảnh ra đời của bài hát Tiến về Sài Gòn được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nói chi tiết trong bài viết “Những ngày tháng Tư”.
Ba tôi đến căn cứ của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng thành phố Sài Gòn và ở đó một thời gian để tiếp xúc với một số trí thức tiến bộ từ nội thành ra gặp Mặt trận. Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh dặn nhạc sĩ Lưu Hữu Phước liên lạc với giới văn nghệ sĩ thành phố.
Từ trái qua: NS Lưu Hữu Chí (con trai cố NS Lưu Hữu Phước) trao đổi cùng nhà thơ Hồ Thi Ca, NS Phạm Minh Tuấn, ông Nguyễn Quang Trung (nguyên Phó trưởng Phòng VHVN, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM).
Ba tôi đã làm việc với các nhà văn Vũ Hạnh, nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng, biên đạo múa Tùng Linh... và nhiều bạn văn nghệ sĩ trẻ như các anh Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Lê Duy Hạnh... Các anh kể cho ba tôi nghe tình hình chiến đấu ở nội thành, các khu vực lân cận và các dự kiến sắp tới của Mặt trận giải phóng miền Nam.
Những ngày tháng Tư năm 1966 có những loạt pháo cấp tập, những trận bom tọa độ nên nhiều lần ba tôi và các chú, các anh ấy phải quanh quẩn trong địa đạo, hoặc bơi qua sông, đi "cắt" rừng, và quần thảo với các trận càn ác liệt, chà đi xát lại của địch. Địch tự tin với nhiều lực lượng đã đưa thêm từ 1965, chiến tranh đặc biệt biến thành chiến tranh cục bộ, lính Mỹ trực tiếp tham chiến, các loại máy bay kẻ ô ngang dọc trên trời miền Nam, đánh phá tất cả những nơi bị lộ.
Máy bay B52 ném bom rải thảm theo tọa độ, từng tốp 3 chiếc nối nhau hoành hành, các đợt cách nhau mười lăm phút. Bên ta, quân giải phóng đã được xây dựng khá đông đảo, trang bị khá tốt, nhưng vẫn còn giữ thế bí mật, "ém" quanh vùng rừng núi. Có lần nằm dưới hầm sâu ba tôi đếm được hai mươi mốt đợt ném bom.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước náo nức khi được biết dự kiến của Khu ủy là sắp tiến về đồng bằng. Anh Ba Đình, Tư lệnh Quân khu, cho ba tôi biết khẩu hiệu trước mắt là "Tiến về đồng bằng". Đơn vị quân giải phóng sẽ rời các vùng "ém quân" để tiến về Sài Gòn tới vùng đông dân ngoại ô, đến thời cơ thì đánh vào nội thành, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy.
Trong khí thế khẩn trương ấy, nhạc sĩ viết bài hát "Tiến về Sài Gòn" vào tháng 4-1966, cách đây năm mươi tư năm. Chỉ riêng một tác phẩm như tác phẩm “Tiến về Sài gòn” ba tôi cũng đã “viết sử ca”, “định hướng cách mạng”, “phục vụ kịp thời cho những cao trào cách mạng”, “bước ngoặt lịch sử”: dự định kịp thời cho tiến về đồng bằng năm 1966 lại hóa thành tiếng kèn báo trước cho tổng tấn công năm 1968.
Tiến về Sài Gòn lần nữa lại như định hướng báo trước, rồi cùng với các tác giả tác phẩm âm nhạc khác giục giã, thôi thúc vào “trận cuối là trận này” và rồi trở thành bài ngợi ca chiến thắng trong Bắc Nam sum họp, thống nhất nước nhà năm 1975.
Sài Gòn mừng chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975
Phóng viên: Vậy sau đó ông có kỷ niệm gì với ca khúc này không?
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí: Năm 2005 tôi chỉnh lý bổ sung nhạc vi tính và các bài viết, tác phẩm âm nhạc, trong đó có bài hát Tiến về Sài Gòn của sách “Lưu Hữu Phước - Cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc” (NXB Giáo Dục). Gần nhất là ngày 10-4-2017 tôi tam ca cùng với Đại tá Võ Công Phước, Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, và anh Nguyễn Quang Trung, Phó phòng VHVN, Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM bài hát Tiến về Sài Gòn trong buổi sinh hoạt chuyên đề Bản hùng ca xuân Mậu Thân 1968 do Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM tổ chức.
Phóng viên: Ông có thể nói về dự án "Đi theo con đường các tác phẩm của NS Lưu Hữu Phước"?
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí: Ba tôi có những bài viết về đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông đã nhắc đến một số địa danh đã đi qua trên con đường hoạt động, có những bài viết nói về một số ký ức về tác phẩm âm nhạc của mình.
Qua các tác phẩm âm nhạc của ba tôi mọi người thường cảm nhận và đã có ý kiến nhận định là “nhạc sĩ Lưu Hữu Phước người viết sử ca của âm nhạc Việt Nam”; những tác phẩm của ông như định hướng cách mạng, phục vụ kịp thời cho những cao trào cách mạng, những bước ngoặt lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Khi đọc những bài viết đó tôi có ý định đến những nơi như trong lời bài hát Non sông gấm vóc là Hà Nội, Thái Nguyên, Chiến khu Việt Bắc, Rạch Giá, U Minh, Cà Mau, Hòn Khoai, Côn Đảo, Vũng Tàu, Bình Thuận, Phan Thiết, Tuy Hòa, Quảng Ngãi, Ô Môn... liên hệ với địa phương xây dựng kịch bản, tham gia dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm âm nhạc của ba tôi cùng những tác phẩm hình ảnh, văn, thơ, nhạc, họa của các tác giả khác cùng thời (hoặc sau này).
Một ý định nữa là thông qua năm sáng tác các tác phẩm được công nhận tìm hiểu thêm tình hình xã hội tại thời điểm đó lý giải lý do làm sao mọi người có cảm nhận, nhận xét về âm nhạc Lưu Hữu Phước như trên.
Qua đó, tôi đã bày tỏ, phân tích trong bài tham luận tựa đề Từ “Bài hát Khởi nghĩa” đến “Lên đàng” giành chính quyền tháng Tám năm 1945 của Hội thảo khoa học “Vai trò của văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, Hội đồng lý luận phê bình VHNT thành phố và Liên hiệp các Hội VHNT thành phố thực hiện.
Và bài tham luận Bản sắc dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ - người chiến sĩ trên mặt trận VHNT của Hội thảo khoa học “Bản sắc dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc hiện nay” do Hội Âm nhạc thành phố tổ chức thực hiện, và Hội thảo khoa học Hội Nhạc sĩ Việt Nam - 60 năm đồng hành cùng dân tộc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Năm 1937, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, 16 tuổi, ông cảm nhận đất nước thanh bình, đẹp tuyệt vời với đầy đủ hình dáng, âm thanh, sắc màu thiên nhiên hùng vĩ của đất nước non sông từ Bắc vào Nam:
Kìa là dòng sông Then với dòng sông Lô
Lá ngàn chen đá núi rừng đơm hoa.
Kìa là dải Trường Ѕơn thác bạc lấp lánh
Ánh trời bình minh sáng ngời bao la.
Kìa là dòng sông Hương.
Ánh trăng chiếu mờ sương.
Đâу nước xanh trên nguồn Đồng Nai tràn xuống.
Đâу lúa reo bên dòng Ϲửu Long cuồn cuộn.
Tình уêu nước thiêng liêng thấm nhuần trong tim,
sống cùng non nước chẳng hề phôi pha.
(Lời bài hát Non sông gấm vóc)
Rồi ông thấy đất nước bị đô hộ, thấy cảnh người dân bị áp bức, thấy hai cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940) và Nam Kỳ (23-11-1940) bị dìm trong máu lửa, những chiến sĩ yêu nước cùng trạc tuổi với ông bị xử tù, xử tử. Ông bàn với các bạn của ông nên làm bài hát cho những người khởi nghĩa:
Này anh em ơi! Tiến lên đến ngày giải phóng!
Đồng lòng cùng nhau, ta đi, sá gì thân sống!
Cùng nhau ta tuốt gươm, cùng nhau ta đứng lên,
Thù kia chưa trả xong, thì ta luôn cố bền.
Lầm than bao năm, ta đau khổ biết mấy,
Vàng, đá, gấm, vóc, loài muông thú cướp lấy.
Loài nó hút lấy máu đào chúng ta,
Đời ta gian nan, cửa nhà tan rã.
Bầu máu, nhắc đến đó, càng thêm nóng sôi,
Ta quyết thề phá tan quân dã man rồi…
Điệp khúc
Vung gươm lên! Ta quyết đi đến cùng!
Vung gươm lên! Ta thề đem hết lòng!
Tiến lên cùng tiến! Vẻ vang đời sống!
Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!
(Lời “bài hát cho người khởi nghĩa”. Chưa có tựa đề)
Tác phẩm âm nhạc của ông xuất phát từ Tình уêu nước thiêng liêng thấm nhuần trong tim, sống cùng non nước chẳng hề phôi pha, từ Bầu máu, nhắc đến đó, càng thêm nóng sôi, và dấn thân hành động Đồng lòng cùng nhau, ta đi, sá gì thân sống! Cùng nhau ta tuốt gươm, cùng nhau ta đứng lên, đến xuất phát từ đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Mặt trận Việt Minh, của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên vang lên kịp thời.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!