Cận cảnh ngôi nhà ve chai ‘có một không hai’ của ông lão U90

Thứ Bảy, 20/08/2016 09:30

|

(CAO) Tài sản là căn nhà được cấp cách nay gần 10 năm nên xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy cụ Nguyễn Văn Ẩn (93 tuổi, ngụ ấp Bắc Trang I, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) đã nhặt hàng ngàn vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật về chấp vá lại chỗ che nắng, trú mưa khiến người dân ngỡ ngàng.

Ngôi nhà có thiết kế độc đáo nhất thế giới

“Thay áo mới” cho ngôi nhà ọp ẹp

Mấy năm gần đây, người dân ở ấp Bắc Trang I đặt cho ông Ẩn cái biệt danh “ông Sáu ve chai”. Bởi hàng ngày ông đi nhặt nhạnh những vỏ chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật để dựng nhà và sáng tạo nó thành những vật dụng sinh hoạt.

Ngôi nhà của ông rất dễ nhận ra vì nhìn từ bên ngoài đã thấy hàng rào được kết từ mấy ngàn vỏ chai thuốc thẳng tấp. Trước cửa có 2 cây bông nhân tạo sặc sỡ sắc màu từ đủ loại nắp chai. Bên trong là những sợi dây trang trí được xâu thành chuỗi….Hỏi kỹ mới biết sự sáng tạo của ông được thể hiện khi ngôi nhà ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Ngôi nhà ve chai của ông Ẩn

Ngồi trong căn nhà “có 1 không 2” ông Ẩn kể: “Nhà nghèo quá khi nhìn thấy nó mục nhưng lại không có tiền mua lá, cây về sửa lại nên một lần thấy rất nhiều vỏ chai thuốc bị bỏ lại trên đồng chợt nghĩ nó có thể giúp ích trong việc sửa nhà vì thế lượm về làm thử. Ban đầu làm hàng rào, rồi đến vách, cột, đòn tay…bên trong. Lúc làm xong nó chắc chắn và chẳng khác gì nhà mới đâu”.

Có ý tưởng trong đầu nên hàng ngày ông Ẩn men theo các con kênh nội đồng, đường nước để nhặt từng vỏ chai. Cứ 2 – 3 ngày là ông lượm được một bao rồi cặm cụi chế tác. Sau khi lượm ông đem về súc sạch, cắt đầu, cắt đít rồi ráp lại với nhau. Để tạo thêm độ chắc chắn ông lấy dùi hơ lửa cho dính lại, sau đó lấy dây nylon luồn lại thành từng hàng hoặc sợi chuỗi để trang trí căn nhà. Theo lời ông, dù nhìn thấy đơn giản nhưng đòi hỏi lắm công phu.

Mỗi ngày sau khi nhặt vỏ chai về thì cụ Ẩn bắt tay làm “nhà thiết kế”

Để giữ cho căn nhà không bị sập, mỗi cây cột ông Ẩn ốp 3 – 4 hàng chai, giữa các cột, đòn tay được trang trí bằng những nắp chai thuốc cắt thành hình cánh hoa. Không chỉ vậy kể cả đường dây điện, chui điện, gương soi…cũng được “tân trang” như mới. Hầu như tất cả bộ phận của chai thuốc đều được ông tận dụng làm cho căn nhà trở nên sáng hơn, sặc sỡ.

Vỏ chai thuốc sâu độc hại khôn lường, vậy mà ông hàng ngày phải súc, rửa, cắt cưa…thành những vật dụng có lích. Điều này không chỉ làm cho chúng tôi và người dân thắc mắc thì được ông trả lời gọn lỏn: “Vật liệu khác thì đâu ai bỏ mà lượm, còn này chẳng ai lấy mới tới mình”. Theo lời ông Ẩn, việc trang trí nhà đa phần là các loại mủ giòn, không bán được nên sót lại trên ruộng đồng. Việc sáng tạo vỏ chai thuốc bản thân ông cũng biết nó ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. “Khi súc chai thì hôi một lúc rồi trở lại bình thường, bởi nó được súc trước ngoài đồng. Sống đến từng tuổi này có thể chết trước khi phát bệnh nên thấy gì tận dụng được thì làm thôi”, ông Ẩn nói.

Sống cùng ông Ẩn là đứa con gái thứ 5. Ông có tổng cộng có 7 người con. Trong thời kỳ chống Mỹ ông là cán bộ binh vận làm nhiệm vụ cơ sở nội tiến từ năm 1968 – 1975. Trong quá trình tham gia ông bị chấn thương ở đầu, tay, chân nên được lãnh tiền trợ cấp trên triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên khoản tiền này cũng chỉ đủ để cha con ông ăn gạo, uống trà và chi tiêu lặt vặt.

Sau thời gian khắc phục thì một số đòn tay đã mục, nóc nhà bị rỉ sét nên mỗi lần mưa xuống là cha con ông lão nghèo đành mất ăn, mất ngủ. Theo lời ông, thời gian lâu ngày, các mấu nối giữa các chai nhựa bị rời ra, muốn sửa lại nhà cũng phải đợi tới mùa vụ, người dân phun thuốc bỏ chai thì mới lượm được. Tuy nhiên, giờ nông dân đa phần phun xịt thuốc dạng gói nên chẳng có vỏ chai để nhặt cũng như sức khỏe ngày một yếu đi.

Dụng cụ bắt cá, lươn giá…0 đồng

Ngoài việc dùng làm vật che nắng, che mưa, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật cũng được ông tận dụng chế tạo công cụ mưu sinh. Bởi theo ông, việc tạo ra loại ngư cụ này có độ bền rất cao lại đa chức năng như có thể bắt được cá, lươn, ếch…chẳng thua gì các loại bằng tre, ống nhựa, vả lại chẳng phải tốn tiền.

Ông Ẩn bên ngôi nhà "có một không hai"

Theo quan sát, 20 ống trúm của ông Ẩn mỗi ống có chiều dài khoảng 1m, được làm từ 5 vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Hom của dụng cụ này vừa được làm bằng tre và thân chai nhựa cắt ra. Để đảm bảo con vật có đường vào mà chẳng đường ra ông còn dùng dây nylon cột chặt giữa các mối nối. “4 năm nay, thấy người ta bỏ chai ngoài đồng già lượm về làm thú vui, tạo chỗ che mưa che nắng cũng như đem lại cá, lươm chứ giỡn à. Mỗi lần đi đặt là có tiền để chi tiêu gia đình. Không chỉ vậy mình nhặt về rác thải nguy hại trên ruộng cũng bớt”, ông Ẩn cho biết.

Nhà ông Ẩn được cất trên phần đất của người con rể thứ 4 nhưng hiện tại các cháu ông đã lập gia đình nên đất đang bị đòi lại. Mong mỏi của ông là có được căn nhà để sống hết quãng đời còn lại. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Công Chí - cho biết: “Gia đình ông Sáu Ẩn là người có công. Vào khoảng năm 2008, ông được địa phương cất cho căn nhà tiền chế để ở, nhưng sau nhiều năm đã xuống cấp.

Vì vậy 2 năm nay, xã có đề nghị với tỉnh cất nhà mới cho ông nhưng chưa được thực hiện do nguồn kinh phí chưa về. Hiện ông đang sống với đứa con gái và cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn. Việc làm nhà bằng vỏ chai thuốc của ông đã diễn ra hơn 2 năm nay. Trong lúc chờ đợi thì địa phương có bố trí cho ông cái nền nhà ở tuyến bờ Đông kênh Thống Nhất”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang