Hậu Covid-19:

Ngành thời trang và nhan sắc Việt cần làm gì để “sống sót”?

Thứ Tư, 22/07/2020 16:18

|

(CAO) Với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế tên tuổi cũng như các doanh nghiệp hàng đầu may mặc hàng đầu Việt Nam, hội thảo “Ngành thời trang và nhan sắc Việt trong giai đoạn mới” cần làm gì để tồn tại và phát triển sẽ có thêm góc nhìn mới trong giai đoạn khủng hoảng sau mùa dịch Covid-19.

Sự kiện có sự tham gia của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; bà Trang Lê – CEO Multimedia; nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà – Giám đốc sáng tạo mỹ phẩm M.O.I cùng Nicky Vũ – Giảng viên trường London College for Design & Fashion.

Ngoài sự góp mặt của các diễn giả, hội thảo thời trang còn có sự tham gia trò chuyện, chia sẻ ý kiến từ các tên tuổi trong làng thời trang Việt như đạo diễn Long Kan; NTK Chung Thanh Phong, Đỗ Long, Tuyết Lê; Lâm Gia Khang, Hoàng Minh Hà, Nguyễn Tiến Truyển; Lý Giám Tiền, Huy Võ…

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ thông tin tại hội thảo

Đáng chú ý là tham luận của ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam khi cho rằng những khó khăn đang ngày chồng chất, ngay cả một thương hiệu lớn nhất nhì Việt Nam cũng gặp cản trở vì thiếu chuyên nghiệp khi bước vào đàm phán hợp đồng với các đối tác quốc tế.

Hiện, nước ta có hơn 6.000 doanh nghiệp knh doanh các mặt hàng chính như: quần áo các loại, vải thô, sợi vải và nguyên phụ liệu ngành may mặc. Mục tiêu cho năm 2020 là xuất khẩu đạt 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra vào đầu năm đã làm sức mua toàn cầu giảm mạnh, từ đó, kéo theo tình trạng sản xuất của nước ta đang bị tồn kho. Vì vậy, theo ông Giang, mục tiêu trong năm 2020 rất khó để đạt được.

Bà Trang Lê - CEO Multimedia

Có mặt tại hội thảo, với chia sẻ mang chủ đề “làm thế nào để phát triển thương hiệu và phân phối sản phẩm thời trang”, bà Trang Lê - CEO Multimedia chia sẻ: Các NTK Việt Nam đang hoạt động theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương, loay hoay với cách làm việc cũ kỹ. Hầu hết mọi người thiếu sự năng động nắm bắt, không lan tỏa tầm ảnh hưởng và độ phổ biến của các thiết kế do mình thực hiện, vì vậy khách hàng muốn tiếp cận cũng khó. Vì vậy bà Trang Lê có lời khuyên cho các NTK Việt cần năng động và chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình.

Người mẫu Vũ Thu Phương

Còn NTK Hoàng Minh Hà trăn trở nhiều với những hỗ trợ từ phía chính phủ dành cho ngành thời trang Việt Nam là quá ít. Tuy nhiên, phát biểu của Hoàng Minh Hà vấp phải nhiều phản biện.

Bởi suy cho cùng, sự hoàn thiện chuyên môn, học hỏi của chính người hoạt động thời trang, mới là điều kiện đầu tiên để đi đến chuyên nghiệp, thay vì tìm kiếm sự động viên, nguồn hỗ trợ từ Chính phủ.

Ca sĩ Hồ ngọc Hà

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà xuất hiện với tư cách doanh nhân của một thương hiệu mỹ phẩm làm đẹp, để chia sẻ về nỗ lực xây dựng thương hiệu theo tiêu chí chất lượng, cũng khiến mọi người bất ngờ.

Ở xu hướng sáng tạo mới trong ngành công nghiệp thời trang, tại hội thảo, diễn giả Nicky Vũ đã có nhiều chia sẻ về ngành thời trang trên thế giới và xu hướng phát triển thời trang trong tương lai.

Theo đó, 3 xu hướng thời trang chính có thể thực hiện trong nước là thời trang du lịch; thời trang bền vững và ứng dụng công nghệ đáp ứng thị hiếu. Trong đó, để sống sót và thành công trong lĩnh vực thời trang cần đẩy mạnh 2 yếu tố truyền thông và công nghệ lên hàng đầu.

NTK Chung Thanh Phong

Sau hơn 4 giờ thảo luận, hội thảo đã đưa ra với nhiều bài học quí về ngành thời trang cũng như bắt tay hướng đến thành lập Hiệp hội nhà thiết kế Việt Nam cũng như thành lập Trung tâm giới thiệu các tài năng thiết kế trẻ.

Các NTK, nghệ sĩ tham dự

Bình luận (0)

Lên đầu trang