Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh qua đời ở tuổi 100

Chủ Nhật, 22/11/2020 22:12  | T.Nam

|

(CAO) Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh – một nhà thơ lớn, một dịch giả thơ tài hoa, đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1930-1945) đã qua đời ngày 22/11 tại Hà Nội, hưởng thọ 100 tuổi.

Mới đây, ngày 9/11, Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức chúc thọ nhà thơ tròn 100 tuổi nhưng vì lý do sức khỏe, ông không thể đến dự.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh ngày 16/11/1920 tại Đà Lạt. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, di cư vào Đà Lạt và nhà thơ đã ra đời ở đó.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh

Nguyễn Xuân Sanh học trung học và đại học ở Hà Nội. Ông đã sớm làm thơ, năm 16 tuổi ông đã có truyện thơ “Lạc loài” đăng nhiều kỳ trên báo. Năm 1939, ông và các văn nghệ sỹ cùng chí hướng sáng tạo, gồm các nhà văn, nhà thơ: Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm “Xuân Thu nhã tập”. Đến tháng 6/1942, thì nhóm đã xuất bản được tập sách cùng tên là “Xuân Thu nhã tập” (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm.

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Đoàn văn nghệ liên khu IV, phụ trách tạp chí Sáng tạo. Từ năm 1950, ông ra Việt Bắc tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam và Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm Ủy viên Ban chấp hành hội các khóa I, II và III. Từ năm 1966 đến 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ và Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch...

Bài thơ "Cô giáo lớp em" của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được đưa vào sách giáo khao bậc tiểu học, trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ

Ngoài tác phẩm văn xuôi “Anh hùng Trần Đại Nghĩa” nhận giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1951, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh còn là tác giả của nhiều tập thơ: “Chiếc bong bóng hồng” (1957), “Tiếng hát quê ta” (1958), “Nghe bước xuân về” (1961), “Quê biển” (1966), “Đảo dưa đỏ” (1974), “Đất nước và lời ca” (1978), “Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh” (1991), “Một vườn thơ năm châu” (1997), thơ văn xuôi “Đất thơm” (viết 1940-1945, in 1995)…

Đặc biệt, hai bài thơ của ông “Nhớ dừa” và “Cô giáo lớp em” của ông được đưa vào chương trình môn tiếng Việt phổ thông, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh hơn 60 năm trước.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh còn dịch nhiều tác phẩm của nhà thơ các nước Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Romania, Bulgaria, Đức... qua các tập thơ dịch: Thơ Victor Hugo (1986), Tuyển tập thơ Pháp (ba tập, 1989-1994), Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer (1995)...

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh từng là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I), ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Dịch giả nổi tiếng Đoàn Tử Huyến qua đời ở tuổi 68

Thông tin từ gia đình dịch giả Đoàn Tử Huyến cho biết, ông đã qua đời sáng 22/11 tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, thọ 68 tuổi.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp ở Liên Xô, từng là giảng viên văn học Nga Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, làm biên tập văn học Nhà xuất bản Lao Động.

Ông cũng từng là ủy viên Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn Việt Nam), Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài, Hội Nhà văn Hà Nội.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến

Đoàn Tử Huyến là một dịch giả xuất sắc, một trong những “cây đa, cây đề” trong làng dịch thuật Việt Nam. Ông là người có công đưa nhiều tác phẩm văn học Nga kinh điển vào Việt Nam từ thập niên 1990.

Một số tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp dịch thuật của ông như “Nghệ nhân và Margarita”, tác giả M.Bulgakov. Cuốn sách từng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng hàng năm, hạng mục dịch thuật. Ngoài ra, ông còn có nhiều bản dịch được độc giả yêu thích như: tập tản văn "Giọt rừng" (Mikhail Prisvin), tiểu thuyết “Trái tim chó” (M.Bulgakov), truyện dài “Đêm sau lễ ra trường” (Vladimir Tendriacov), tiểu thuyết “Đấng cứu thế" (Miguel Otero Silva), tiểu thuyết “Tiếng gọi vĩnh cửu” (Ivanov), tiểu thuyết “Kỳ lạ thế đấy cuộc đời này” (D.Granin), truyện giả tưởng “Nhật ký vũ trụ của Ion lặng lẽ” (của S.Lem), tập truyện ngắn “Những ô cửa màu xanh” (nhiều tác giả), tập truyện ngắn “Khóm hoa tử đinh hương” (nhiều tác giả)…

Ngoài ra, dịch giả Đoàn Tử Huyến còn biên soạn và dịch chung nhiều tác phẩm khác, trong đó có tiểu thuyết “Bố già” (tác giả Mario Puzo, dịch chung với dịch giả Trịnh Huy Ninh); “Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ” (dịch chung với Hoàng Thái); “Cái chuông điện” (dịch chung với Nguyễn Đình Tài; Vũ Quần Phương giới thiệu); sưu tầm và biên soạn “Trịnh Công Sơn, một người thơ ca một cõi đi về” cùng Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha...

Ông từng được trao Giải thưởng Văn học dịch (Hội Nhà văn 1990 - 1991) cho tác phẩm “Nghệ nhân và Margarita” (tiểu thuyết của M.Bulgakov).

Từ năm 1999, ông thành lập Trung tâm Văn hóa Đông Tây, trực thuộc Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á. Trung tâm trở thành địa điểm giao lưu văn hóa của giới văn nghệ. Thư viện - cà phê sách Đông Tây ở Cầu Giấy, Hà Nội của ông cũng là nơi gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên.

Tang lễ dịch giả Đoàn Tử Huyến sẽ được tổ chức từ 7 giờ 15 đến 9 giờ 15 ngày 24/11 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội. An táng tại quê nhà, xã Hoà Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang