Nhức nhối nạn lạm phát hoa hậu

Thứ Hai, 24/04/2017 10:11  | Lâm Vi

|

(CAO) Hiện nay, có quá nhiều cuộc thi có nội dung, hình thức tương tự nhau được cấp phép tổ chức, chính vì thế làm nảy sinh nhiều thí sinh đạt danh hiệu “hoa hậu”, “hoa khôi” dẫn đến tình trạng “lạm phát hoa hậu” và những danh hiệu cũng bị “mất giá” đi nhiều so với trước đây.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Mạnh Tiến, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Hoa khôi miền Trung 2016 để trao đổi về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Chào anh, anh nghĩ thế nào về vấn đề “lạm phát hoa hậu” hiện nay? Chỉnh sửa nhan sắc, đã kết hôn, gian dối... là những lý do khiến một số thí sinh trong các cuộc thi nhan sắc phải rút khỏi cuộc thi vào phút chót. Anh nghĩ thế nào về điều này?

Ông Trần Mạnh Tiến: Có thể kể đến một số cuộc thi mang tầm quốc gia như Hoa hậu bản sắc Việt, Hoa hậu biển, Hoa hậu Đại Dương, Hoa khôi áo dài…bên cạnh đó là chưa nói đến các cuộc thi ở các cấp, tỉnh, thành phố khác nhau. Điều này đang dẫn đến sự “bão hòa” nhan sắc, công chúng không còn mặn mà với các cuộc thi sắc đep và sự cạnh tranh về sức hút trong các cuộc thi nhan sắc bị giảm đi ít nhiều.

Trong các cuộc thi nhan sắc, đa số lý do khiến một số thí sinh buộc phải rút khỏi cuộc thi vào phút chót như phẫu thuật thẩm mỹ, đã kết hôn, gian dối hồ sơ dự thi…làm dậy sóng dư luận. Đó chính là nỗi lo lớn vì sự yếu kém của nhà tổ chức, về việc cố ý làm sai luật, làm sai các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Ông Trần Mạnh Tiến – Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi miền Trung 2016

Nghị định về quy chế thi Hoa hậu, người đẹp, người mẫu đã được Cục nghệ thuật biểu diễn – Bộ VHTT & DL ban hành và được truyền thông rất nhiều lần nhưng vấn đề hiện nay nhưng vẫn xảy ra sai phạm theo tôi đó là do cả nhà tổ chức và thí sinh đều hiểu nhưng cố ý làm lơ và ngụy biện.

Đã là một cuộc chơi thì bao giờ cũng có luật chơi mà những người tham dự phải chấp hành theo quy chuẩn được đặt ra. Là một người từng kinh qua nhiều vị trí trong các cuộc thi nhan sắc, từng là thí sinh, Ban tổ chức, ban giám khảo, đạo diễn… và hơn 20 năm trong nghề, tôi nhận thấy vấn đề này cần được gấp rút giải quyết.

Có thể thấy, sự can thiệp của phẫu thuật thẩm mỹ trong một cuộc thi nhan sắc là không công bằng với các thí sinh khác... cạnh đó vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ không được tôn vinh. Vấn đề gian dối trong thi cử về tình trạng hôn nhân hay hồ sơ ngụy tạo… khiến dư luận vô cùng bức xúc. Vì vậy, việc các thí sinh tự nguyện hay bị buộc phải rút khỏi cuộc thi cũng chính là để đảm bảo sự công tâm và công bằng cho các thí sinh khác, ở đây chỉ là một phần nhỏ mang tính “tự nguyện” của những người có lòng tự trọng.

Ở một diễn biến khác có nhiều thí sinh biết rất rõ mình đã vi phạm quy chế nhưng vẫn để báo chí vào cuộc là một trong những trường hợp không hiếm. Sự dối trá càng đẩy lên cao hơn khi nhiều thí sinh có hẳn một ê kíp chuyên nghiệp đứng phía sau. Có nhiều trường hợp buộc công an vào cuộc để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

PV: Hiện nay, đang có hiện tượng người có tiền mang ra nước ngoài xin phép tổ chức các cuộc thi sau đó kêu gọi các thí sinh trong nước hoặc thậm chí là thuê thí sinh đi thi đến từ nhiều nước khác nhau. Các thí sinh đoạt giải lại quay về Việt Nam và nhiều người cho đó là nhan sắc quốc tế... Anh nghĩ thế nào về điều này?

Ông Trần Mạnh Tiến: Vì các cuộc thi nhan sắc trong nước đang kiểm soát rất chặt chẽ, hiện nay có rất nhiều người làm ăn gian dối, những công ty đó núp bóng dưới hình thức là một nhóm đi du lịch nước ngoài kết hợp sự kiện rồi trao giải loạn xạ bất chấp luật pháp vì họ biết chắc ở trong nước sẽ không được cấp phép.

Nói như một Nhà thiết kế có dịp đồng hành cùng tôi một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức vừa qua tại Hàn Quốc rằng: “Sao đi đâu cũng thấy Hoa hậu, Á hậu để kiếm một người bình thường khó” (!). Cuộc thi có 20 thí sinh nhưng có thế trao đến hơn 30 giải thưởng… là điều đã từng thấy. Tôi nghĩ đó không phải là cuộc thi mà chỉ dừng lại là một sự kiện, một gala vui chơi thuần túy. Vì thế, ở Việt Nam không được công nhận là điều tất nhiên.

PV: Từng đứng ra tổ chức các cuộc thi nhan sắc, anh nghĩ thế nào về tính cạnh tranh, hạ bệ lẫn nhau giữa các thí sinh để đoạt được ngôi vị cao nhất?

Ông Trần Mạnh Tiến: Trong tất cả các cuộc thi sự cạnh tranh là đương nhiên và điều cần thiết, dù đấu trường nhan sắc lớn hay nhỏ nhưng điều người ta cần có chính là sự cạnh tranh lành mạnh để tìm ra người xứng đáng tiệm cận với tiêu chí cuộc thi nhất.

Song song đó việc thường xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh cũng cần phải kể đến, đó là sẵn sàng hệ bệ đối thủ nhằm đạt được mục đích. Có những vụ việc được đẩy lên cao không chỉ là cạnh tranh cá nhân với cá nhân mà thậm chí là ê kíp này với ê kíp khác, công ty người mẫu này với công ty người mẫu kia…

Càng đến chung kết càng xuất hiện nhiều tin đồn cũng như thư nặc danh tố cáo thí sinh, thường thấy nhất là gian lận việc phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này khiến khán giả phải đặt ra một câu hỏi là sự lên ngôi của một thí sinh có phải là sự chiến thắng của vẻ đẹp tâm hồn và hình thể hay là vì có các chiêu trò. Và những lùm xùm mới nhất là người đẹp Nguyễn Thị Thành thi chui ở cuộc thi Miss Eco International 2017 diễn ra tại Ai Cập vừa qua. Dư luận một lần nữa thêm tò mò về những bí ẩn đằng sau ánh hào quang của showbiz Việt.

Sự nổi bật của một người đẹp sau khi đăng quang không được ủng hộ của số đông dư luận là điều thường thấy, phải chăng thí sinh nổi bật hơn là vì phía sau có một ê kíp hậu thuẫn. Điều này dẫn đến một hiện tượng là nhiều người đẹp bị biến thành một sản phẩm mang tính truyền thông nhiều hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

Bình luận (0)

Lên đầu trang