(CAO) Sáng 28-5, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quá trình khai quật và phát lộ tại đền A10, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga-Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn, có kích thước 2,24m x 1m68.
Theo ông Jalihal Ranganath, Trưởng nhóm công tác bảo tồn, đây là một bộ Linga Yoni liền khối lớn nhất tại khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong điêu khắc Chăm pa. Với việc phát hiện này, chúng ta đã có một đài thờ hoàn chỉnh thuộc đền A10.
Việc phát hiện và phục hồi lại vị trí nguyên gốc cho đài thờ và 4 trụ đá thuộc ngôi đền này đã làm rõ chức năng của ngôi đền là nơi thờ thần Shiva qua biểu tượng Linga-Yoni và đã trả lại không gian thờ tự như xưa.
Linga Yoni liền khối trong lòng hố thiêng đền A10.
Theo ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, ‘việc khai quật và phát lộ tại đền A10 để phục vụ cho công tác trùng tu đã mang lại kết quả lớn. Rất nhiều hiện vật đã được phát hiện, nhất là đài thờ và 04 trụ đá thuộc ngôi đền này.
Đặc biệt là đài thờ A10 đã được các chuyên gia nghiên cứu sắp xếp từ hơn 20 mảnh vỡ để trở thành một đài thờ hoàn chỉnh nhất tại di tích Mỹ Sơn. Với Linga-Yoni to lớn, liền khối và chân đài thờ được trang trí hoa văn, vòm cửa và các đạo sư thuộc phong cách Đồng Dương thế kỷ IX, đài thờ mang giá trị rất cao về văn hóa và điêu khắc nghệ thuật.
Trang trí chân đài thờ A10.
Ngôi đền A10 được xây dựng vào thế kỷ 9 dưới triều vua Indravarman II, vị vua xây dựng phật viện Đồng Dương nổi tiếng vào năm 875 SCN. Cùng với đền B4, đền A10 là một trong hai ngôi đền tiêu biểu mang phong cách Đồng Dương tại thung lũng Mỹ Sơn. Được khai quật vào năm 1903 và 1904, khi đó tường phía Nam giáp với A1 còn khá cao, tuy nhiên sau khi bị lãng quên và chiến tranh tại Việt Nam trong năm 1969 và 1972, công trình này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từ kết quả khai quật tại di tích Mỹ Sơn của các chuyên gia Pháp (EFEO) trong các năm 1903-1904 cho thấy, hầu hết trong lòng các đền thờ đã bị xáo trộn do các cuộc săn lùng báu vật trước khi các chuyên gia Pháp tiếp cận Mỹ Sơn. Tương tự, đền A10 cũng đã bị xáo trộn trong lòng hố thiêng, sự xáo trộn này đã làm đài thờ A10 sập xuống dưới đáy hố. Với kỹ thuật hạn chế trong giai đoạn khai quật 1903 không thể nâng Linga-Yoni to lớn này lên khỏi hố thiêng, đồng thời khi tiến hành vệ sinh và khai quật dưới lòng hố các mảnh đá chèn Linga-Yoni rất chặt nên việc nâng những khối đá còn lại của đài thờ dưới lòng hố lên là điều không thể lúc bấy giờ.