Tựa đề ca khúc: Thiếu tinh tế hay thừa ẩn ý?

Thứ Năm, 25/10/2018 12:20

|

(CAO) Oh My Chuối, Như cái lò, Thu dẩm, Như lời đồn… là những tựa ca khúc liên tiếp ra mắt trong thời gian gần đây đã khiến không chỉ khán giả “hoang mang” mà ngay cả giới chuyên môn cũng phải chọn cách lên tiếng để phần nào làm yên lòng công chúng về trình độ và thẩm mỹ của người sáng tác.

Vừa mới ra mắt, MV Như lời đồn của Bảo Anh đã “gây ấn tượng” bởi tựa đề ca khúc. Trong vô vàn những lựa chọn, tác giả lại chọn cái tựa bài hát mà thoạt nghe qua hầu hết khán giả đều thấy… kỳ kỳ.

Ai cũng biết ngôn ngữ tiếng Việt rất hay và thú vị. Một trong những nét đặc trưng của tiếng Việt là nói lái. Nói lái không chỉ là thú chơi chữ, là sự dí dỏm của người dùng, mà hơn hết nó còn là một nghệ thuật.

Ngày xưa, nghệ thuật nói lái được các tác giả dùng để phản kháng lại bất công, chống lại áp bức từ quan quyền. Vì thế, những tác giả được gọi là bậc thầy nói lái cũng là những nhân sĩ nổi tiếng được người dân lao động yêu mến.

Vì thế, khi đặt tựa ca khúc, các nhạc sĩ- những người sáng tạo nghệ thuật- không thể nói là họ không biết đến nghệ thuật nói lái của tiếng Việt. Biết nhưng vẫn cố tình đặt, thì có thể được coi là cố tình. Còn cố tình để làm gì, có lẽ chỉ có tác giả và ca sĩ biết tại sao.

MV Như lời đồn

Tuy nhiên, ở góc độ khán giả, với những người nghe nhạc văn minh, điều công chúng có thể làm để tỏ thái độ với những kiểu đặt tựa ca khúc kiểu này – và thậm chí là cả cách dàn dựng MV cũng đầy chủ ý như trang phục gợi cảm và đưa tiếng thở hổn hển vào bài hát – là nói không với việc tiếp nhận sản phẩm âm nhạc thiếu thẩm mỹ nghệ thuật.

Nói về thực trạng tên bài hát hiện nay, không chỉ khán giả thấy “kỳ kỳ” mà ngay cả giới chuyên môn cũng bức xúc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Vì cùng là người sáng tác, tôi phải nói để thể hiện rõ quan điểm làm nghề của mình và vì không muốn bị đánh đồng. Tôi là người theo chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật, đối với tôi, 1 bài hát là phải đẹp, đẹp từ giai điệu, đẹp đến ca từ, đẹp đến nội dung ý nghĩa, đẹp đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ! Và người sáng tác là người điêu khắc nên cái đẹp đó, trách nhiệm của người sáng tác là miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, gìn giữ cái đẹp. Để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống! Từ cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp, rồi dẫn đến hành vi đẹp và lối sống đẹp!

Đó là tôn chỉ rõ ràng của tôi khi sáng tác, khi làm nghề! Vì vậy, tôi đánh giá rất thấp những người đã mang trên vai tấm áo "nghệ sĩ" mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô, cái tục trong những tác phẩm của mình! Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng nên hùa theo khán giả.

MV Oh My chuối

Tác giả “Nhật ký của mẹ” khẳng định: “Tại sao phải cố tình đặt những cái tên như thế để truyền thông, để gây tò mò, để tạo trào lưu??? Mong muốn bài hát được chú ý đến mức đánh đổi cả sĩ diện của mình lẫn cảm tình thật sự của khán giả dành cho bài hát, có đáng không? Không lẽ bài hát bên trong dở đến mức sợ không có ai nghe nên mới dùng đến hạ cách đó?

Và những bài hát với những cái tựa như thế tuyên truyền được điều gì cho giới trẻ? Người nghệ sĩ với hệ tư tưởng lệch lạc như vậy dạy được gì cho trẻ con? Đã khoác chiếc áo nghệ sĩ, nhạc sĩ lên người, hãy tôn trọng bản thân mình, tôn trọng khán giả yêu mến mình, tôn trọng nghề nghiệp của mình, tôn trọng chính chất xám và những tác phẩm của mình ”!

Lời đề nghị từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, cũng là quan điểm của không ít người nghe: “Đã đến lúc Cục Nghệ thuật biểu diễn có những biện pháp cứng rắn hơn về việc phổ biến, phát hành những loại nhạc “thừa ẩn ý” nhưng thiếu văn minh!

Bình luận (0)

Lên đầu trang