Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP; Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP; Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP…
Báo cáo tại chương trình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chung khảo Giải thưởng VHNT TPHCM lần thứ 3 cho biết, Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm là giải thưởng dành cho các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc thuộc các loại hình: Văn học, Âm nhạc, Điện ảnh, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu và VHNT các dân tộc thiểu số. Đến nay, giải thưởng đã có truyền thống gần 30 năm.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM Nguyễn Trường Lưu phát biểu
Kết thúc thời gian nhận tác phẩm, có 292 tác phẩm được gửi tham gia. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học và đầy trách nhiệm, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã trao đổi thẳng thắn, xem xét nhiều góc độ và tiến hành bỏ phiếu kín xếp loại từng tác phẩm. Kết quả, Hội đồng Chung khảo đã đề xuất UBND Thành phố công nhận và trao giải cho 55 tác phẩm.
Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng, Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm lần thứ 3, nhìn chung về số lượng tác phẩm dự giải thưởng còn rất khiêm tốn so với lực lượng hội viên của các hội là 5.600 hội viên, có nhiều lĩnh vực chỉ có 9-10 tác phẩm. Về chất lượng, nhiều tác phẩm có nội dung và tư tưởng được phản ánh với các đề tài đấu tranh để xây dựng xã hội và con người được tốt hơn, đề tài về cuộc đấu tranh cách mạng... được thể hiện phong phú và có nội dung tư tưởng tốt.
Giải thưởng VHNT TPHCM là một giải thưởng cao quý của Thành phố. Giải thưởng không chỉ ghi nhận nỗ lực, cống hiến của các văn nghệ sĩ có tác phẩm, công trình giá trị mà còn là sự động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân trên con đường sáng tạo với nhiều hoài bão và khát vọng. Các tác phẩm văn học được đề xuất xếp hạng và trao giải đã phản ánh khá toàn diện về sự phát triển của VHNT và nỗ lực sáng tạo không ngừng của văn nghệ sĩ Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy ghi nhận và trân trọng cảm ơn Hội đồng chuyên ngành các Hội VHNT Thành phố, Hội đồng Chung khảo xét chọn đã làm việc tích cực, hết sức trách nhiệm để giới thiệu, lựa chọn các tác phẩm. Đồng thời, cảm ơn đến toàn bộ các tác giả, tập thể tác giả đã quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình, gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng VHNT của Thành phố.
Để ghi nhận những nỗ lực và thành quả lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ Thành phố, Giải thưởng VHNT TPHCM ra đời nhằm động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ phát huy tính năng động, sáng tạo nghệ thuật. Đây là giải thưởng danh giá, các tác phẩm đạt giải là những sáng tác có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh lịch sử dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; phản ánh lịch sử hào hùng, truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, động viên tinh thần năng động, vượt khó trong lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân Thành phố.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho các tập thể, cá nhân đoạt Giải thưởng VHNT TPHCM lần thứ 3 (từ năm 2018 đến năm 2022). Trong đó, Hội Âm nhạc có 6 tác phẩm đạt giải; Hội Điện ảnh 7 tác phẩm đạt giải; Hội Kiến trúc sư 3 tác phẩm đạt giải; Hội Nghệ sĩ Múa 5 tác phẩm đạt giải; Hội Nhà văn 7 tác phẩm đạt giải; Hội Mỹ thuật 7 tác phẩm đạt giải; Hội Nhiếp ảnh 7 tác phẩm đạt giải; Hội Sân khấu 7 tác phẩm đạt giải; Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số 6 tác phẩm đạt giải.
Trong lĩnh vực văn học, bên cạnh hồi ký "Gánh gánh... gồng gồng..." của nhà văn Xuân Phượng, còn có 2 giải nhì được trao là: tập sách Võ Văn Kiệt, trí tuệ và sáng tạo (nhà văn Hoàng Lại Giang) và tiểu thuyết Nghiệp chướng (nhà văn Lưu Vĩ Lân).
Nhà văn Xuân Phượng nhận giải trong lĩnh vực Văn học
Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại làng Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong một gia đình hoàng tộc. Hồi nhỏ, bà sống cùng gia đình ở Đà Lạt.
Năm 16 tuổi bà đi theo cách mạng. Trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc cho đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà đã trải qua nhiều nghề, trước khi chuyển qua học và làm phim tài liệu chiến trường và bà là nữ đạo diễn, phóng viên chiến trường làm việc tại phòng Truyền hình, tiền thân của Đài truyền hình VN bây giờ.
Hồi ký Gánh gánh... gồng gồng được đạo diễn Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký Áo dài (viết bằng tiếng Pháp) của bà. Đã xuất bản tại Pháp năm 2001 và đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Năm 2020, sau 19 năm, đạo diễn Xuân Phượng viết lại tập hồi ký bằng tiếng Việt, như món quà tri ân với cuộc đời, và bà đã được nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn và được đông đảo độc giả đón nhận, cảm phục và yêu mến.
Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm là giải thưởng dành cho các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc thuộc các loại hình: Văn học, Âm nhạc, Điện ảnh, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu và văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số.
Giải thưởng được tổ chức 5 năm một lần. Chương trình trao giải tối 7/11 là lần thứ 3 (từ năm 2018-2022). Giải thưởng ghi nhận nỗ lực cống hiến của các văn nghệ sĩ, động viên và khích lệ các văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, mang đến những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.