Chú đã đi rồi... Chú ơi!
Mới cách đây không lâu, cháu còn được nghe giọng nói ấm áp, tình cảm của Chú trên điện thoại, ... thật nhanh quá, thế là Chú đã vĩnh biệt rời xa gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè ... ở tuổi 84.
Chú ra đi để lại cho mọi người biết bao nỗi buồn, nhớ thương về một Con Người hiền lành, đức độ, nhân hậu, đã cống hiến cả cuộc đời cho khoa học, cho Đảng, cho nhân dân...
PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn
Rất nhiều người trong và ngoài nước biết về PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn. Ông là một trong những nhà nghiên cứu văn hoá, nhà lí luận phê bình nổi tiếng của Việt Nam.
Ông sinh năm 1936 tại Cam Lộ, Quảng Trị. Theo truyền thống gia đình, ông tham gia cách mạng từ sớm. Trước 1954, ông vượt đường rừng từ quê hương Quảng Trị ra miền Bắc và theo học tại trường Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, rồi sau đó được Đảng và nhà nước đưa đi đào tạo ở Liên Xô.
Ông bắt đầu sáng tác năm 1956. Từ năm 1960, ông đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, viết lý luận, phê bình, khảo cứu về văn hóa, văn học. Năm 1987 ông tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện Văn học thế giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô). Năm 1996, ông vinh dự nhận bằng tiến sĩ triết học và văn chương của UNESCO.
PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn (ngoài cùng bên phải) và anh trai - ông Trần Trọng Tân (thứ 3 từ trái sang), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng các đại biểu tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM
Ông đã cộng tác với hơn 30 cơ quan báo chí, xuất bản, hãng phim, đài phát thanh, đài truyền hình, các tổ chức biểu diễn nghệ thuật, các tổ chức hội đoàn hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật và nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Ước tính ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu, khảo sát, chuyên luận, tiểu luận phê bình, các bài viết về văn học, sân khấu, điện ảnh.
Ông cũng đã tham gia chủ trì nhiều hội đồng nghiệm thu các đề tài khoa học ở nhiều cấp...
Hơn 50 năm cầm bút, PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn đã để lại cho đời trên 60 đầu sách giá trị.
Tôi cùng nhiều cán bộ nhân viên Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vinh dự được cùng làm việc với tác giả PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn để xuất bản được nhiều tác phẩm giá trị.
Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tặng bằng khen và quà lưu niệm cho PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn, tại lễ khai trương Thư viện Trần Trọng Đăng Đàn tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM (năm 2016).
Ấn tượng nhất với tôi lúc đó là bộ sách Điện Ảnh Việt Nam: Lịch sử - Tác phẩm - Nghệ sĩ - Lí luận - Phê bình - Nghiên cứu, gồm 4 tập, trên 4 nghìn trang. Đây là tác phẩm nghiên cứu được tác giả thực hiện trong hơn 20 năm. Bộ sách đề cập toàn bộ lịch sử điện ảnh Việt Nam 100 năm, đề cập đến 7.190 tác phẩm điện ảnh, 6.866 nghệ sĩ điện ảnh, từ đầu thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI.
Năm 2015, 2016, bộ sách Tổng tập Trần Trọng Đăng Đàn - Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình - Văn học Nghệ thuật - Văn hóa tư tưởng - Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng được xuất bản tại Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM. Bộ sách gồm 6 tập. Sách có gần 400 tác phẩm, là những bài tiểu luận, phê bình; những công trình nghiên cứu về văn học, nghệ thuật, văn hoá tư tưởng, khoa học xã hội nhân văn đã được công bố trong khoảng thời gian 50 năm qua.
Cùng với rất nhiều ấn phẩm khác của PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn, quả thật đây là những công trình hết sức giá trị, ý nghĩa, những tác phẩm để đời cho các thế hệ mai sau. Chính vì vậy, ngày 22/11/2016, PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn đã trân trọng trao tặng cho Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM tất cả tài liệu quý đã gắn bó cùng sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông, lập thư viện Trần Trọng Đăng Đàn, gồm 5.500 bản sách và hơn 5.500 tài liệu khác để phục vụ bạn đọc.
Bộ sách Điện Ảnh Việt Nam: Lịch sử - Tác phẩm - Nghệ sĩ - Lí luận - Phê bình - Nghiên cứu
Cả cuộc đời nghiên cứu, sáng tác, đến cuối đời, ước tính PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn đã có hơn 400 công trình nghiên cứu khảo sát, chuyên luận, tiểu luận phê bình, phê bình tác phẩm, bài viết về văn học, sân khấu, điện ảnh... PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn thật sự là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tận tụy, nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đầy trách nhiệm và bản lĩnh. Đó chính là tình yêu với khoa học, yêu nước, yêu Đảng và nhân dân.
Là người làm công tác xuất bản sách, tôi vô cùng kính trọng những tác giả có tinh thần khoa học nghiêm túc, kỹ lưỡng như PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn. Tôi nhớ lắm những buổi sáng sớm, khi chiều tối hay những lúc mưa rơi đã thấy Chú có mặt ở phòng thiết kế hay phòng biên tập của Nhà xuất bản. Với Chú, từng câu chữ, từng hình ảnh phải được chỉn chu, đẹp nhất khi sách đến với độc giả.
Buồn, xúc động và nhớ Chú vô cùng khi tôi viết lên những dòng chữ này! Thật may mắn, tự hào và trân trọng, kính yêu biết bao khi chú Trần Trọng Tân, anh trai của Chú cũng từng là tác giả của những ấn phẩm quan trọng được xuất bản tại Nhà xuất bản chúng cháu! Chú ơi, Chú đi gặp chú Hai Tân thanh thản ạ! Mãi nhớ thương, yêu kính các Chú vô cùng!
TIN BUỒN
Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Phú Nhuận, TPHCM; Đảng ủy - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 15, quận Phú Nhuận và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Phó giáo sư - Tiến sĩ TRẦN TRỌNG ĐĂNG ĐÀN, sinh ngày 2-2-1936, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; đã từ trần lúc 10 giờ 10 phút ngày 8-11-2020, hưởng thọ 84 tuổi.
Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp. Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ ngày 11-11-2020. Lễ truy điệu lúc 8 giờ 15 phút ngày 12-11-2020. Hỏa táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên (quận 9, TPHCM).
BAN LỄ TANG VÀ GIA ĐÌNH KÍNH BÁO
CHIA BUỒN
Được tin Phó giáo sư - Tiến sĩ TRẦN TRỌNG ĐĂNG ĐÀN từ trần, Đảng ủy - Ban biên tập Báo Công an TPHCM xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất!
BAN BIÊN TẬP
Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM