“Bò không ai coi dắt về nuôi chứ... không ăn trộm”

Thứ Hai, 21/12/2015 10:02  | Hoàng Thiên Lý

|

(CAO) Sau khi bị TAND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) tuyên phạt 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, bị cáo Mấu Luyển (SN 1998, trú thôn Tà Nia, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) và mẹ ruột của mình là bà Mấu Thị Xuân (SN 1960) cùng làm đơn kháng cáo kêu oan.

Bà Xuân cho rằng con mình đi bắt cá thấy bò đi lạc ở bìa rừng nên đã “tiện tay” dắt về nuôi giùm cho người ta chứ có vào nhà ăn trộm gì đâu mà bị tòa phạt. Tòa làm như vậy là không đúng, con bà có tội tình gì đâu, chẳng lẽ bắt bò về nuôi... giùm cũng bị tù!?

Theo hồ sơ, khoảng 9g sáng ngày 19-2-2015, Mấu Luyển mang lưới đánh cá đến khu vực suối thuộc thôn Tà Nia, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn để đánh bắt cá. Luyển đánh cá dọc theo con suối từ thôn Tà Nia đến khu vực suối gần cầu A Thi, thuộc thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc. Đến khoảng 12g cùng ngày, Luyển nhìn thấy tại khu vực bãi suối gần khu vườn keo và rẫy mía của người dân có nhiều con bò đang ăn cỏ, trong đó có con bò đực (lông toàn thân đỏ, lông vùng lưng gần cổ đen, trị giá 11,4 triệu đồng) của anh Cao Du trú tại thôn A Thi đang cột dây cho ăn cỏ bên bờ suối.

Luyển liền nảy sinh ý định trộm cắp con bò đực trên nhằm mục đích mang về nuôi. Sau khi quan sát xung quanh thấy vắng người, Luyển liền tháo dây bò đang cột với gốc cây gần bờ suối và dắt bò đi qua vườn keo vào rẫy mía hướng lên đồi thông. Sau đó, Luyển dắt bò theo đường mòn trên đỉnh đồi đi về khu vực thác nước gần rẫy của ông Ba Trung thuộc thôn Ma O, xã Sơn Trung và cột bò giấu gần đó rồi đi về nhà mình.

Đến ngày hôm sau, Luyển quay lại nơi cột bò tháo dây dắt bò về cột vào gốc cây ổi gần rẫy keo của anh Pháo, nhà ở thôn Tà Nia nhằm mục đích giấu và thuận tiện qua lại chăm sóc, sau đó đi về nhà. Hàng ngày, Luyển vẫn thường xuyên đến thăm và cho bò ăn. Đến ngày 24-3-2015, anh Bo Bo Lựu, trú thôn Ta Nia đi làm rẫy thấy bò lạ đã nhiều ngày cột ở rẫy keo của anh Pháo không thấy ai dắt về, nghĩ rằng bò người dân bị mất nên anh Lựu cắt dây bò và đuổi bò đi để người nào mất bò thì tìm thấy. 

Bị cáo Mấu Luyển - Ảnh: Thiên Lý

Sau đó, anh Lựu thăm hỏi thì được biết anh Cao Du có bò bị mất trộm nên đã báo cho anh Du đến nhận diện, anh Du xác nhận đúng là bò của mình bị mất trước đó nên đã dắt bò về.

Khoảng 16g cùng ngày, Luyển đến thăm bò như thường lệ thì phát hiện không thấy con bò mà mình trộm cắp của anh Cao Du ở nơi mà Luyển đã cột nên có đi tìm xung quanh và theo dọc bờ suối nhưng không thấy mà chỉ thấy có 3 con bò của ai đó đang ăn cỏ ở khu vực ruộng lúa, trong đó có một con bò đực lông màu đỏ, phần cổ có lông màu đen (trị giá 15,9 triệu đồng) của anh Cao Minh Hoàng đang cột dây với một cọc tre tại khu vực đồng ruộng của anh Hoàng thuộc thôn Ma O, Sơn Trung.

Thấy bò của anh Hoàng, Luyển thôi không đi tìm bò của anh Du nữa mà nảy sinh ý định quay sang dắt trộm bò của anh Hoàng mang lên rừng giấu. Khi quan sát không thấy người qua lại, Luyển đi đến nơi cột bò rồi tháo dây. Sau đó, Luyển dắt bò đi qua rẫy keo của anh Pháo theo đường mòn hướng lên khu đồi cỏ tranh thuộc thôn A Thi và cột bò ở đó để bò tự ăn cỏ, sau đó Luyển đi về nhà mình.

Đến ngày 26-3-2015, sau khi nhận thấy hành vi của mình là sai trái, lo sợ bị phát hiện, Luyển đã đến cơ quan công an tự thú và khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Ngày 22-9-2015, TAND huyện Khánh Sơn mở phiên tòa đưa bị cáo ra xét xử. Theo nhận định của tòa, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản của người khác, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây hoang mang lo lắng cho nhân dân. Bị cáo phạm tội nhiều lần. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra mới có tác dụng giáo dục và ngăn ngừa chung trong xã hội.

Tuy nhiên, sau khi phạm tội Luyển đã tự thú và tài sản đã được thu hồi trả lại cho người bị hại, bị cáo phạm tội khi chưa đủ tuổi thành niên, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi, trình độ học vấn có phần hạn chế nên đã tuyên phạt Mấu Luyển 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Mặc dù đã nhận tội nhưng sau khi án tuyên bị cáo lại cùng mẹ mình làm đơn kháng cáo kêu oan.

Ngày 15-12-2015 TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kêu oan của hai mẹ con bị cáo. Tại phiên tòa bị cáo phản cung cho rằng mình không ăn trộm. Vị chủ tọa hỏi lại “Bị cáo có ăn trộm bò của người ta không, bị cáo nói từ từ để tòa còn nghe”, bị cáo trả lời dứt khoát “Không”. Vậy “bị cáo có dắt bò của ai đó về nuôi không?” vị chủ tọa hỏi ngược lại thì lúc này Luyển mới nói có. Vị chủ tọa nghiêm giọng “Có tại sao nãy giờ cứ nói không, làm mất thì giờ của tòa”. Nghe vị chủ tọa nói vậy, Luyển vẫn khăng khăng rằng bị cáo thấy bò không ai coi nên dắt về... nuôi dùm chứ không ăn trộm. 

Mẹ của bị cáo Mấu Luyển - Ảnh: Thiên Lý

Tòa phân tích, bò của người ta mà mình dắt về nuôi là trộm chứ sao bị cáo nói không trộm thì Luyển bảo không biết, làm vị chủ tọa phải lắc đầu ngao ngán với bị cáo này Tiếp đó, Tòa hỏi cấp sơ thẩm xử bị cáo 6 tháng tù nặng hay nhẹ thì bị cáo trả lời nhẹ nhưng muốn ở ngoài làm rẫy chứ không muốn vào tù. Còn bà Mấu Thị Xuân (mẹ của Luyển) người đại diện hợp pháp của bị cáo khi được tòa mời lên bà cũng khăng khăng rằng con mình không phạm tội và đỗ lỗi cho chủ bò thả bò rông không coi nên con bà mới “ngứa nghề” dắt về nuôi giùm cả tuần cho béo tốt, không được mang ơn mà còn bị tội quả là oan cho con bà.

Vị chủ tọa nhắc nhở, nếu bà thành khẩn, bị cáo trung thực thì tòa xem xét, nếu vậy tòa không xem xét nữa, muốn giảm nhẹ không, con mình làm sai mình phải biết giáo dục chứ không phải đỗ lỗi cho người khác được. Một vị thẩm phán lên tiếng: “biết con ăn trộm mà không tố giác cũng chịu trách nhiệm đó, bây giờ bà kêu oan hay xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo?” thì bà bảo cho nó ở nhà để nó còn đi làm rẫy với bà chứ đi tù thì không có ai đi làm với bà.

Sau khi vị luật sư bào chữa chỉ định cho bị cáo, bào chữa cho rằng bị cáo hiểu biết pháp luật hạn chế, sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đã biết ăn năn hối cãi, sớm nhận thức được hành vi sai trái của mình đã đến công an tự thú và đề nghị Hội đồng xét xử miễn hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng hình thức cải tạo không giam giữ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang