Bức ảnh người ngồi trên ngai vàng ở điện Thái Hòa là ảnh ghép

Thứ Tư, 30/11/2016 13:05  | Hoàng Quân

|

(CAO) Cơ quan chức năng vừa có ý kiến về bức ảnh ảnh một người ngồi trên ngai vàng tại Di tích điện Thái Hòa (Đại nội Huế) gây phản cảm, phẫn nộ trong dư luận.

Vừa qua, trên một số trang mạng đã xuất hiện hình ảnh nam thanh niên ngồi trên ngai vàng tại điện Thái Hòa (cung điện nằm trong Đại nội Huế của Kinh thành Huế, là nơi đăng quang của 13 vua nhà Nguyễn từ vua Gia Long đến vua Bảo Đại, là biểu trưng quyền lực của triều Nguyễn) gây phẫn nộ trong cộng đồng.

Dư luận bất bình trước hình ảnh phản cảm trên đồng thời có những thông tin bình luận trái chiều gây hoang mang, tổn hại đến đơn vị quản lý di tích. 

Ngày 30-11, TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế trao đổi với phóng viên: “Đây là bức hình được xử lý trên máy tính vào lúc 3 giờ 41 phút 57 giây vào ngày 25-1-2012 bằng phần mềm xử lý ảnh Photoshop 3.0. Trong hình có sử dụng thuật khử nhiễu ảnh (khử noise). Thông thường người xử lý ảnh dùng kỹ thuật này để làm láng và mềm da mặt, xóa bớt nếp nhăn trên da”.

Ông Hải khẳng định bức ảnh trên là ảnh ghép bởi: “Thứ nhất, khu vực đặt ngai vàng cấm mọi người, du khách đến gần, cấm chụp hình và luôn có 2 bảo vệ canh phòng cẩn mật 24/24 với những nguyên tắc rào chắn rất khắt khe. Vì vậy việc “vượt rào” để tiếp cận ngai vàng là vô cùng khó.

Thứ hai, trên Cảnh Môn (chi tiết màu vàng ở phía sau ngai vàng) vẫn còn hiện rõ họa tiết lưỡng long chầu nhật (hình hai con rồng chầu mặt trời, thể hiện sức mạnh quyền lực, thần thánh). Trong bức ảnh thì họa tiết này lại là phần hậu cảnh. Nếu như vậy, hình ảnh người ngồi trên ngai phải thật sự rõ hơn họa tiết trên Cảnh Môn bởi đây là chủ thế của bức ảnh, hoặc nếu xét tương quan thì phần người ngồi trên ngai là tiền cảnh so với Cảnh Môn. Nếu như vậy thì phần khuôn mặt của người người ngồi hoặc phần cúc áo phải rõ hơn các họa tiết trên Cảnh Môn.

Bức ảnh thanh niên ngồi trên ngai gây phản cảm 

Thứ ba, phần tay trái đặt trên ngai nếu trong tư thế như vậy thì phần đầu rồng của tay vịn bên trái phải xuất lộ. Tuy nhiên trong hình, bàn tay trái lại che khuất phần tay vịn đó.

Thứ tư, bức ảnh đã qua xử lý để độ phân giải ảnh (photo resolution) còn rất thấp (93KB) làm bức ảnh mờ nhòe đi nhằm che đi những lỗi chỉnh sửa ảnh hoặc che khuôn mặt của chủ thể bức hình”.

TS. Phan Thanh Hải trao đổi thêm, đã cho kiểm tra camera (phục vụ công tác an ninh) ở điện Thái Hòa thì không thấy có người nào “vượt rào” tiến đến khu vực ngai vàng.

Qua xác minh, kiểm tra từ các căn cứ chuyên môn và tham khảo ý kiến các cơ quan, cá nhân khác, TTBTDTCĐ Huế đã xác định được facebook có tên Phan V.V. tại địa chỉ (https://www.facebook.com/foreverliving7777…) đã phát tán ảnh này. Hiện tác giả bức ảnh đã xóa status đó trên trang cá nhân. TTBTDTCĐ Huế đang xác minh, tìm hiểu xem động cơ, mục đích của người đưa bức ảnh này là gì.

Bức ảnh lan truyền mạnh trên Facebook 

“Chúng tôi sẽ xác minh về nhân thân cũng như động cơ của bức ảnh này để tìm ra câu trả lời xác đáng, công bố danh tính của người đã thực hiện hành vi vu khống và bôi nhọ hình ảnh di sản”, ông Hải trao đổi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang