(CATP) Thêm một thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng khiến nhiều người “sập bẫy” và thiệt hại hàng tỷ đồng. Quy mô và chiêu trò của nhóm này vẫn là đánh vào lòng tham của các bị hại với dự án kinh doanh “một vốn, bốn lời”. Đây là bài học cảnh tỉnh chung cho tất cả mọi người.
Đầu tháng 2/2025, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước tiếp nhận tin báo của 04 người dân ngụ thị xã Chơn Thành và huyện Hớn Quản về việc đã đầu tư, nộp tiền vào dự án “nuôi bò kỹ thuật số” trên mạng tại hai đường link: https://app.sapu...ch.com và https://sapu...at.com/jvlnr.
Chỉ từ tháng 9/2024 đến tháng 12/2024, các nạn nhân đã chuyển hơn 5 tỉ đồng để đầu tư. Tuy nhiên đến đầu tháng 1/2025 thì cả 04 người đều không đăng nhập được vào hệ thống để giao dịch hoặc liên hệ với những người “lãnh đạo” trong hệ thống nền tảng “nuôi bò kỹ thuật số” dẫn đến nguy cơ bị mất toàn bộ số tiền đã nộp vào tài khoản của các đối tượng để đầu tư.
Tại cơ quan công an, chị L.T.N.A (một trong các bị hại) cho biết: “Khoảng tháng 9/2024, chị được Châu Thị Ánh, SN 1985, ngụ xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành, giới thiệu là nhân viên Công ty TNHH Tư vấn và Trải nghiệm dịch vụ số 2 Saputo Ranch, có trụ sở tại khu phố 5, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản và mời chị đầu tư dự án “nuôi bò sữa” trên mạng. Ánh khẳng định dự án này đã được Nhà nước cấp phép hoạt động tại Việt Nam, đồng thời cung cấp cho chị A. hai đường link giới thiệu dự án của công ty: https://app.sapu...ch.com và https://sapu...at.com/jvlnr để tìm hiểu và tham gia đầu tư để kiếm lời”.
![](http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2025-2-7/anh-1-tru-so-lam-viec-cua-cong-ty.jpg)
Hình ảnh nơi làm việc văn phòng Công ty “nuôi bò kỹ thuật số”
Tin lời Châu Thị Ánh là Công ty có trụ sở đàng hoàng, có tư cách pháp nhân, kinh doanh đúng pháp luật, được Nhà nước cho phép, vì vậy đầu tháng 9/2024, chị A. đã tham gia thử từng gói nhỏ để xem có đúng như Ánh tư vấn không thì quả nhiên, sau khi đầu tư tiền vào dự án “nuôi bò kỹ thuật số” thì có tiền lãi và chị A rút được tiền đúng như hợp đồng với công ty.
Tin tưởng, chị lao vào “đầu tư” nhiều gói hơn. Cụ thể, chị A tham gia một số gói dịch vụ trả lãi theo ngày (gói dịch vụ 06 triệu đồng, lãi 30.000 đồng/1 ngày; gói dịch vụ 42 triệu đồng, lãi một ngày nhận là 294.000 đồng với thời gian nhận nuôi “bò sửa ảo” theo hợp đồng là 295 ngày) và gói dịch vụ trả lãi theo tuần (gói dịch vụ 54 triệu đồng, mỗi tuần được nhận lãi 3 triệu 24.000 đồng, thời gian nhận nuôi theo hợp đồng trong nền tảng kỹ thuật số là 50 tuần). Thấy làm ăn có tiền lời với lãi suất cao và rút tiền thành công từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng. Chị A đã chia sẻ thông tin, hình ảnh việc tham gia cũng như việc rút tiền thành công trên trang Zalo, Facebook cá nhân và được bạn bè, người thân quan tâm đến nhờ tư vấn về các gói dịch vụ…
Qua chị A giới thiệu, tư vấn có nhiều người tham gia giao dịch và được trả lãi suất theo cam kết trong hợp đồng trên nền tảng số. Thấy kiếm tiền khá dễ dàng từ dự án “nuôi bò kỹ thuật số”, nhiều người đã nộp tiền tham gia đầu tư giống như chị A để mong kiếm được nhiều tiền lời. Tuy nhiên, khi có nhiều người tham gia đầu tư tiền vào dự án “nuôi bò kỹ thuật số”, đến đầu tháng 11/2024, các đối tượng quản lý hệ thống liền tổ chức họp Zoom, triển khai dự án và các sự kiện với nhiều phúc lợi nhằm thu hút thêm người tham gia, đẩy nhanh tốc độ “bán sữa” ra thị trường với thời gian 24 giờ thu gốc và thu lãi về tài khoản ngân hàng; trợ giá 50% dịch vụ bán hàng, đầu tư 50% nhận được 100% (đầu tư 4 triệu đồng sau 3 ngày nhận 8.670.000 đồng)... nâng cấp độ Vip6, Vip7 điểm danh 800.000 đồng; 1.500.000 đồng mỗi ngày; Vip8 điểm danh 3.000.000 đồng mỗi ngày.
Với những chiêu trò lừa bịp tinh vi này, nhiều người tin tưởng và nộp tiền vào hệ thống dự án “nuôi bò kỹ thuật số” với số tiền hàng trăm triệu, có người hàng tỷ đồng để đầu tư. Sau đó, khi các “nhà đầu tư” đã hết khả năng tài chính để đầu tư các gói lớn hơn thì các đối tượng lập tức điều chỉnh hệ thống khiến các “nhà đầu tư” không thể rút được tiền lãi và tiền gốc. Khi người đầu tư thắc mắc, các đối tượng giải thích do nghẽn mạng hoặc do lỗi hệ thống ngân hàng. Và đến tháng 12/2024 thì các đối tượng giải tán nhóm, khóa Zalo, Mesenger, Facebook cá nhân, không ai truy cập được vào hệ thống. Lúc này các “nhà đầu tư” mới biết mình bị lừa, sập “bẫy” của kẻ gian nên đến cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền mà chị A và ba “nhà đầu tư” chuyển vào số tài khoản của nhóm đối tượng lừa đảo và bị chiếm đoạt là 5 tỷ 286 triệu đồng.
Chị A. cho biết thêm: “Mặc dù biết rõ là cơ hội lấy lại được số tiền đã đầu tư là không còn, nhưng chúng tôi vẫn trình báo cơ quan Công an để điều tra, và nếu may mắn thì tìm được kẻ xấu để trừng trị. Đồng thời qua đó cảnh báo chung cho tất cả mọi người hãy cảnh giác, không rơi vào bẫy của bọn lừa đảo trên không gian mạng”.
Trung tá Trần Xuân Hữu, Đội trưởng, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết: “Đơn vị đã tiếp nhận đơn tố giác để xử lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc xác minh làm rõ và thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt để trả lại cho các bị hại là rất khó khăn vì các đối tượng hoạt động trên không gian mạng và hầu hết đều có yếu tố nước ngoài”.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đang tiến hành xác minh, làm rõ để xử lý theo pháp luật. Qua vụ việc này, Cơ quan Công an thông báo còn ai là bị hại của nhóm đối tượng này thì nhanh chóng trình báo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để phối hợp giải quyết. Đồng thời đề nghị mọi người cảnh giác và tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi tham gia giao dịch hoặc đầu tư tiền vào các dự án tương tự trên không gian mạng để tránh bị kẻ xấu lượi dụng lừa đảo, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.