Hà Tĩnh: Xây dự án, sở nông nghiệp xâm phạm rừng phòng hộ khiến dân bức xúc

Thứ Sáu, 19/08/2016 11:21  | Văn Tình

|

(CAO) Những ngày qua, người dân xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) rất bức xúc khi hàng loạt cây đước có tuổi hơn 20 năm nằm trong đất rừng phòng hộ chắn triều cường, cản gió, bão bị chặt hạ để thi công dự án ao lắng phục vụ nuôi tôm.

Oái ăm hơn, dự án do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, nhưng khi bị phát hiện thì đơn vị quản lý rừng này lại bảo không biết đó là đất lâm nghiệp.

Xót xa rừng đước bị đốn hạ ngổn ngang

Có mặt tại xóm Phúc Lộc (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà), theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt cây đước tại tiểu khu 285 (khoảnh 2, đất rừng phòng hộ) bị đốn hạ trơ gốc. Cạnh đó, đất bị đào xới ngổn ngang nham nhở ngay dưới chân đê Hữu Phủ, cùng máy móc dừng hoạt động, nằm bên bờ.

Theo người dân địa phương, việc chặt phá cây đước, đào đất ngổn ngang này là để xây dựng ao lắng cung cấp nước cho những hồ nuôi tôm gần đó. Đây là dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Ngay từ lúc bắt đầu khởi công, người dân rất bất bình vì rừng đước là tấm “khiên” chắn gió, bão, ngăn triều cường xâm nhập vào đất liền và được họ chăm sóc, giữ gìn từ hàng chục năm nay.

Từ bao đời nay, rừng đước đã che chắn, bảo vệ người dân xã Thạch Khê trước thiên nhiên khắc nghiệt - Ảnh: Văn Tình 

Đứng nhìn những gốc đước bị đốn hạ, ông Đào Viết Mai (SN 1955, trú xóm Phúc Lộc, xã Thạch Khê), xót xa nói: “Nhìn những cây đước đã có hơn 20 năm tuổi che chắn, bảo vệ cho người dân chúng tôi trước thiên nhiên khắc nghiệt bị đốn hạ mà không khỏi xót xa. Mặc dù đã có đê Hữu Phủ, nhưng về lâu về dài ai dám chắc đê sẽ bảo vệ được người dân chúng tôi như rừng đước.

Tôi còn nhớ trận lũ lớn năm 1989, khi nước dâng ngập đê, những ngôi nhà lúc đó khó trụ lại được. Trận lũ đó, nếu không có rừng đước ngăn sóng thì xóm tôi đã tan hoang. Biết tác dụng của rừng đước, người dân chúng tôi hàng chục năm nay luôn thay nhau chăm sóc, bảo vệ, ngăn chặn không cho ai đến chặt phá và cấm các gia đình thả trâu bò ăn gần đó. Đùng một cái, họ kéo đến nói làm dự án rồi tàn phá rừng đước thì ai mà không bức xúc”.

"Đây là lỗi của cả hệ thống chứ không riêng gì một đơn vị nào"  

                          - Ông Lê Đức Nhân-Phó GĐ Sở NNPTNT Hà Tĩnh nói về vụ phá rừng đước -

 

Ông Trần Đức Táo - Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà, cho biết dự án xây dựng ao lắng để cung cấp nước cho các hồ nuôi tôm được xây dựng thuộc tiểu khu 285, khoảnh 2 ở xã Thạch Khê. Đất này thuộc đất rừng phòng hộ và cũng là hành lang bảo vệ đê điều của tuyến đê Hữu Phủ.

“Khi chúng tôi phát hiện đã tiến hành đo đạc, kiểm tra thì họ đã đào đắp bờ ao lắng được 4,5ha. Ngay sau đó, chúng tôi đã báo cáo với UBND huyện Thạch Hà và tổ chức làm việc với Ban quản lý dự án ODA Sở NNPTNT. Sau cuộc họp đã quyết định đình chỉ thi công vì dự án đã vi phạm đê điều và đất rừng phòng hộ nên báo cáo lên UBND tỉnh xử lý”.

Rừng đước tươi xanh ở xã Thạch Khê nay trơ gốc - Ảnh: Văn Tình 

Đơn vị chủ quản lâm nghiệp không biết đó là đất rừng phòng hộ?

Theo ông Hà Văn Trà – Phó trưởng Ban quản lý dự án ODA thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh, dự án xây dựng ao lắng được được đầu tư với số vốn lên đến hơn 5 tỷ đồng. Đây là dự án phát triển nguồn lợi ven biển được xây dựng từ nguồn vốn ngân hàng thế giới. Quá trình thiết kế, khảo sát mặt bằng đều có sự tham gia của UBND xã Thạch Khê và cán bộ chuyên môn huyện Thạch Hà.

Tuy nhiên, lúc đó đại diện các cấp của địa phương cũng không ai phát hiện ra đất này thuộc rừng phòng hộ cả nên mới triển khai xây dựng. “Sai sót này là do các bên không tìm hiểu kỹ, chứ không phải chúng tôi cố tình làm và có suy nghĩ tư lợi cá nhân gì trong dự án này cả” – ông Trà phân bua.

Ông Phạm Tiến Nam – Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê, giải thích: “Dự án xây dựng ao lắng cung cấp nước cho 12 hecta hồ nuôi tôm của một số hộ dân trong xã. Đây là dự án từ nguồn vốn ODA do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chủ đầu tư, xã Thạch Khê chỉ là đơn vị hưởng lợi nên đồng ý.

Rừng đước bị đốn hạ để đào đất làm ao - Ảnh: Văn Tình 

Trước khi đi vào xây dựng, chủ đầu tư cũng đã tổ chức họp thống quá trình đào đắp bờ, nếu có cây đước thì đơn vị thi công phải múc ra trồng nơi khác. Vậy nhưng, quá trình thi công dự án có một số cây đước bị chặt. Việc này đã được các cơ quan chức năng lập biên bản”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Nhân-Phó GĐ Sở NNPTNT Hà Tĩnh, nói: “Quá trình khảo sát, thi công do sơ suất, chủ quan nên chưa hoàn thiện được thủ tục. Đây là lỗi của cả hệ thống chứ không riêng gì một đơn vị nào”. Cũng theo ông Nhân, hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tạm dừng xây dựng dự án để làm rõ, kiểm điểm những đơn vị có trách nhiệm liên quan.

Dư luận người dân rất bức xúc trước việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, thế nhưng quá trình phá rừng đước để làm dự án trên đất rừng phòng hộ họ lại nói không biết. Theo một số người dân phản ánh, dự án xây dựng ao lắng quá trình họp bàn, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã không gặp gỡ, thông qua ý kiến của người dân mà cố tình “làm ngơ”, bất chấp đất lâm nghiệp để xây dựng bởi trong số 12 hecta diện tích nuôi tôm có một số hồ tôm là của cán bộ Sở nông nghiệp.

Bình luận (1)

Gây hậu quả để dân lãnh trọn

hóa - Thứ Sáu, 19/08/2016, 11:58 Trả lời | Thích
Lên đầu trang