Khởi tố nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM và 11 bị can tại IPC Tân Thuận

Thứ Bảy, 21/11/2020 13:01

|

(CAO) Liên quan đến các sai phạm của ông Tề Trí Dũng và IPC Tân Thuận, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM tiếp tục khởi tố thêm 12 bị can.

Ngày 21-11, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TPHCM), ông Lê Hoàng Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC) và 10 bị can khác cùng về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cơ quan điều tra cũng thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam bị can Huỳnh Phước Long, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TPHCM, nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco. Huỳnh Phước Long trước đó bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" nhưng được cho tại ngoại.

Xe biển xanh rời khỏi trụ sở IPC vào trưa nay

Tất cả các bị can này được xác định có liên quan đến hành vi của ông Tề Trí Dũng (SN 1981, nguyên Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trước đó, Ủy ban kiểm tra Thành ủy TPHCM đã kỷ luật cách hết tất cả chức vụ đối với ông Phạm Văn Thông và kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Hoàng Minh.

Vào tháng 5/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc điều tra về 2 tội danh "tham ô tài sản" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Phóng viên đến tòa nhà IPC tác nghiệp, nắm bắt thông tin

Ông Tề Trí Dũng có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tòa nhà văn phòng IPC. Cụ thể, IPC chỉ sử dụng một phần tòa nhà, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng. Tổng doanh thu cho thuê từ năm 2010 đến năm 2017 là hơn 295 tỉ đồng.

Việc huy động vốn, Công ty IPC hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách và nhằm tạo quan hệ tín dụng với ngân hàng là không phù hợp, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỉ đồng.

Đối với dự án Khu dân cư Long Hậu - Long An, IPC hợp tác đầu tư với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án nhưng bản chất là chuyển nhượng dự án. Việc chuyển nhượng dự án này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là không đúng quy định. Việc hợp tác đầu tư không đảm bảo quyền lợi cho IPC.

Liên quan đến sai phạm tại IPC, cơ quan công an đã khởi tố 16 đối tượng

Đặc biệt, Thanh tra TPHCM đã chỉ ra việc ông Tề Trí Dũng làm đại diện vốn nhà nước tại 4 công ty có vốn đầu tư nhà nước là vượt so với quy định; việc chọn Công ty Nguyễn Kim là cổ đông chiến lược không có cơ sở pháp lý…

Trong 2 năm 2016 và 2017, IPC đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài với tổng số tiền là hơn 1,3 tỉ đồng. Sau khi đi nước ngoài về, các cá nhân có báo cáo nhưng nội dung không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm đúc kết qua chuyến đi gây lãng phí ngân sách tại Công ty IPC và các đơn vị thành viên có vốn góp của nhà nước.

Tính đến thời điểm này, liên quan 2 bị can Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm tổng cộng 16 bị can để điều tra.

Các bị khởi tố gồm:

1. Phạm Xuân Trung, Phó tổng giám đốc IPC

2. Trần Mạnh Khôi, nguyên Trưởng ban kiểm soát

3. Đoàn Minh Lý

4. Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên IPC

5. Phùng Đức Trí, Phó tổng giám đốc IPC

6. Nguyễn Trường Bảo Khánh, Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên IPC

7. Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc

8. Lương Chí Cường, chuyên viên Tài chính - kế hoạch

9. Đoàn Thị Minh Trang, nguyên Trưởng phòng Tài chính- kế hoạch IPC

10. Lâm Văn Tuấn

11. Vũ Xuân Đức, Thành viên chuyên trách Hội  đồng thành viên IPC

12. Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh văn phòng Thành ủy TPHCM

Trong đó 3 bị can Phạm Xuân Trung, Trần Mạnh Khôi và Đoàn Minh Lý bị bắt tạm giam, số còn lại   cho tại ngoại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang