Chuyên án Thanh Nga - Chiến công xuất sắc của lực lượng CAND:

Kỳ 1: Phát súng oan nghiệt trong đêm

Thứ Năm, 17/08/2023 15:26

|

(CATP) Chuyên đề Công an TPHCM tiếp tục giới thiệu loạt bài về vụ án Thanh Nga như là một món quà, trân trọng gửi đến độc giả, nhân dịp hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân.

LTS: Vụ án Thanh Nga do lực lượng Công an TP.Hồ Chí Minh triệt phá, đến nay đã đi qua gần 45 năm, nhưng vẫn chưa bao giờ bớt nóng. Người ta quan tâm đến vụ án không chỉ vì mộ điệu một nghệ sĩ tài danh, mà còn ở tính chất phức tạp của vụ án được lực lượng công an khéo léo giải mã. Bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác công an được lực lượng CA TPHCM vận dụng đưa lên thành nghệ thuật, mà sức lan tỏa vượt lên cả thời gian, không gian, biên giới, được báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế khai thác ở nhiều góc độ khác nhau.

Chuyên đề Công an TPHCM tiếp tục giới thiệu loạt bài về vụ án này như là một món quà, trân trọng gửi đến độc giả, nhân dịp hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân.

Vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga bị sát hại trong bối cảnh chính trị, xã hội rất phức tạp. Sài Gòn mới được giải phóng, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với các thế lực thù địch, hàng chục băng cướp khét tiếng từ chế độ cũ để lại ra sức hoành hành. Vụ án vừa mang màu sắc chính trị, vừa có dấu hiệu hình sự, được lãnh đạo Bộ Công an và Thành ủy TPHCM đặc biệt quan tâm.

Sau 139 ngày đấu tranh quyết liệt, lực lượng công an phải giám định cả trăm khẩu súng P38, rà soát hơn 2.000 xe hơi hiệu Volkswagen, gần chục ngàn chiếc honda 67, lên danh sách hàng ngàn người lai Tây, phá rã hàng chục tổ chức phản động, xóa sổ 23 băng cướp… chỉ để giải mã câu hỏi kẻ nào đã nhẫn tâm ra tay?

THẢM ÁN SAU ĐÊM DIỄN

Đêm đã khuya. Chuông điện thoại Phòng cảnh sát hình sự vang lên dồn dập:

- A lô! Công an quận 1 cấp báo, vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga - Đổng Lân vừa bị bắn tại nhà riêng, số 144 Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1)…

- Trinh sát từ Bệnh viện Sài Gòn báo cáo… hai nạn nhân đều đã thiệt mạng!

Trung tá Trịnh Thanh Thiệp - Trưởng phòng CSHS - liếc nhìn đồng hồ, lúc ấy là 23 giờ 30 ngày 26/11/1978. Anh bước vội sang Đội trọng án gọi Đại úy, Đội trưởng Võ Tấn Thành (Hai Thành), Đội phó Phạm Văn Thịnh cùng mấy trinh sát lên chiếc Toyota của đơn vị phóng về phía trung tâm thành phố. Trên xe, không ai nói câu nào, nhưng tất cả cùng chung ý nghĩ khả năng Thanh Nga bị bọn phản động sát hại.

Cái ngày này dường như đã được báo trước bởi đoàn cải lương Thanh Minh do bà bầu Thơ - mẹ Thanh Nga - làm chủ, có xu hướng tiến bộ, thường biểu diễn những vở ca ngợi lòng yêu nước, đả kích quân xâm lược, trong đó Thanh Nga luôn thủ diễn xuất sắc các vai anh hùng dân tộc khiến những kẻ thù địch hết sức tức tối, nhiều lần gửi thư nặc danh đe dọa. Cách đây 8 tháng, khi đang sắm vai Trưng Trắc trong vở “Tiếng trống Mê Linh”, Thanh Nga bị thương, 2 nhạc công thiệt mạng do một trái lựu đạn quăng lên sân khấu. Sau sự kiện này, Thanh Nga không hề run sợ mà còn đưa ra câu nói bất hủ: “Người nghệ sĩ nếu có chết cũng phải chết trên sân khấu”. Mới tuần trước, trong Ban giám đốc CATP từng có ý kiến cần lên phương án bảo vệ Thanh Nga, vậy mà…

Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm lần thứ nhất

Dòng suy nghĩ của mọi người bị cắt ngang bởi chiếc Toyota cũ kỹ bỗng cà giựt rồi khựng lại giữa bùng binh Quách Thị Trang. Anh tài xế cố đề máy nhưng vô hiệu. Sốt ruột, Trung tá Trịnh Thanh Thiệp ra lệnh cho các cán bộ thuộc quyền cùng anh xuống xe chạy bộ. Gần 2 cây số mới tới nơi, các chiến sĩ hình sự đã thấy Đại tá, Phó giám đốc Cáp Xuân Diệm có mặt tự bao giờ. Vừa nghe tiếng chào, đại tá khẽ nhíu mày, nhưng nhìn những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, lại không có tiếng ôtô, giọng ông dịu xuống:

- Xe hư rồi hả? Bắt tay vào việc đi!

Các sĩ quan hình sự phối hợp với Công an quận 1 khẩn trương tiến hành khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai nhân chứng. Vụ án được xác định diễn ra trên sân nhà, nơi có chiếc Volkswagen của vợ chồng Thanh Nga đang đậu. Trong xe có nhiều dấu máu; lần theo vết đạn ở lưng ghế vị trí lái xe, trinh sát thu được một đầu đạn. Ở băng ghế sau, dưới sàn xe có một chai xá xị, một vỏ đạn. Cạnh vách tường nhà có chiếc mũ vải màu xanh, nghi của thủ phạm rớt lại. Tại Bệnh viện Sài Gòn, bác sĩ gắp ra từ lưng Thanh Nga một đầu đạn. Vũ khí hung thủ sử dụng để gây án là khẩu súng ngắn hiệu P38.

Hai người chứng kiến toàn bộ cảnh thảm sát là cậu con trai vợ chồng khổ chủ - cháu Phạm Duy Hà Linh, thường gọi là Cúc Cu và Nguyễn Văn Các (34 tuổi), nhân viên trật tự đoàn cải lương Thanh Minh, sau vụ nổ lựu đạn được bà bầu Thơ giao thêm nhiệm vụ bảo vệ Thanh Nga. Bé Cúc Cu mới 5 tuổi, còn nhỏ dại, lại vừa trải qua phen hãi hùng nên không thể cung cấp bất cứ tình tiết nào khả dĩ cho công tác điều tra. Chưa hết bàng hoàng, Nguyễn Văn Các thuật lại:

Hồi tối, đoàn Thanh Minh trình diễn vở “Thái hậu Dương Vân Nga” ở rạp Cao Đồng Hưng, quận Bình Thạnh. Khoảng 22 giờ, Các ra lau chùi chiếc Volkswagen thì chị bán cóc ổi bên đường bảo có 2 thanh niên đi honda vòng qua đảo lại mấy lần dòm ngó biển số xe. 22 giờ 30, buổi biểu diễn kết thúc, khán giả ra về, một số ít nán lại vây quanh xe ngắm nhìn Thanh Nga với vẻ ái mộ. Các dẹp đường cho Đổng Lân (Phạm Duy Lân, 55 tuổi, chồng Thanh Nga) lái xe rồi leo lên ghế bên cạnh, mẹ con Cúc Cu ngồi băng sau.

Xe chạy theo lộ trình Bà Chiểu - Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Cách Mạng Tháng Tám, đến đường Ngô Tùng Châu phát hiện một chiếc Volkswagen màu vàng lưu thông phía trước, trên xe có 2 người. Đổng Lân cho xe vượt lên, chiếc kia vẫn lặng lẽ bám theo. Về tới nhà, Các xuống mở cổng, Đổng Lân đánh xe vào sân. Các bước theo, đang mở cửa cho Thanh Nga ra thì một chiếc honda 67 màu đen đỗ xịch trước cổng, gã thanh niên ngồi sau nhảy phắt xuống tiến về phía Các chĩa súng ngắn vào đầu:

- Im mồm, mày la tao bắn chết!

Hắn gằn giọng rồi đạp Các ngã úp mặt vào trong xe. Vì quá khiếp sợ và bị tên này dùng đầu gối đè lên lưng, Các phải nằm im. Tai Các ù đi cùng những âm thanh “sột, soạt”, rồi tiếng Đổng Lân:

- Các ông muốn gì vợ chồng tôi cũng chịu hết…

Mấy giây sau Đổng Lân nhắc lại câu này và nói thêm “đừng bắt con tôi”. Không thấy kẻ lạ mặt đáp lại, Các bỗng giật mình khi nghe tiếng súng chát chúa.

- Các ơi, cậu Ba trúng đạn rồi…

Giọng Đổng Lân yếu ớt. Tiếp đó là tiếng Thanh Nga:

- Các ông có bắn thì bắn chết tôi đi, đừng hại con tôi!

Nữ nghệ sĩ lớn tiếng lặp lại lời nói này và súng lại nổ. Bé Cúc Cu khóc ré lên. Các nghe một trong hai tên sát thủ buông câu cụt ngủn “thôi bỏ đi” và có cảm giác không bị đè nặng trên lưng nữa. Anh khẽ khàng nhỏm dậy, thấy một tên đang đạp máy chiếc honda 67, gã cầm súng vẫn chĩa vào Các và đi giật lùi, sau đó nhảy lên xe đồng bọn chạy ngược chiều đường Ngô Tùng Châu ra hướng ngã sáu Phù Đổng.

Đặc điểm nhân dạng đối tượng được Các mô tả: gã cầm súng trạc 30 tuổi, cao khoảng 1,70m, da ngăm đen, mũi cao, tóc dài, nói giọng Nam, tên kia thấp hơn và mập, không rõ mặt nên không đoán được tuổi. Chiếc xe máy của chúng bình xăng trắng, khả năng bị mất miếng nhựa ốp bên hông…

Nhà ở phía đối diện, hàng đêm hai chị em Lương Thị Bích, Lương Thị Thu thường ngồi học bài trên lầu, cứ tầm 23 giờ lại nghe tiếng xe hơi của Thanh Nga đi biểu diễn về. Hai cô cho biết, tối 26/11 âm thanh quen thuộc ấy vang lên lúc 22 giờ 50, động cơ ôtô vừa dứt thì có những tiếng động lạ, tiếp đó là tiếng la khóc của con nít. Nhìn qua cửa sổ, chị em Thu - Bích thấy cổng nhà Thanh Nga mở toang, chiếc Volkswagen đậu giữa sân, bên phải xe có 2 thanh niên, một đứa đứng, một tên đang kéo hay giằng co vật gì ở trong xe. Rồi tiếng súng nổ, lửa tóe ra từ tay gã đang đứng, ít phút sau lại một tiếng nổ nữa. Khẩu súng của chúng dài khoảng 30cm, mũi súng giống như loa kèn.

Ngoài Các, Bích, Thu, một chị bán cóc ổi trước rạp Cao Đồng Hưng ghi nhận có 2 thanh niên đi honda lượn lờ nhòm ngó biển số xe của vợ chồng Thanh Nga…

VĨNH BIỆT “SƠN NỮ PHÀ CA”

Tin Thanh Nga cùng chồng bị sát hại nhanh chóng lan truyền khắp thành phố. Các đồng nghiệp, nghệ sĩ có tên tuổi, người hâm mộ và cả hiếu kỳ ùn ùn đổ về Bệnh viện Sài Gòn. Thanh Nga nằm đó, phấn son chưa kịp tẩy trang sau vai diễn cuối cùng, vẻ đẹp vừa thánh thiện, vừa kiêu sa, lộng lẫy. Nghệ sĩ Thanh Sang, luôn song hành cùng Thanh Nga trở thành cặp đào kép lý tưởng khi sắm các vai Thi Sách trong “Tiếng trống Mê Linh”, Lê Hoàn vở “Thái hậu Dương Vân Nga”… cứ vuốt mãi mái tóc đen óng ả của người bạn diễn xấu số mà nghẹn ngào: “Chị ơi, hồi hôm còn oai phong lẫm liệt trên sân khấu, giờ sao đến nông nỗi này?”…

Sinh năm 1942 tại Tây Ninh, lên 8 tuổi Thanh Nga bắt đầu bước lên sàn diễn với những vai nho nhỏ. Cho đến một ngày “sơn nữ Phà Ca” (vở “Người vợ không bao giờ cưới”) xuất hiện thì không cần đợi tuổi, không đợi thời gian, chị vụt sáng, trong trẻo như con suối ban mai, tươi tắn như nụ hoa rừng chớm nở khiến soạn giả Kiên Giang sung sướng đến trào nước mắt vì Phà Ca đẹp hơn, hoàn hảo hơn so với nguyên tác.

Chính vai diễn này đã đem lại cho Thanh Nga huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958, khi cô 16 tuổi. Từ đây, Thanh Nga như cánh buồm căng gió lồng lộng vượt trùng khơi, không gì ngăn cản được bước đi thần tốc trong việc chinh phục hàng triệu trái tim khán giả. Năm 1966, hóa thân vào nhân vật Giáng Hương trong vở “Sân khấu về khuya”, chị đoạt giải Thanh Tâm lần 2. Những phần thưởng cao quý này khẳng định tài đức vẹn toàn của nữ nghệ sĩ.

Tài sắc, đức hạnh là thế, vậy mà đường tình duyên của Thanh Nga lại trắc trở. Có những kẻ toan tính dùng uy quyền và thế lực rắp tâm chiếm đoạt nhan sắc tuyệt mỹ cùng giọng ca đam mê, quyến rũ. Chỉ khi vị Đổng lý văn phòng Bộ Thông tin (chế độ cũ) Phạm Duy Lân từ bỏ hết danh vọng, địa vị để đến với chị, hạnh phúc mới mỉm cười. Gia đình, sự nghiệp tưởng như đã viên mãn, nhưng chị lại sớm bạc mệnh.

Cánh màn nhung cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa khép lại ở độ tuổi đang sung sức. Thương tiếc một tài năng, lòng người xúc động, hết thảy đều căm giận những tên dã thú đã cướp đi của công chúng và nghệ thuật một báu vật. Ai gieo tang tóc này? Bọn phản cách mạng, lũ lưu manh hình sự hay do hận tình, đố kỵ về tài năng làm nên tội ác?

36 tuổi đời với 28 năm trên sân khấu, Thanh Nga đã góp mặt trong 230 vở diễn, trong đó những vai bất tử trong lòng người mộ điệu như sơn nữ Phà Ca (vở “Người vợ không bao giờ cưới”), Điêu Thuyền (trong Phụng Nghi Đình), Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa), Klay (Mưa rừng), Hương (Nửa đời hương phấn), Giáng Hương (Sân khấu về khuya), cô gái mù Xuyên Lan (Tiếng hạc trong trăng), Thảo (Bông hồng cài áo), Kim Anh (Đời cô Lựu), Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh), Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa), Vân (Bóng tối và ánh sáng), Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga)…

Không chỉ được mệnh danh là nữ hoàng sân khấu, Thanh Nga còn là một minh tinh màn bạc, để lại những nét đẹp thuần Việt qua các bộ phim Đôi mắt người xưa, Hai chuyến xe hoa, Loan mắt nhung, Mùa thu cuối cùng, Nắng chiều, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Lan và Điệp, Một thoáng đam mê, Xa lộ không đèn, Mưa trong bình minh…

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang