Ký sự pháp đình:

Muốn sang chẳng bắc cầu Kiều...

Thứ Bảy, 08/08/2020 11:45

|

(CATP) Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) quận 1 (TPHCM) xét xử vụ kiện tranh chấp liên quan đến hoạt động giáo dục, xảy ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV). Vụ kiện được cho là "xưa nay hiếm": một nghiên cứu sinh (NCS) đệ đơn kiện các thầy cô vì cho rằng họ không khách quan khi đánh giá luận án của mình.

Phòng xử án mùa dịch Covid khá ngột ngạt vì những chiếc khẩu trang kín mít, nhưng không khí càng căng thẳng hơn bởi sự tranh luận của các bên. Nguyên đơn Nguyễn Hoàng Anh Tuấn (SN 1984, ngụ Q7) là NCS ngành Văn hóa học tại Trường ĐH KHXH&NV, bảo vệ luận án tiến sĩ "Ả đào trong văn hóa Việt Nam". 

Ngày 9-1-2018, NCS Tuấn bảo vệ lần 2 tại hội đồng (HĐ) cấp đơn vị chuyên môn, kết quả có 3/6 thành viên HĐ gồm các ông Trương Văn Minh, Nguyễn Ngọc Quận, bà Phan Thị Bích Hà bỏ phiếu không thông qua. Mặc dù vậy, đại diện HĐ lại tuyên bố sẽ thông qua với điều kiện NCS Tuấn phải chỉnh sửa luận án và có sự đồng ý của tất cả thành viên trong HĐ.

Sau đó, Tuấn nhận được quyết nghị của HĐ với nội dung đề nghị chưa cho NCS bảo vệ luận án cấp trường, phải bảo vệ lại. Thủ trưởng cơ sở đào tạo phê chuẩn: Căn cứ khoản 5 điều 32 Quy chế đào tạo tiến sĩ, kết quả phiếu của thí sinh (NCS) phải đạt 5/6 mới được thông qua. Hội đồng phải họp lại để đánh giá lần nữa sau khi NCS sửa chữa và nộp luận án.

Không đồng ý, Tuấn khiếu nại đến Trường ĐH KHXH&NV và Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM. Cả hai quyết định giải quyết khiếu nại đều xác định quyết nghị của HĐ hoàn toàn đúng với Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của ĐHQG TPHCM.

Vẫn cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm, Tuấn khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên bố các ông Minh, Quận, bà Hà vi phạm nguyên tắc dân sự; tuyên bố ông Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG TPHCM, ông Võ Văn Sen - nguyên Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV - không khách quan khi xác minh, giải quyết khiếu nại; buộc Trường ĐH KHXH&NV bồi thường hơn 54 triệu đồng, gồm chi phí bảo vệ luận án lần 2, thu nhập bị mất, thiệt hại danh dự, tinh thần; buộc cải chính trên báo chí.

Đứng ở phía đối diện, bị đơn gồm Trường ĐH KHXH&NV, các ông Sen, Minh, Quận và bà Hà đưa ra phản tố yêu cầu tòa tuyên bố NCS Tuấn có những hành vi xúc phạm danh dự làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân; buộc nguyên đơn phải chấm dứt ngay mọi hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của họ. Các ông Minh, Quận, bà Hà còn yêu cầu tòa án buộc Tuấn bồi thường tổn thất tinh thần tính bằng 10 tháng lương cơ sở.

Phiên xử kéo dài đến quá trưa, chủ tọa cố gắng phân tích, động viên các bên hòa giải, rút đơn kiện để đình chỉ vụ án, giữ hòa khí thầy trò, nhưng mong muốn ấy không đạt được. Người học trò khăng khăng cho rằng các thầy cô không bình đẳng, không trung thực trong việc đánh giá luận án tiến sĩ của mình; 2 vị hiệu trưởng không công tâm, không khách quan minh bạch khi giải quyết khiếu nại. Phía nhà trường khẳng định HĐ đánh giá luận án tiến sĩ lần 2 của Tuấn được thành lập đúng thành phần, quyết nghị của HĐ đúng thẩm quyền và quy định.

PGS-TS Phan Thị Bích Hà là ủy viên phản biện 2 của HĐ, cũng là bị đơn trong vụ kiện, không nén được bức xúc. Mấy chục năm làm khoa học, bà là Nhà giáo ưu tú, được tặng thưởng nhiều huân chương về lĩnh vực văn hóa, từng tham gia HĐ bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 30 NCS và nhiều HĐ thẩm định các công trình khoa học cấp nhà nước.

Quang cảnh phiên xử tại Tòa án nhân dân Q1

Với trình độ chuyên môn và uy tín cao như vậy, không có lý do gì phải o ép, không trung thực khi đánh giá luận án của học trò để tự đánh mất uy tín, nhân phẩm người thầy. Thật đau lòng vì trong đơn khiếu nại của Tuấn, không riêng bà mà nhiều thầy cô cũng bị coi thường, xúc phạm rất nặng nề.

Luật sư Ngô Đình Hoàng sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ kiện đã phải thốt lên "thật đáng buồn" khi người này đang bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học. Một tiến sĩ hướng dẫn cho NCS này chia sẻ: "Công trình nghiên cứu của NCS không được HĐ thông qua là điều bình thường nếu chưa đạt yêu cầu, dù 1 hay 2 lần. Về mặt khách quan, tính nghiêm ngặt trong học thuật là cần thiết. Thực lực của NCS cũng có giới hạn nên điều này xảy ra không có gì lạ”.

Kết thúc ngày xét xử thứ 2, sau rất nhiều tranh luận, bản án tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Theo Hội đồng xét xử, việc đánh giá của thành viên HĐ chuyên môn không nằm trong phạm vi giải quyết của tòa án. Hội đồng xét xử cho rằng nguyên đơn đã có nhiều đơn khiếu nại với lời lẽ không tôn trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân các ông Sen, Minh, Quận và bà Hà.

Do đó, buộc Nguyễn Hoàng Anh Tuấn chấm dứt hành vi xúc phạm danh dự làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân các nhà giáo này, đồng thời phải bồi thường cho ông Minh, bà Hà, ông Quận tổng cộng 44,7 triệu đồng để bù đắp tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Giữa trưa nắng gắt, những người "thắng kiện" ra về với nét mặt nặng trĩu muộn phiền. Với họ, đây là một kỷ niệm buồn trong sự nghiệp mấy chục năm "đưa đò”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang