Cảnh báo:

Chợ ma túy ảo trên mạng diễn biến phức tạp

Thứ Năm, 20/02/2025 15:23  | Thanh Hòa

|

(CATP) Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Cục C04), Bộ Công an cho biết, hiện nay, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy có tổ chức và xuyên quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là các ứng dụng mạng xã hội để hoạt động...

Xuất hiện nhiều loại ma túy cực độc

Theo Cục C04, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trong khu vực và ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, địa bàn trọng điểm. Các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia hoạt động tinh vi, do những ông trùm là người nước ngoài điều hành xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng mua bán, vận chuyển ma túy qua nhiều khâu trung gian, ngụy trang dưới nhiều hình thức, vỏ bọc hợp pháp gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.

Cục C04 cũng cảnh báo, hiện đã xuất hiện nhiều loại ma túy cực độc, có thể gây tử vong cho người sử dụng. Cục C04 từng phát đi cảnh báo về loại ma túy có tên Fetanyl, loại ma túy kịch độc mà chỉ cần 1 chấm nhỏ như đầu bút bi thấm qua da đã có thể gây tử vong. Loại ma túy này khiến hơn 130.000 người tại Mỹ tử vong chỉ trong 1 năm, trong đó có cả nhân viên cảnh sát vô tình tiếp xúc phải trong quá trình bắt giữ tội phạm.

Ma túy tổng hợp được vận chuyển từ châu Âu về Việt Nam qua đường hàng không

Với công nghệ hiện đại, ma túy tổng hợp dạng viên (MDMA) và Ketamine nguồn gốc từ Châu Âu hiệu quả cao, tác động mạnh mẽ; được sản xuất trong các phòng thí nghiệm nên có số lượng lớn, ổn định về chất lượng, hàm lượng và giá cả rẻ hiện đang được ưa chuộng. Tình trạng người Việt đang làm ăn sinh sống tại Châu Âu móc nối với đối tượng ở trong nước hình thành các đường dây tội phạm nua bán, vận chuyển các chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam cũng đang gia tăng.

Các vụ vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam (chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc, CHLB Đức, Hà Lan, Pháp, Mỹ...) dưới dạng "quà biếu" bằng chuyển phát nhanh hoặc hàng "xách tay" qua cảng hàng không quốc tế vẫn diễn biến phức tạp.

Tình hình người nước ngoài phạm tội về ma túy ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội rất đa dạng, tập trung chủ yếu là người Lào, Trung Quốc, Campuchia, Úc, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng người nước ngoài (chủ yếu quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan Trung Quốc, Lào, Campuchia...) móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty "bình phong", triệt để lợi dụng kẽ hở trong các quy định của Nhà nước về quản lý các loại tiền chất, hóa chất, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu để sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam tiêu thụ một phần và phần lớn tiếp tục vận chuyển đi các nước khác.

Thuốc lá điện tử tẩm ma túy

Trên tuyến đường biển, ma túy xuất phát từ các nước Châu Mỹ như Brazil, Canada, Paraguay... qua Pakistan, Singapore, Đài Loan về Việt Nam bằng đường biển qua cảng Cát Lái (TPHCM) và cảng Hải Phòng để vào nội địa hoặc trà trộn vào hàng hóa thông thường để tạm nhập, tái xuất đi nước thứ ba. Loại ma túy qua tuyến đường biển chủ yếu là cocain, cần sa được các đối tượng phạm tội ngụy trang, cất giấu trong hàng hóa, phế liệu... hoặc đóng gói như các loại hàng hóa thông thường để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy cũng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, ngụy trang kín đáo dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng lợi dụng tuyến biên giới dài, hiểm trở để vận chuyển, mua bán ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ; lợi dụng việc xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu, cất giấu ma túy vào trong người, trong hàng hóa cồng kềnh...

Các đối tượng hầu hết sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như qua các ứng dụng Facebook, Instagram, Viber, Telegram, Whatsap, Line, Wechat, Signal... dùng sim số điện thoại của nước ngoài kết nối toàn cầu để liên lạc, trao đổi việc mua bán, vận chuyển ma túy. Chúng cũng lợi dụng các công ty logistics, công ty dịch vụ vận tải và chuyển phát, sử dụng "xe ôm công nghệ", dịch vụ chuyển phát bưu điện... sử dụng công nghệ Smartbanking, Wetern Union, tài khoản ngân hàng "rác"... để giao dịch mua bán, vận chuyển ma túy.

Các đối tượng và tang vật thu giữ trong các chuyên án

Hiện nay, tội phạm ma túy triệt để lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là các ứng dụng mạng xã hội để hình thành các hội, nhóm, tổ chức dạng "chợ ma túy ảo" có tính bảo mật cá nhân cao, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Chúng hầu như không quen biết, gặp gỡ nhau ngoài đời thực trừ một nhóm nhỏ các Admin (người điều hành, quản trị, quản lý các trang mạng xã hội, trang web...). Các thành viên tham gia không thể tùy ý ra vào mà phải tuân theo nguyên tắc hoạt động do Admin lập trình và quy định sẵn; đồng bộ hóa tài khoản Zalo, Facebook... để trao đổi thông tin giao dịch.

Việc mua bán ma túy trên không gian mạng không ngừng gia tăng vì khả năng ẩn danh cao, giao dịch dễ dàng, khó truy vết. Bên cạnh đó, các đối tượng thường sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến của ngân hàng hoặc ứng dụng ví điện tử (Momo, Vnpay, Viettelpay...), phần lớn sử dụng tài khoản ngân hàng của người khác để thực hiện giao dịch mua bán ma túy.

Tăng cường phối hợp quốc tế để đấu tranh, ngăn chặn

Trước thực trạng đó, thời gian qua, Bộ Công an đã ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch, Phương án, Dự án... nhằm tăng cường công tác phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới. Lực lượng Công an các địa phương cũng tăng cường công tác đấu tranh, triệt xóa các đường dây ma túy.

Liêu Chí Hoài (người Đài Loan, Trung Quốc) cầm đầu đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy

Trong năm 2024, Công an các địa phương đã đấu tranh triệt xóa 227 vụ/2.119 đối tượng, thu giữ hơn 277kg heroin; 2.414.440,28 gam và 971.507 viên MTTH; 1.438.699,57 gam cần sa; 5.184,14 gam cocain; 6.033 gói nước vui; 3,619gam xái thuốc phiện; 10.000 gam cao cân sa; 20 bánh hồng phiến; 80.300 gam ma túy các loại; 4.732 gam chất phụ gia; 340.000 gam thảo mộc dạng sợi tiêm tẩm cần sa; 1,2 tấn bao bì dùng để đóng gói ma túy; 31 súng các loại và 219 viên đạn, lựu đạn cùng nhiều tang vật liên quan.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, hiện nay, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, phối hợp, đấu tranh nghiệp vụ, Cục C04 cũng đang tiếp tục tăng cường công tác trao đổi thông tin với các nước láng giềng, khu vực và các cơ quan phòng, chống ma túy quốc tế để xác minh thông tin, xác lập chuyên án chung để đấu tranh triệt phá.

1,3 tấn ma túy thu giữ trong vụ án của Liêu Chí Hoài

Trong đó, tập trung phối hợp với lực lượng chức năng các nước ở Tây Âu, Đông Âu, Úc, Lào và Campuchia đấu tranh triệt phá các đường dây ma túy xuyên quốc gia, có dấu hiệu rửa tiền quốc tế; phối hợp với lực lượng chức năng Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc đấu tranh triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy do người Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu có liên quan đến Việt Nam; tập trung xác minh, truy bắt đối tượng truy nã đang lẩn trốn ở nước ngoài hiện đang tiếp tục điều hành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia để điều tra, khám phá, bóc gỡ toàn bộ đường dây, bắt giữ các đối tượng chủ mưu cầm đầu đang sinh sống ở nước ngoài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang