Sáng 26-3, TAND TP. Hà Nội đã xét xử vụ án “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy”, liên quan đến vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông xảy ra ngày 1-11-2016, làm 13 người chết.
Những người bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, ở quận Hà Đông), Hoàng Văn Tuấn (SN 1993) và Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, SN 1962, cùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Trong đó, vai trò của Nguyễn Diệu Linh (32 tuổi, chủ quán), Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi, thợ hàn) và Lê Thị Thì (56 tuổi, chủ thầu).
Trước đó, vụ án được đưa ra xét xử ngày 8-1-2018, nhưng tòa đã trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung.
Ba bị cáo tại tòa
Theo cáo trạng của VKSND, Nguyễn Diệu Linh - chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bị cáo buộc để quán karaoke hoạt động khi chưa có giấy phép, cơ sở chưa được nghiệm thu đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy.
Cáo trạng nêu rõ, Nguyễn Diệu Linh đã nhưng tự ý thay đổi, không làm theo đúng thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo bản thiết kế đã thẩm duyệt; không kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công.
Đặc biệt, trong khi việc sửa chữa, lắp đặt thiết bị quán karaoke, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu, nhưng chiều 11-11-2016, Linh vẫn chỉ đạo Võ Hoàng Kỳ (nhân viên quản lý) cho 2 tốp khách vào hát tại 2 phòng.
Bị cáo Linh luôn mất bình tĩnh, mệt mỏi tại tòa.
Thợ hàn Hoàng Văn Tuấn, không có chứng chỉ về công việc hàn điện, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, chưa được cấp thẻ an toàn, không có biện pháp phòng chống cháy, đã dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa mục đích dùng nhiệt cắt bản lề. Việc này dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây cháy.
Bà Lê Thị Thì (chủ của Tuấn) đã sử dụng lao động không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ, biết rõ công việc hàn có thể dẫn đến cháy nổ, không có biện pháp phòng chống cháy nhưng vẫn đồng ý để thợ hàn này dùng để nung, cắt bản lề cửa, dẫn đến cháy.
Khi thực hiện không có dụng cụ che chắn, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nên để lửa bén vào vách phòng gây hỏa hoạn, làm 13 khách đến hát karaoke tử vong.
Bị cáo Lê Thị Thì.
Quá trình khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ vụ việc, cơ quan chức năng xác định vụ cháy gây thiệt hại toàn bộ tài sản trong quán. Hỏa hoạn còn thiêu rụi 11 xe máy, 1 xe đạp điện, cháy lan sang các nhà số 70, 72, 74 và khách sạn Yến Hotel 66…
Phạm Văn Thiên được xác định là người được thuê thi công cách âm phòng hát tại tầng 2.
Quá trình thi công đã sử dụng những vật liệu dễ cháy để thi công cách âm quán. Tuy nhiên, anh Thiên thi công do chỉ đạo của bị cáo Linh và nguyên vật liệu cũng do Linh mua, việc thi công chưa hoàn thành, chưa đươc nghiệm thu.
Anh Nguyễn Anh Tuấn đã có lỗi thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy chữa cháy được phê duyệt.
Cơ quan chức năng xác định, lỗi của anh Tuấn không phải là nguyên nhân dẫn đến vụ cháy; việc anh Tuấn thi công không đúng thiết kế là do chỉ đạo của anh Tiến (chồng bị cáo Linh) và việc thi công chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về thời điểm trước khi xảy ra vụ cháy, bị cáo Hoàng Văn Tuấn làm gì thì Tuấn trả lời đang chuẩn bị ốp trần phòng hát tầng 2 của quán.
Tuy nhiên, do khe cửa rất hẹp, không thể đưa máy hàn vào nên bị cáo cưa bản lề cửa đã gây cháy. Việc này không trong hợp đồng mà theo chỉ đạo của người thuê. Sau khi có cháy, bị cáo lấy nước đổ vào đám cháy nhưng không hiệu quả.
Bị cáo Hoàng Văn Tuấn khai cưa bản lề gây cháy.
Tại phiên toà, bị cáo Tuấn nhận mình là người có hành vi trực tiếp gây cháy, bị cáo không trốn tránh trách nhiệm nhưng xin HĐXX xem xét vì bị cáo chỉ là người làm thuê, làm theo những chỉ đạo của chị chủ.
Trong thời gian làm việc, bị cáo Tuấn được Thì trả 270.000/ngày công và mới chỉ làm được 20 công. Bị cáo không hiểu biết về các điều kiện, tiêu chuẩn PCCC và không có chứng chỉ đảm bảo hành nghề.
Được HĐXX gọi lên xét hỏi, bị cáo Diệu Linh tỏ ra mất bình tĩnh và xin HĐXX cho nghỉ vài phút .
HĐXX hỏi bị cáo có biết nguyên nhân cháy không, bị cáo Diệu Linh trả lời để cơ quan điều tra xác định, bị cáo không biết nguyên nhân cháy, chỉ biết có cháy chứ không biết cháy từ đâu, vì sao cháy.
Tại phiên toà, bị cáo Linh cho biết, căn nhà ở số 68 Trần Thái Tông được bị cáo thuê với giá 155.000.000đ/tháng.
Bị cáo thuê khoảng từ tháng 4 - 5/2016, để mở quán karaoke. Căn nhà có 9 tầng, bị cáo thực hiện ngăn phòng để mở quán Karaoke được 8 phòng.
Thời điểm trước khi vụ cháy xảy ra, quán karaoke của bị cáo Linh đã thi công xong phần cách âm, làm xong các cửa của phòng 502, 402, 302.
Bị cáo Linh khai nhận biết rõ các quy định về kinh doanh karaoke, quán karaoke của bị cáo cũng đã được thẩm duyệt về PCCC, đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, bị cáo không đưa thiết kế thẩm duyệt PCCC cho đơn vị thi công. Mục đích thẩm duyệt là để đảm bảo PCCC nhưng bị cáo không cung cấp cho đơn vị thi công.
Tại phiên toà, bị cáo Linh khai nhận, do chủ quan nên bị cáo đã tự ý thay nhiều hạng mục thiết kế của quán karaoke, trong đó có phần cách âm học theo các quán khác đã làm.
Trước đó, vào tháng 10-2016, quán Karaoke của bị cáo Linh đã bị các đơn vị chức năng tiến hành xử phạt 2 lần vì không đủ chứng chỉ, giấy phép hoạt động quán karaoke.
Ngày 26-10-2016, mặc dù chưa được cấp các giấy chứng nhận về PCCC, đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký quán karaoke, các hạng mục PCCC chưa bao giờ được sử dụng thử nghiệm, chưa nói đến nghiệm thu nhưng bị cáo Linh đã cho quán đi vào hoạt động thử và đến ngày 1-11-2016, thì xảy ra sự việc đáng tiếc.
Tại phiên toà sáng nay, bị cáo Lê Thị Thì khai nhận, bị cáo hành nghề hàn xì nhưng không được học về nghề này và cũng không có chứng chỉ hành nghề. Cơ sở hàn xì của bị cáo Thì có hai thợ là Hoàng Văn Tuấn và Lê Văn Viện.
Tại phiên xét xử, đại diện phòng CSPCCC số 3 (Công an TP. Hà Nội) cho biết, vào ngày 25-10-2016, phòng CSPCCC số 3 đã xuống kiểm tra quán karaoke số 68.
Căn cứ vào quy trình công tác của sở PCCC thì cơ sở của karaoke số 68 Trần Thái Tông do bà Diệu Linh đang trong quá trình thi công, sửa chữa và chưa đủ điều kiện hoạt động. Thời điểm kiểm tra, quán Karaoke chưa hoạt động.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc, sau khi quán karaoke 68 Trần Thái Tông đi vào hoạt động thử vào ngày 26-1, lực lượng CSPCCC số 3 có kiểm tra lại quán này lần nào nữa không.
Vị đại diện Phòng CSPCCC số 3 khẳng định, theo quy định đối với cơ sở đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa, chưa đi vào hoạt động, lực lượng PCCC chỉ được phép kiểm tra 2 lần trong một năm.
Trước đó, vào ngày 15-9-2016, lực lương Cảnh sát PCCC số 3 đã kiểm tra lần 1 và lần 2 là ngày 25-10-2016 nên không thể kiểm tra tiếp lần nữa.
Tại phiên xét xử, đại diệnphòng Cảnh sát PCCC số 3 cũng khẳng định đơn vị này đã làm hết trách nhiệm.
Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, quán karaoke 68 Trần Thái Tông là một cơ sở, UBND quận Cầu Giấy mới chỉ cấp đăng kí kinh doanh, cơ sở này đang trong quá tình hoàn thiện lắp đặt hoàn thiện về PCCC.
Tại phiên toà, vị đại diện UBND quận Cầu Giấy cũng cho hay, để quán karaoke đi vào hoạt động phải có những điều kiện về đảm bảo PCCC, văn hoá, âm thanh, ánh sáng và an ninh trậ tự.
Vào ngày 12 và 25-10, đoàn kiểm tra liên ngành trong đó có UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Dịch Vọng Hậu kiểm tra quán karaoke số 68 Trần Thái Tông thì cơ sở này không hoạt động.
Vị đại diện UBND quận Cầu Giấy cũng cho rằng, trong những lần làm việc với cơ quan chức năng, chị Linh là người hiểu pháp luật nên cơ quan chức năng có phần chủ quan.
Dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc vào ngày mai 27-3.