Từ trộm và phá hoại…
Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, Thanh tra Sở GTVT cùng các địa phương thông tin về tình trạng tiếp tục xảy ra mất cắp dây điện, cáp điện kết nối hệ thống camera tại các công trình cầu có giao thông thủy. Theo đó, khoảng 6.000m dây điện, cáp điện kết nối hệ thống camera dưới các dạ cầu đã bị mất trộm.
Trước đó, ngày 29/01/2024, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ đã có văn bản thông tin việc xảy ra tình trạng mất cắp dây điện, cáp điện kết nối hệ thống camera tại các công trình cầu có giao thông thủy; đồng thời kiến nghị UBND các quận, huyện, thị trấn, cơ quan đơn vị trên địa bàn có công trình camera đi qua địa bàn hỗ trợ trong việc bố trí lực lượng an ninh, trật tự tuần tra, tuyên truyền và xử lý nghiêm nạn trộm cắp, phá hoại tài sản của các công trình cầu cùng các thiết bị phụ trợ khác liên quan.
Cầu Kênh Tẻ và cầu Chợ Đệm - nơi xảy ra mất cắp dây điện, cáp điện kết nối hệ thống camera quan sát giao thông thủy
Qua kiểm tra, rà soát hệ thống kết nối hạ tầng đã được lắp đặt trên các công trình cầu như nguồn điện, hệ thống tiếp địa..., Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM phát hiện khối lượng hệ thống dây nguồn điện, dây cáp đồng trần bị mất trộm, gồm: 882m cáp nguồn Duplex CV (DU) 2x10mm; 1.605m cáp nguồn DSTA 2x10mm; 3.654m cáp tiếp địa C10mm (cáp đồng trần), với tổng giá trị trên 300 triệu đồng.
Theo thống kê, các cầu xảy ra mất cắp nhiều gồm: cầu Chợ Đệm, Rạch Tam, Bình Điền 2, cầu Xáng, cầu Xáng mới (H.Bình Chánh); cầu An Nghĩa, cầu Dân Xây, Hà Thanh 2, Lôi Giang 2, Long Giang Xây 2, Rạch Lá, Rạch Đôn 2 (H.Cần Giờ); cầu Kênh Ngang số 2, cầu Chánh Hưng (Quận 8); cầu Bình Phước 1 và 2, cầu Thủ Thiêm, cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu 1 và 2 (TP.Thủ Đức); cầu Kênh Tẻ (Quận 7). Trong đó, có những cây cầu nằm trên các tuyến giao thông thủy quan trọng của TP, mỗi ngày có nhiều tàu chở khách và xe container chạy qua như: cầu Chợ Đệm, Bình Điền 2, Chánh Hưng, Bình Phước 1 và 2, Thủ Thiêm, Bình Lợi, Bình Triệu 1 và 2...
Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM cho biết, việc trộm cắp, cắt dây nguồn điện, dây cáp đồng trần và phá hoại các hệ thống này làm mất mát tài sản của Nhà nước, gây khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành. Bên cạnh đó, đơn vị không thể kiểm soát được lưu lượng phương tiện tàu thuyền qua khu vực dạ cầu và sự cố va đụng vào trụ, thành cầu nếu xảy ra. Mặt khác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi người dân tham gia giao thông.
… Đến mất an toàn giao thông
Trước đó, hàng loạt tuyến đường trọng điểm ở cửa ngõ TPHCM liên tục bị kẻ gian phá hoại, trộm cắp thiết bị hạ tầng kỹ thuật gây mất an toàn giao thông. Đơn cử, dải phân cách đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành ngăn giữa làn xe máy và ôtô được thiết kế gồm ống chữ T gắn ống thép dài 1,5m, có trụ vặn ốc vít vào bê-tông. Trong đó, dọc tuyến từ nút giao An Phú về Vành đai 2 có khoảng 15 vị trí dải phân cách đã bị mất cắp cả trăm ống thép. Nhiều vị trí bị tháo trộm để lại khoảng hở gần 10m, trơ các ốc sắt. Đoạn đường dẫn cao tốc này có mật độ ôtô, xe đầu kéo và môtô lưu thông dày đặc nên khi mất dải phân cách, khả năng xảy ra tai nạn rất cao.
Trụ đèn chiếu sáng bị cạy nắp để cắt cáp điện
Tương tự, công trình đường song hành với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng ngày 17/9/2023 (đoạn từ Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp, P.An Phú, TP.Thủ Đức).Tuy nhiên, khoảng một tuần sau, đơn vị quản lý phát hiện hàng loạt trụ đèn chiếu sáng bị cạy nắp, cắt trộm cáp điện. Hậu quả, nhiều trụ đèn chiếu sáng không hoạt động, gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông vào ban đêm.
Ngoài ra, loạt công trình hạ tầng của TPHCM cũng liên tiếp bị mất trộm vật tư, thiết bị như hàng loạt nắp cống làm bằng gang ở 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) liên tục bị kẻ gian lấy trộm. Ngoài ra, nhiều thiết bị chiếu sáng, tủ điện, lan can cầu trên các tuyến đường này cũng... biến mất.
Điều đáng nói, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có nhiều lớp bảo vệ, là công trình trọng điểm quốc gia nhưng cũng bị kẻ gian trộm cắp tài sản, thiết bị đoạn trên cao từ khu vực nhà ga Thảo Điền đến nhà ga Bến xe Suối Tiên. Qua kiểm tra, bọn trộm đã cắt cáp tiếp địa, tháo các neo tà vẹt... của nhà thầu đang thi công. Trước đó, khoảng 13.000 khóa kẹp ray tàu cùng một số đường dây cáp ở công trường và Depot Long Bình cũng bị lấy trộm.
Tại TP.Thủ Đức, tháng 4 và 5/2023, hơn 200 tấm đan bê-tông cốt thép đậy rãnh thoát nước trên Xa lộ Hà Nội cũng bị kẻ xấu đập phá để lấy thép bên trong bán phế liệu. Tương tự, cầu Thủ Thiêm 2 (nối Quận 1 với TP.Thủ Đức) có tổng vốn đầu tư 3.100 tỷ đồng vừa khánh thành cũng bị trộm cạy lấy 44 nắp chắn rác làm bằng gang đem bán phế liệu.
Cần xử lý nghiêm để răn đe
Việc lấy cắp các bộ phận thuộc công trình công cộng gây mất an toàn giao thông, mất an ninh trật tự và thiệt hại cho nhà thầu thi công khi phải bỏ kinh phí để khắc phục lại các hạng mục này. Hầu hết các vụ trộm cắp các tài sản công cộng như trộm cắp các thiết bị, bảng hiệu, chỉ dẫn của các công trình giao thông, nắp hố ga, nắp cống, ốc vít, hộ lan can, gương cầu lồi... có giá trị tài sản bị mất không lớn, nhưng hậu quả sẽ khôn lường và gây nguy hiểm cho xã hội.
Một số ống thép lắp trên dải phân cách bị gỡ trộm
Hành vi phạm tội của các đối tượng thể hiện sự liều lĩnh, thiếu hiểu biết. Một hành vi nhỏ nhưng có thể để lại hậu quả to lớn, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy). Tùy vào mức độ thiệt hại mà có thể xem xét phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo một luật sư, hành vi trộm cắp tại các công trình công cộng có dấu hiệu của tội "trộm cắp tài sản". Tùy vào hành vi, tính chất của vụ việc mà đối tượng trộm cắp có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm. Trường hợp đối tượng lấy cắp lan can, nắp cống, hàng rào bảo vệ tại các công trình công cộng gây hậu quả nghiêm trọng (có người tử vong), có thể bị xử lý về tội "vô ý làm chết người". Ngoài trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Để hạn chế tình trạng mất cắp dây điện, cáp điện kết nối hệ thống camera tại các cây cầu cũng như các thiết bị công trình giao thông; bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế mất mát tài sản của Nhà nước, gây khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức cùng các cơ quan, đơn vị liên quan vào cuộc để hỗ trợ việc tăng cường lực lượng an ninh, trật tự tuần tra.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động người dân không trộm cắp, phá hoại tài sản của các công trình cầu và các thiết bị phụ trợ khác liên quan. Các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị công an, trật tự dân phòng trực thuộc tuần tra, kiểm tra nhằm sớm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng có dấu hiệu xâm hại, trộm cắp, phá hoại tài sản liên quan đến các công trình cầu đường.
Theo Điều 17 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự như sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự ý xê dịch các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tự ý xê dịch, tháo dỡ cột dây điện thoại, điện tín, cột đèn, hàng rào của các cơ quan Nhà nước hoặc các công trình công cộng khác;
b) Tháo dỡ, phá hủy hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức;
c) Phá hoại, làm hư hỏng tài sản, hiện vật tại mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu; leo trèo hoặc thực hiện các hành vi khác tác động lên cổng, cửa, tường rào của mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu khi chưa được phép.