Vốn là đặc công thuộc biên chế một tiểu đoàn trinh sát, không chỉ giỏi về cách sử dụng các loại vũ khí, hắn còn nhanh như sóc (“chón” tiếng dân tộc Tày, Nùng nghĩa là “sóc”), có khả năng “xuất quỷ nhập thần”, hành tung bí ẩn. Sau khi gây ra hàng loạt vụ cướp cực kỳ tàn độc, trong đó có vụ bắn chết một cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn, Hoàng Văn Chung bị liệt vào danh sách “tiêu diệt tại chỗ”.
Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, hai bên biên giới Việt - Trung mở rộng giao thương, việc buôn bán, du lịch mua sắm diễn ra vô cùng tấp nập. Trong khi đó, tình hình an ninh trật tự còn chưa ổn định do chiến tranh biên giới kết thúc chưa bao lâu, nên tại tỉnh biên giới Lạng Sơn, người dân sống trong cảnh “ra ngõ gặp cướp”.
Nhặt nhạnh vũ khí, súng đạn còn rơi rớt lại sau chiến tranh, nhiều kẻ ngày đi chăn trâu, đêm vác súng đi cướp. Những nhóm cướp ô hợp này có khi còn vác cả AK, súng quân dụng nhảy ra đường giữa ban ngày chỉ để cướp một con gà hay chục trứng của bà con dân tộc xách xuống chợ bán. Gặp gì cướp nấy, hơi va chạm, thậm chí thấy “ngứa mắt” là bắn, chúng gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp nơi. Băng cướp Chung “chón” là một ví dụ điển hình.
Quốc lộ 1B, nơi các băng cướp do Hoàng Văn Chung cầm đầu hoành hành suốt một thời gian dài
Đêm 23-1-1989, tại khu vực cầu Bản Liếp, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn xảy ra vụ cướp táo tợn. Một số người làm nghề cửu vạn, chuyên vác hàng thuê qua biên giới cho các chủ hàng khi đến khu vực này đã bị một nhóm thanh niên vác cả súng ngắn, súng dài ra chặn hai đầu cầu để cướp. Ba người đàn ông đi xe đạp chở hàng vừa leo lên cầu, bị chúng vác súng dí vào đầu dọa bắn, rồi ngang nhiên vác túi hàng, ngồi bệt xuống vệ đường chia nhau.
Vài phút sau, một người đàn ông đi xe máy lên cầu cũng bị nhóm cướp chặn lại, nhưng thấy trên xe không chở hàng hóa gì, chúng để người này đi. Ba nạn nhân chạy đến đơn vị bộ đội đóng quân gần đó trình báo. Ngay lập tức, Tiểu đoàn C6 cử lực lượng xuống bao vây và bắt được 6 tên cướp, hai tên khác nhanh chân vứt súng tẩu thoát lên rừng.
Tại Công an huyện Cao Lộc, nhóm cướp được làm rõ gồm: Hoàng Văn Chung (tức “Chón”, SN 1961), Nông Quốc Chiến (SN 1953), Hoàng Văn Sắc (SN 1966), Đoàn Văn Đàm (SN 1967, cùng trú Còn Pheo, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), Vi Văn Thu (SN 1964), Hoàng Văn Lạng (SN 1964), Hoàng Văn Quý (SN 1965), Âu Văn Lợi (SN 1965, cùng ở xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, Lạng Sơn).
Chung khai: Sáng 21-1-1989 lên trạm thông tin Tỉnh đội Lạng Sơn đóng ngay cạnh nhà chơi. Tới trạm đã thấy mấy người cùng xóm là Đoàn Văn Đàm, Hoàng Văn Thiện, Đồng Quang Thảo cũng đang ngồi uống nước ở đó. Trà vãn, Chung rủ cả hội lấy súng của trạm thông tin đi bắn chim để nhậu.
Đang rảnh rỗi, cả nhóm đồng ý ngay. Ngô Văn Thọ (SN 1968, trú Ba Xã, Tân Đoàn, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) là bộ đội thông tin của trạm liền vác khẩu AK đi theo. Cả nhóm tới khu vực Bản Liếp, xã Phú Xá thì phát hiện một con chim cuốc. Đang định ngắm bắn, bỗng đám trẻ con ở đâu ùa tới, vồ được đem đi. Cụt hứng, Chung - Thảo - Đàm không đi nữa mà tắt đường đồi quay về nhà, còn Thiện - Thọ tiếp tục vác súng ra hướng Đồng Đăng tìm bắn chim.
Tối đó, Chung “Chón” lại lên trạm thông tin chơi. Lần này, hắn rủ cả nhóm xuống khu vực cầu Bản Liếp, xã Phú Xá đi “vác hàng” (tức cướp hàng) của những người đi đường. Khu vực này khá tấp nập, nhiều người làm nghề vác hàng thuê qua biên giới thời gian gần đây, thường chọn đường từ Phú Xá ra Thụy Hùng để tránh bị kiểm tra tại Trạm kiểm soát Dốc Quýt. Nghe vậy, cả bọn đều đồng ý. Để chuẩn bị “đồ nghề”, Chung cầm khẩu súng ngắn K59, Đoàn Văn Đàm và Nguyễn Văn Báu mỗi tên vác theo một khẩu AK.
Đến cầu sắt Bản Liếp, chúng chia nhau mai phục ở hai đầu cầu. Phát hiện 3 người đi xe đạp chở hàng qua, Chung hô: “Đứng lại!”, còn Đàm nhảy ra chặn đường. Báu dùng dao cắt dây cao su buộc hàng vứt xuống cạnh đường. Mở bọc hàng kiểm tra thấy có 5 bộ quần áo thể thao đựng trong balô. Ngay sau đó, một người đàn ông đi xe máy qua, cả bọn lại nhảy ra chặn, nhưng thấy trên xe không chở theo đồ đạc gì nên đám cướp thả cho đi.
Đang dàn quân tiếp tục mai phục, cả bọn bị đơn vị bộ đội gần đó đến bao vây, tóm gọn. Chung còn khai, tối 20-1-1989 đã tổ chức 8 người: Nông Quốc Chiến, Hoàng Văn Sắc, Đoàn Văn Đàm (cùng trú xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) và Vi Văn Thu, Hoàng Văn Lạng, Hoàng Văn Quý, Đỗ Văn Lợi (cùng ở Khánh Khê, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) mang theo 3 khẩu súng, cũng đến khu vực cầu sắt Bản Liếp, cướp 2 chiếc đài 8585B, 32m vải kaki Trung Quốc, 1 áo da lông và 95.000 đồng đem chia nhau.
Trong khi Công an huyện Cao Lộc đang tích cực điều tra, truy bắt những đối tượng tham gia vụ cướp do nhiều kẻ không biết nhau và hầu hết chúng đều có “nghề tay trái” là đi cướp, còn ngày ngày vẫn lên rừng chăn trâu, làm nương, thì tháng 5-1990, Hoàng Văn Chung đã đốt, phá cánh cửa buồng giam trốn thoát.
Như con sói thoát bẫy, Chung ngày càng gian manh, xảo quyệt và liều lĩnh hơn. Đi tới đâu hắn cũng thâu nạp thêm tay chân, lấy cướp bóc làm kế sinh nhai. Điều lạ là, mỗi lần đám đệ tử xộ khám, hắn đều lọt lưới một cách ngoạn mục và lại lẩn trốn đi nơi khác, tiếp tục lập băng cướp mới. Không chỉ nhiều vũ khí, các băng cướp do Chung thành lập đều cực kỳ manh động, tàn bạo, sẵn sàng bắn giết bất cứ ai, thậm chí có vụ chúng bắn nạn nhân để giải trí và... “thử súng”.
Trong một thời gian dài, những ổ nhóm tội phạm do Chung cầm đầu ôm AK cướp dọc Quốc lộ 1B, tại Dốc Quýt, Đồng Đăng... rồi trốn vào rừng sâu núi thẳm. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện, hoạt động bất kể ngày đêm, nhằm vào đủ loại đối tượng, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng khắp vùng biên ải thuộc dạng sầm uất nhất khu vực biên giới phía Bắc khi đó.
(Còn tiếp)