Vay tiền online, coi chừng sập bẫy với lãi suất “cắt cổ”

Thứ Hai, 07/10/2019 14:57

|

(CATP) Thời gian qua, đường dây nóng Báo Công an TPHCM nhận phản ánh của nhiều bạn đọc về hình thức biến tướng của nạn cho vay nặng lãi. Chỉ cần gõ dòng chữ “vay tiền qua mạng” trên trang tìm kiếm Google, trong 0,31 giây cho ra hơn 108 ngàn kết quả. Với chiếc điện thoại thông minh, chỉ cần cài đặt các ứng dụng vay tiền (“app”) và điền thông tin vào là người vay nhanh chóng nhận được tiền. Nhưng họ không biết đây là cái bẫy tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”. Có nạn nhân đã tìm đến cái chết để thoát nợ.

VAY 8 TRIỆU, PHẢI TRẢ... 200 TRIỆU ĐỒNG!

Kể lại cảnh thoát chết trong gang tấc xảy ra hơn một tháng trước, chị Phạm Thị Tuyết Mai (24 tuổi, ngụ Tiền Giang) không giấu được nỗi sợ: “Vì tò mò, em tải ứng dụng vay thử, rốt cuộc sập bẫy. Bản thân em cảm thấy xấu hổ với người thân nên ngày 26- 8, em tự tìm đến cái chết. Cũng may, ông xã em phát hiện, đưa đi bệnh viện kịp thời nên thoát chết”.

Đầu tháng 7-2019, chị Mai lướt mạng Facebook, thấy hiện lên mẩu quảng cáo về ứng dụng cho vay tiền online. Trước đó mấy ngày, người thân chị hỏi vay 8 triệu đồng, nhưng chị không có tiền. Nghĩ vậy, chị Mai nhấp vào ứng dụng tên “Vayvay” để vay tiền. Ứng dụng tải xong, màn hình hiện lên yêu cầu cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ, hình ảnh và vị trí để “tăng tỉ lệ duyệt hồ sơ đến 99%”. Do nôn nóng được duyệt vay tiền, chị chấp nhận.

Các ứng dụng mà chị Mai vay tiền đang khá phổ biến và Tin nhắn mà đối tượng đòi nợ khủng bố tinh thần phía con nợ

Sau đó, ứng dụng yêu cầu chị chụp hình giấy tờ tùy thân và khuôn mặt mình trên ứng dụng này để đối chiếu. Từ lúc tải ứng dụng đến khi chị nhận được tiền chỉ mất khoảng 2 phút. Tuy nhiên, do ứng dụng này giới hạn số tiền vay từ 1 - 4 triệu đồng, nên chị tải tiếp các ứng dụng “Samsetvay”, “I Dong” và “V Dong” để vay tiếp. Thế là chị Mai sập bẫy vay tiền qua mạng.

Theo quảng cáo của ứng dụng, lãi suất vay rất thấp, thậm chí là 0%, nhưng người vay phải chịu các loại phí, như: phí dịch vụ, phí quản lý... còn cao hơn lãi suất “cắt cổ”. Trường hợp của chị Mai, đăng ký xong hết thì ứng dụng cho vay không tính lãi suất, nhưng lại tính chi phí làm hồ sơ từ 30 - 50% khoản vay thực tế.

“Ví dụ khi đăng ký vay 1,5 triệu, tôi chỉ thực nhận 1 triệu, còn 500 ngàn bị họ giữ lại, với lý do trừ phí hồ sơ. Tôi chọn thời gian trả là 30 ngày, nhưng khi mọi việc xong xuôi thì hạn trả chỉ có... 7 ngày. Đến ngày thứ 7, tôi phải trả đủ 1,5 triệu, dù tôi chỉ vay được có 1 triệu” - chị Mai kể. Số tiền vay được chuyển qua tài khoản. Nếu quá hạn 1 ngày, sẽ bị tính lãi suất 2%, 2% tiếp tục được tính vào phí quản lý.

Tuy không tính lãi suất, nhưng mỗi ứng dụng cho vay online lại thu phí quản lý với giá “cắt cổ”

Đến ngày thứ 6, chị Mai nhận được cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên bên các ứng dụng cho vay tiền hối thúc trả nợ. Ban đầu là những lời nhắc nhở. Đến ngày thứ 7, chúng dọa nạt, khủng bố tinh thần bằng nhiều cách. “Do đang kẹt tiền nên tôi không có tiền trả. Đang lúc bấn loạn thì nhân viên của ứng dụng đó hướng dẫn tôi vay tiền từ một ứng dụng khác để... trả cho ứng dụng cũ” - chị Mai nói.

Từ khoản vay 8 triệu tại 4 ứng dụng ban đầu, chị Mai tiếp tục làm theo hướng dẫn của người tự xưng là nhân viên của ứng dụng cũ để vay tiền từ 8 ứng dụng mới (“Ivay”; “Vaynong”; “360 dong”, “365 dong”; “cho vay”; “u vay”...). Sau đó, đến hạn trả tiền, không còn cách nào khác chị Mai lại vay tiền từ các ứng dụng mới để trả cho những ứng dụng cũ.

Sau 2 tháng, chị Mai đã vay tiền từ 64 ứng dụng. Một số ứng dụng cũ không xóa nợ cho chị mà tiếp tục gọi điện khủng bố tinh thần, ép trả thêm tiền. Chị Mai và người thân đã trả cho các ứng dụng tổng cộng khoảng 200 triệu đồng, vậy mà vẫn còn khoảng 100 triệu đồng tiền nợ. Do bị các đối tượng liên tục gọi điện khủng bố tinh thần người thân lẫn bạn bè của chị Mai theo số điện thoại trong danh bạ điện thoại, chị đã tìm đến cái chết. Rất may người thân phát hiện, kịp thời đưa đến bệnh viện cứu chữa.

MÀN ĐE DỌA, KHỦNG BỐ TINH THẦN

Tìm đến Trạm liên lạc Báo Công an TPHCM tại TP.Cần Thơ, anh Văn Vĩnh (ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) trình bày: Trung tuần tháng 9-2019, anh bất ngờ nhận cuộc gọi của một đối tượng nói giọng Bắc, yêu cầu trả nợ cho cháu anh gần 4 triệu đồng. Anh Vĩnh đề nghị gặp mặt và xem giấy tờ vay. Hôm sau, đối tượng lấy hình của anh trên mạng xã hội và tên ghép vô vòng hoa viếng tang.

Trước khi anh Vĩnh bị khủng bố tinh thần, chị N.T.T.T (40 tuổi) liên tục nhận những cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu trả nợ, vì có người thân vay tiền qua “app”. Theo lời L. (con trai chị T., 18 tuổi, chưa tốt nghiệp phổ thông), vì tò mò, L. đặt lệnh vay 1,6 triệu đồng qua “app” trên điện thoại, nhưng thực nhận 1,1 triệu đồng, phải trả trong 7 ngày. Sau đợt vay đầu tiên, L. tiếp tục vay 2,6 triệu đồng (thực nhận 2,1 triệu đồng). Lần vay thứ hai này, L. nợ quá hạn.

Gia đình chị T. và người thân liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ nhân viên thu tiền, buộc phải trả khoản nợ mà L. đã vay. Ban đầu, phía cho vay yêu cầu thanh toán cả lãi và gốc hơn 3 triệu đồng cho số tiền vay 2,6 triệu đồng. Nhân viên bên cho vay gửi danh sách số điện thoại người thân, bạn bè của L. mà chúng dự kiến sẽ gọi để đòi nợ. Nhân viên này còn bảo chị của L. mang thẻ ngân hàng đến trụ ATM, sau đó sẽ hướng dẫn cách chuyển trả tiền, chứ không đồng ý cung cấp số tài khoản. “Họ cho vay rất mờ ám và đe dọa sử dụng tất cả biện pháp truy thu tận nhà” - chị T. nói.

Anh chị T. cho biết cũng nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ một nhân viên yêu cầu trả số tiền cháu anh đã vay. Người này còn nhắn tin đe dọa nếu không thanh toán, đúng 5 giờ chiều sẽ đăng tải toàn bộ hình ảnh những người liên quan, cảnh báo trên các mạng xã hội của bạn bè.

Được biết, các cơ quan công an đã tiếp nhận trình báo của nhiều nạn nhân vay tiền online tương tự các trường hợp trên và đang điều tra làm rõ.

Các đối tượng cho vay nặng lãi qua “app” bị Công an Q2 (TPHCM) bắt giữ trước đó

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CŨNG THAM GIA

Trước đó, ngày 17-9-2019, CAQ2 đã bàn giao 9 nghi phạm (6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam) cùng hồ sơ, tang vật cho Cơ quan CSĐT Công an TPHCM để điều tra về hành vi hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi thông qua “app”.

Chiều 14-9, CAQ2 nhận tin báo của một người dân về việc bạn của người này ở trong một căn nhà ở P.An Phú (Q2) và đang lo sợ bị người Trung Quốc sát hại, nhờ công an ứng cứu. Lực lượng công an nhanh chóng đến hiện trường, phát hiện có 6 người Trung Quốc, gồm: Song Yu Jie, Yan Ze Feng, Han Chao, Zang jin Chen, Qian Ying Jie, Qian Liang Yo và 3 người Việt Nam là Nguyễn Vương Bảo, Nguyễn Thị Hoàng Mỹ, Phạm Viết Thanh Nhã.

Qua lấy lời khai 9 đối tượng, CAQ2 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM làm rõ: Nguyễn Vương Bảo là nhân viên thu hồi nợ của Công ty Star City, chuyên tạo các “app” BDong, Udong... cho vay tiền tín chấp qua mạng. Bảo khai chính mình đã nhờ bạn trình báo công an. Bảo cho biết, mình có mâu thuẫn với một số người Trung Quốc về việc nghi vấn Bảo chiếm đoạt tiền của công ty, đồng thời sợ bị số người Trung Quốc này “xử”.

Các đối tượng khai tại địa chỉ trên có 2 công ty (Công ty TNHH Kyushu và Công ty Star City) đang hoạt động cho vay tín chấp, do Nguyễn Khắc Hạnh làm giám đốc, Yan Xin (quốc tịch Trung Quốc) làm phó giám đốc. Hai công ty này đăng ký kinh doanh tại Q.Gò Vấp trong tháng 4 và tháng 5-2019, có khoảng 30 nhân viên là người Trung Quốc và người Việt Nam. Sau khi tạo các “app”, 2 công ty thông qua mạng xã hội Facebook để quảng cáo hình thức cho vay tiền nhanh, gọn trên ĐTDĐ.

Khách vay tiền phải chịu phí dịch vụ là 24% trên tổng số tiền vay, thời hạn vay là 6 ngày, với lãi suất 4%. Hết thời hạn vay, khách vay phải trả đủ số tiền vay và tiền lãi, nếu không sẽ bị phạt thêm 4%/ ngày. Nếu con nợ chậm trả, phía công ty sẽ cho “lực lượng đòi nợ” làm đủ trò, như: đe dọa, khủng bố, nói xấu trên mạng xã hội...

Luật sư Phan Đình Hưng - Đoàn luật sư TP.Cần Thơ:

Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên tự thỏa thuận, nhưng mỗi khoản vay lãi suất không được vượt quá 20%/năm, tức 1,666%/tháng. Với lãi suất hơn 1,4 triệu đồng/ tháng đã quá 5 lần lãi suất quy định của pháp luật. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt cao nhất là phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Với tình hình tội phạm cho vay lãi nặng có xu hướng tăng đột biến, diễn biến phức tạp như hiện nay, với hình phạt tù cao nhất của tội danh này là 3 năm tù là chưa đủ răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội.

Ngoài ra, với hành vi như: lập bàn thờ, đặt quan tài tại nơi ở và nơi làm việc, dán ảnh kèm theo nội dung lăng mạ, xúc phạm, sử dụng mạng xã hội để đe dọa, làm nhục người vay, người thân của người vay... cơ quan tiến hành tố tụng cần xử lý về tội làm nhục người khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang