Tuyến đường sắt Tháp Chàm -
Đà Lạt, huyền thoại độc đáo nhất nhì thế giới - Ảnh: Tư liệu
Đầu tàu thiết kế riêng cho cao nguyên Lâm Viên
Tuyến đường sắt răng cưa hoàn thành, Công ty Hỏa xa Pháp “Chemin De Fer” (CFI) đã nhập vào Việt Nam các đầu máy xe lửa răng cưa theo hai đợt. Đợt đầu, CFI mua 7 đầu máy HG 4/4, trong đó có 5 đầu máy do Công ty Thụy Sĩ - SLM Winterthurand (Schweizerische Lokomotiv - und Maschinenfabrik Esslingen) sản xuất năm 1924 và 2 đầu máy HG 4/4 do Công ty Đức – MFE (Maschinenfabrik Esslingen) sản xuất nhượng quyền.
Đoàn tàu về nhà ga nhìn từ trên cao - Ảnh: Tư liệu
Từ giai đoạn năm 1924 – 1929, các đầu máy nói trên mang số hiệu lần lượt là CFI 40-301 đến CFI 40-307. Đợt sau, những năm 1930 – 1947, CFI đã mua được 6 đầu máy đã qua sử dụng của Công ty Swiss FO (Furka – Oberwald), trong đó có 2 đầu máy HG 4/4 (số hiệu CFI 40-308 và 40-309) sản xuất năm 1930 và 4 đầu máy HG 3/4 (số hiệu CFI 31-201 đến 31-204) sản xuất năm 1947.
Các đầu máy sử dụng động cơ hơi nước, chạy bằng than với công nghệ cổ điển, hơi nước tạo ra chuyển thành sức kéo từ 600 – 800 mã lực.
Để đoàn tàu lên xuống an toàn trên cao nguyên Lâm Viên với độ dốc lớn, ray sắt phải làm 3 đường song song, ở giữa là đường ray thiết kế có răng cưa. Ngay cả đầu máy xe lửa cũng phải có thêm bánh răng để khi tàu đến gần răng cưa, lái tàu sẽ giảm tốc độ và khởi động giàn bánh răng ở đầu tàu móc vào đường ray răng cưa, khóa hệ thống bánh răng, hệ thống hãm trục bánh răng cưa để tàu bám vào ray leo và xuống dốc.
Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt - Ảnh: Tư liệu
“Qua những đoạn đường răng cưa, người lái tàu rất vất vả và phải tập trung cao độ, tàu di chuyển đường đường với tốc độ khoảng 35 km/giờ nhưng đến chỗ răng cưa thì giảm xuống còn từ 5-10 km/giờ”, lời kể của người lái tàu hơn 90 tuổi.
Ngoài ra, để con tàu có thể khởi hành lúc 7 giờ sáng, từ hai tiếng trước các nhân công đã phải đốt than củi, đến ngưỡng nước sôi tiêu chuẩn thì tàu mới khởi động được. “Đốt củi vất vả nhất vào mùa mưa dầm, ẩm ướt. Lúc đó, đầu tàu có thể kéo hàng chục toa tại đường bằng nhưng từ đoạn Krong Pha lên Đà Lạt chỉ có thể kéo từ 2-4 toa, tổng trọng lượng tối đa là 65 tấn.
Đoàn tàu đầu máy hơi nước trên tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt - Ảnh: Tư liệu
Trong những năm hoạt động tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, ký ức buồn của các lái tàu cũ là vụ tai nạn kinh hoàng năm 1940, tại Km 40+800 đến Km 42. Lúc đó, đoàn tàu đang xuống dốc thì bị trật ray lao xuống vực, làm 30 quan chức và học sinh người Pháp thiệt mạng.
Đến thời gian Nhật chiếm đóng Đông Dương, 3 đầu máy HG 4/4 của công ty CFI bị lấy mất, số đầu máy còn lại khi người Pháp rút lui được chuyển giao cho Hỏa xa Việt Nam. Các đầu máy vẫn giữ nguyên số hiệu chỉ thay đổi dòng chữ ‘CFI” (Chemin De Fer) thành ‘VHX’ (Hỏa xa Việt Nam).
Tàu chạy bằng diesel điện D4H được thay thế cho đầu máy hơi nước cổ điển
Hiện nay, tuyến đường sắt vẫn chạy từ Ga Đà Lạt đến Trại Mát và quay lại, đầu máy hơi nước được thay đổi bằng đầu diesel điện D4H từ Yên Viên chuyển về.
Từ con đường độc đáo thế giới thành ‘tuyến đường sắt ngắn nhất Việt Nam’
Huy hoàng là thế, nhưng rồi tuyến đường sắt độc đáo cũng ngưng hoạt động. Sau khi Mỹ chiếm đóng, tuyến đường đã bị đoàn giải phóng quân dùng mìn phá và chính thức ngừng hoạt động năm 1968. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, nhiều tuyến đường sắt được khôi phục, tàu được kéo còi hoạt động vào dịp mừng sinh nhật Bác Hồ (5-1975); tuy nhiên tàu chạy chưa đến 30 chuyến thì chính thức ngưng chạy.
Bảng đồ đường sắt lên Cao nguyên Lâm Viên - Ảnh: Tư liệu
Tuyến đường sắt độc đáo bắt đầu bị tháo rời từ thanh ray đến tà vẹt từ năm 1976. Đa phần các thanh ray được dùng để tu sửa tuyến đường sắt Bắc – Nam (đường sắt Thống Nhất). Nhưng do ray răng cưa được chế tạo đặc biệt nên không phù hợp với đầu máy thông thường (không khớp bánh răng cưa).
Đến lúc thấy sự bất hợp lý về kỹ thuật hỏa xa, cũng là lúc những thanh ray răng cưa được tháo dỡ gần hết; năm 2004 cây cầu sắt Dran ‘đẹp như trong tranh’ cũng bị tháo dỡ, chỉ còn những mố cầu trơ trọi
Khai tử tuyến đường sắt răng cưa, các trạm dừng xuống cấp trầm trọng, những hầm xuyên núi nay thành hang dơi ẩm thấp và những đầu máy cổ vượt núi băng đèo giữa đồi thông ngút ngàn nằm phơi nắng mưa tại sân ga.
Những đầu máy hơi nước cổ điển tại Thụy Sĩ - Ảnh: Tư liệu
Song song đó, tại Thụy Sĩ, tuyến đường sắt răng cưa leo núi Furka qua dãy Alpes ngưng sử dụng; tuy không có đầu máy hơi nước răng cưa nhưng đường ray vẫn được giữ lại. Đến năm 1985, công ty DFB tái khai thác lại tuyến đường sắt độc nhất thế giới; họ mở một chiến dịch mang tên “Back to Switzerland” và đưa những đầu máy hơi nước trên thế giới về Thụy Sĩ.
Theo tài liệu, tại Việt Nam có một số đầu máy hơi nước, các kỹ sư Thụy Sĩ đã đích thân đến tận Đà Lạt tìm kiếm. Năm 1990, người Thụy Sĩ đạt được thỏa thuận với ngành Đường sắt Việt Nam mua các đầu máy còn hiện hữu gồm đầu máy, bộ sườn, toa tàu,… với giá rẻ và vận chuyển về nước tân trang.
Những đầu máy hơi nước được bán lại cho người Thụy Sĩ theo chiến dịch “Back to Switzerland” - Ảnh: Tư liệu
Những đầu máy hơi nước sau khi được tu sửa, từ năm 1993, những chuyến hành trình đưa du khách vượt dãy Alpes chính thức hoạt động với giá vé lên đến 60 USD/người cho đoạn đường chưa đến 25 km cùng độ dốc 11,8%.
Tại Việt Nam, tuyến đường sắt huyền thoại Tháp Chàm – Đà Lạt từ cung đường huyền thoại độc đáo nay trở thành ‘tuyến đường sắt ngắn nhất Việt Nam’ với chiều dài 7 km từ Đà Lạt về Trại Mát với loại đường sắt 2 thanh ray trơn như các tàu chạy trên đồng bằng.
Đoàn tàu hỏa hơi nước đưa du khách vượt đèo Furka trên dãy Alpes - Ảnh: Tư liệu
Ngày nay, Ga Đà Lạt vẫn còn đó, những kỷ niệm về con đường sắt răng cưa huyền thoại cùng tiếng ‘cạnh cạch’ đặc trưng, bánh răng cưa tóe lửa do ma sát kim loại của đầu máy hơi nước cổ khi leo núi,… hay hình ảnh đoàn tàu ‘ì ạch’ thả khói khi leo lên ngọn núi, băng qua những cánh rừng thông,… tất cả chỉ còn là trong lời kể.