Nghệ An:

Chợ đầu tư tiền tỷ, xây xong rồi bỏ không

Thứ Ba, 03/01/2017 01:15  | Nguyên Thi

|

(CAO) Là nơi thuộc khu vực miền núi, xã Yên Khê huyện Con Cuông (Nghệ An), đã được đầu tư xây chợ tiền tỷ để phục vu nhu cầu giao thương buôn bán của người dân.

Thế nhưng nhiều năm qua chợ luôn trong tình trạng khóa cửa, gây lãng phí tiền của nhà nước. Theo đó, đầu năm 2016, xã Yên Khê long trọng đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, ở địa bàn xã miền núi thuộc huyên Con Cuông. Đạt được thành tích này, là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành và sự đồng thuận của toàn thể Đảng bộ, ủy ban nhân dân xã người dân.

Lãng phí lớn từ dự án treo
 

Một trong nhưng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), thì chợ là một trong những hạng mục quan trọng, việc đầu tư xây dựng chợ, ít thì hàng trăm triệu, nhiều thì tiền tỷ, có chợ cả chục tỷ đồng,... Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra hiện nay, đó là chợ xã Yên Khê sau khi xây xong thì không có người họp và bỏ hoang…

Theo tìm hiểu, năm 2012, xã Yên Khê được đầu tư xây dựng chợ ở bản Tờ, nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương có nơi kinh doanh, buôn bán. Công trình có số vốn đầu tư 1,1 tỷ đồng, diện tích gần 2000m2, với 3 dãy nhà, do ủy ban xã làm chủ đầu tư.

Chợ xã Yên Khê được đầu tư tiền tỷ nhưng không có người họp

Sau một năm thi công, công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, hứa hẹn sẽ là nơi buôn bán giao thương của người dân địa phương cũng như người dân các xã lân cận. Thế nhưng, từ khi “cưới” chợ đến nay, chợ vẫn không có người họp, bất đắc dĩ chính quyền địa phương đã phải “đóng cửa cài then” suốt thời gian qua.

Mặc dù chợ xã Yên Khê nằm ở vị trí trung tâm của xã, cách QL7 chừng 3km, và nằm trên các trục đường nối với các xã lân cận bằng đường trải nhựa, thuận tiện cho việc đi lại buôn bán, thế nhưng mặc nhiên chợ vẫn không có người.

Một người dân địa phương sống gần khu chợ này cho hay: “Chợ được đầu tư khang trang như vậy nhưng người dân ở đây có vào buôn bán ngày nào đâu. Do ở đây chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, nên người dân có thói quen bán ngay bên đường hay trước nhà mình. Chứ chẳng mấy ai tới chợ. Hơn nữa, giờ vào họp chợ thì phải đóng phí, trong khi buôn bán nhỏ lẻ như dân chúng tôi thì một ngày có lời lãi bao nhiêu đâu mà họp chợ rồi đóng phí?”.

Theo quan sát của phóng viên, cả khu chợ gần như đã đóng cửa từ lâu, phía trong chợ là 3 dãy ki-ốt được lợp tôn theo lối dài, trông khá thoáng mát, sạch sẽ, thế nhưng tuyệt nhiên không dấu hiệu nào cho thấy việc mua bán. Chứng kiến những hình ảnh, cảnh tượng nơi đây mới thấy sự lãng phí của công trình tiền tỷ khi không được phát huy tác dụng.

Việc đầu tư không mang lại hiệu quả, gây nên sự lãng phí tiền về tiền của

Ông Vi Văn Đậu - chủ tịch xã Yên Khê cho biết: “Thực tế chợ xã nhà xây xong nhưng không có người họp là có thật. Hiện nay, chỉ có một cửa hàng mua bán vật tự nông nghiệp ở ngay trước cổng chợ là cho một hộ dân “mượn” để kinh doanh.

Nguyên nhân chợ không có người họp, một phần là do tập quán mua bán dọc bên đường của người dân. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho đập bỏ phần tường phía trước, và làm hàng rào sắt B40, để trông chợ thông thoáng hơn. Và cố gắng từ nay đến cuối năm sẽ tuyên truyền để người dân vào chợ để họp”.

Trên thực tế, chợ đóng vai trò quan trọng trong quá trình, phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ thương mại của địa phương và là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Tuy nhiên, ở một số địa bàn miền núi, hạng mục này đã gây lãng phí ngân sách rất lớn bởi sau khi hoàn thành, các chợ gần như bỏ hoang, hay trở thành nơi chăn thả trâu, bò,… Do không được bảo vệ nên chỉ ít năm sau khi xây dựng, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.

Chỉ có một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp mới được chính quyền xã cho “mượn” để kinh doanh

Việc đầu tư xây dựng chợ tập trung là một trong những hạng mục quan trọng để xây dựng NTM. Tuy nhiên, trước khi xây dựng chợ cần tham khảo ý kiến nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, để chợ thực sự là nơi giao thương buôn bán hàng hóa. Tránh để tình trạng chợ được đầu tư dàn trải nhưng không phát huy được tác dụng, gây nên sự lãng phí lớn về tiền của.

Thiết nghĩ việc đầu tư xây dựng tại các địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân nơi đây. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong lại bỏ hoang, khiến cho dư luận bức xúc, hoài nghi về tầm nhìn chiến lược và thể hiện sự yếu kém về cách thức quản lý của các cấp chính quyền là điều cần tránh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang