Chuyện 'lạ' ở Gia Lai

Thứ Hai, 04/12/2017 08:40

|

(CAO) 3 cán bộ ở vị trí lãnh đạo gồm các ông bà: Nguyễn Thế Quang - nguyên Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (ĐBQH và HĐND) tỉnh Gia Lai, Nguyễn Thị Lựu - Phó Chánh văn phòng HĐND tỉnh và Vũ Tiến Anh - Chánh văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai được xác định để xảy ra sai phạm tài chính với tổng số tiền 11,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, họ chỉ bị “giơ cao đánh khẽ”, yêu cầu khắc phục số tiền này trước tháng 3-2018 và bị kỷ luật ở mức khiển trách và cắt các chức vụ Đảng. Kết luận của UBKT Tỉnh ủy cho rằng, hành vi của 3 cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, nhưng lại không chuyển vụ việc đến cơ quan công an. Việc xử lý quá đỗi “nhẹ nhàng” này khiến báo chí, dư luận bất bình vì tính nghiêm minh của luật pháp không được bảo đảm.

Đủ kiểu “múa” tiền nhà nước

Trong tổng số hơn 11 tỷ đồng sai phạm bị phát hiện, ông Nguyễn Thế Quang và bà Nguyễn Thị Lựu sai phạm trên 10,7 tỷ đồng. Ông Vũ Tiến Anh (nhậm chức vụ tại cơ quan này vào tháng 7-2016 sau khi ông Quang đến tuổi nghỉ hưu) được cho là đã ký văn bản duyệt chi sai quy định với số tiền 470 triệu đồng.

Theo UBKT tỉnh uỷ Gia Lai, sai phạm được tính từ năm 2013 - 2016. Cụ thể: Tiếp khách không đúng đối tượng, nguồn kinh phí; hồ sơ không bảo đảm, không đúng thực tế với số tiền trên 3,5 tỉ đồng. Sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động đối ngoại, công tác an ninh không đúng quy định 1,185 tỉ đồng. Từ năm 2014 - 2016 các cá nhân có dấu hiệu của hành vi lập khống chứng từ để mua văn phòng phẩm với số tiền sai phạm hơn 1,125 tỉ đồng. Dù không mua quà Tết, vẫn thanh toán hóa đơn 216 triệu đồng và thanh toán khống “tiền ăn” hội nghị hơn 162 triệu đồng. Văn phòng này còn lập phiếu chi đến... 2,5 tỉ đồng tiền mua hàng hóa (bia, trà, cà phê, sữa, bánh kẹo, hoa...) không đúng quy định, hồ sơ thanh toán không minh bạch. Riêng nguyên Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Gia Lai - ông Nguyễn Thế Quang ký chứng từ thanh toán cho bản thân đi việc riêng bằng công quỹ trong năm 2015 là 43,7 triệu đồng.

Đặc biệt, 7 cán bộ biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH đã được Quốc hội cấp lương, tuy vậy, văn phòng này vẫn lập dự toán để tỉnh Gia Lai cấp kinh phí trùng lặp (lần 2) với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng. Ngoài ra, 3 vị này còn thực hiện các phiếu chi không đúng với các khoản tiền ăn, nghỉ hội nghị, đi công tác nước ngoài; hỗ trợ cán bộ, công chức cơ quan nhân các ngày lễ, tết; tiền soạn thảo văn bản, bồi dưỡng tiếp dân, phụ cấp công tác đảng; mua tài sản sai chủng loại, vượt dự toán; thanh toán nhiên liệu không đảm bảo hồ sơ; sử dụng nguồn đào tạo không đúng nguyên tắc...

Nếu khắc phục, sẽ được miễn trừ trách nhiệm hình sự?

Từ những sai phạm trên, UBKT Tỉnh ủy Gia Lai có văn bản số 79 TB-UBKT do Chủ nhiệm Nguyễn Duy Khánh ký, nội dung: “Yêu cầu những cá nhân vi phạm khắc phục số tiền trên trước ngày 30-3-2018. Trường hợp thực hiện thu, nộp không đầy đủ số tiền vi phạm theo đúng thời gian quy định, UBKT Tỉnh ủy sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh để đề nghị xử lý theo quy định”.

Ngày 8-11-2017, Thường trực UBKT Tỉnh ủy công bố kết luận xử lý sai phạm với các cá nhân trên như sau: cách chức ủy viên Đảng đoàn HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Thế Quang (đã nghỉ hưu); cách chức Đảng ủy viên, Đảng ủy cơ sở Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai đối với bà Nguyễn Thị Lựu; kỷ luật mức khiển trách với ông Vũ Tiến Anh. Riêng các hình thức kỷ luật về mặt chính quyền đang chờ Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai xử lý.

Trong khi ông Quang đã nghỉ hưu, ông Vũ Tiến Anh và bà Nguyễn Thị Lựu buộc “khắc phục và sửa chữa triệt để, chấm dứt ngay các sai phạm đã nêu, nhất là việc hợp thức hóa chứng từ để thanh toán các khoản chi không đúng quy định”. Trước đó, ngày 6-6-2017, có thông tin xác nhận bà Lựu có ý định tự tử khi sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng được phát hiện kịp thời. Bà này cũng làm đơn xin thôi việc ở HĐND tỉnh nhưng không được đồng ý vì buộc phải giải quyết khắc phục hậu quả.

Ông Vũ Tiến Anh - người được cho là có công phát hiện vụ việc, sau đó tích cực khắc phục hậu quả, cho biết: “6 tháng nhận nhiệm vụ, vào dịp cuối năm, tôi sai ở 4 mục đó là tiếp khách, đối ngoại, mua sắm văn phòng phẩm và quà tặng, biếu các đoàn tỉnh bạn đến địa phương công tác và hỗ trợ tết cho các đại biểu, thành viên trong văn phòng, với số tiền 474 triệu đồng. Đến nay tôi đã nộp xong...”.

Trong số các khoản tiền khống được lập hóa đơn, chứng từ chi tiếp khách từ sai phạm của các cá nhân trên, dư luận không khỏi bức xúc vì những khoản chi vô lý hết sức, như: chỉ trong một ngày (9-4), Văn phòng chỉ 5-6 người này tiếp khách “các tỉnh miền Tây” hết hơn 26 triệu đồng; 3 ngày liên tiếp, tiếp 6 đoàn khách, hết hơn 46 triệu đồng hay có khi tiếp mỗi đoàn chỉ trong 1 ngày hết từ 5 triệu đến 15 triệu đồng. Không hiểu sức khỏe họ thế nào mà ăn uống “vô địch” thế!

Luật sư nói gì?

Đánh giá về vụ việc, ông Nguyễn Duy Khánh – Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng: “Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai vi phạm rất nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Trong đó, đồng chí Nguyễn Thế Quang là thủ trưởng cơ quan, chủ tài khoản, là người chịu trách nhiệm chính…”.

Trao đổi với phóng viên báo CATP về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Mai Hiệp – Đoàn luật sư Đắk Lắk, nguyên Trưởng đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm: “Với tư cách là một luật sư, người bảo vệ pháp luật xã hội chủ nghĩa, tôi không chấp nhận kiểu xử lý “nội bộ” của UBKT Tỉnh ủy Gia Lai như trên. Hành vi của các cá nhân sai phạm có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Hành vi lập khống rồi “hợp thức hóa” hồ sơ, chứng từ để chiếm đoạt tài sản, tiền ở đâu? Nếu phát hiện có việc bỏ túi, chia chác nhau với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên đã được xác định là đặc biệt nghiêm trọng. Ở đây số tiền sai phạm lên đến trên 11 tỷ đồng mà xử lý như trên là coi thường pháp luật. Việc yêu cầu các cá nhân khắc phục số tiền sai phạm chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không làm thay đổi trách nhiệm hình sự của những người đã thực hiện hành vi cố ý làm trái nêu trên. Tôi cho rằng, phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc này đến cơ quan điều tra. Ai dung túng, bao che cũng phải bị pháp luật xử lý”.

Luật sư Nguyễn Mai Hiệp phân tích thêm: Trong vụ việc này, nếu phát hiện có việc sử dụng số tiền trên trái pháp luật quy định, có dấu hiệu của hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165 BLHS. Nếu có động cơ cá nhân trong việc chiếm đoạt tài sản, là hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, quy định tại Điều 281 BLHS.

Dư luận bất bình đặt câu hỏi: Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai có biết vụ việc không? Số tiền trên 11 tỷ đồng là rất lớn, không có lý gì lại xử lý kiểu “nhẹ nhàng” đến như vậy!

Bình luận (0)

Lên đầu trang