Gia Lai:

Trồng nông sản theo cảm tính: Bí đao để thối đồng, người dân rục rịch qua trồng chanh dây

Thứ Ba, 22/03/2016 05:58  | Chí Dũng

|

(CAO) Năm trước trồng bí đao trắng thấy được giá, nhiều hộ dân ở các huyện phía đông tỉnh Gia Lai bỏ cây bắp và mỳ chuyển sang trồng bí đao. Năm nay, giá nông sản này xuống 1.000 đồng/kg nhưng không ai mua, nông dân đành ngậm ngùi để bí đao thối ngoài vườn.

Bí đao lăn lóc đầy đồng chờ mua

Mùa này huyện huyện Kông Chro trồng khoảng 40ha bí đao trắng. Nhờ công chăm sóc mà bí đao trắng của bà con được mùa. Những vườn bí đao với quả to đẹp nằm trắng cả cánh đồng. Hi vọng về một vụ mùa bội thu được nhiều nông dân kỳ vọng. Tuy nhiên khi bước vào thu hoạch, lại không thấy thương lái nào ngó ngàng tới.

Nhiều hộ dân trót lỡ đầu tư vào trồng bí đao trắng giờ đang lao đao không biết bán cho ai. Vườn bí đao trắng hơn 8 sào của anh Mai Công Phụng (thôn 3, xã An Trung, huyện Kông Chro) sau khi thu hoạch đang để trắng cả vườn gần 1 tuần nay vì không bán được. Đây là năm đầu tiên anh Phụng tín nhiệm loại nông sản này để làm giàu. “Trồng quả này ít tốn công, giá bán hàng năm từ 6.000 đồng/1kg nên nhiều hộ dân hốt bạc. Năm nay là năm trồng đầu tiên, nhưng rất năng suất, ước thu hoạch hơn 10 tấn. Từ đầu vụ đến giờ không có ai hỏi mua, cũng chẳng biết đem đi đâu bán nên tôi đành để tại vườn” - anh Phụng chia sẻ.

Bí đao trắng để thối đồng do ít  thương lái đến mua - Ảnh: Chí Dũng 

Tiếp tục ngược về xã Chư Krei (huyện Kông Chro), nhiều diện tích bí đao trắng cũng được dân trồng khắp đồi cho quả trắng đồng nhưng cũng chung tình cảnh tương tự. Nhiều hộ thu hoạch xong không bán được thì đưa về chất đống sau hè nhà, hoặc vứt ngoài đường. Như ông Hà Văn Hơn (thôn 1, xã Chư Krei) trồng 2ha, sản lượng 100 tấn. Ông Hơn còn may mắn hơn nhiều hộ khác khi kịp bán rẻ được 30 tấn, số còn lại đang vứt lăn lóc ngoài đồng.

Theo các hộ dân trồng, khi đưa ra quyết định trồng cây gì thì họ lựa chọn hoàn toàn cảm tính. Thấy năm ngoái bí đao trắng cho giá cao nên người dân phá mì, bắp sang trồng. Tựu trung lại đều trồng tự phát, không có nghiên cứu đất đai, thổ nhưỡng, đầu ra xem có ổn định không. Vì thế mới có chuyện, dù khu vườn được mùa nhưng một khi chưa cầm được tiền bán nông sản trong tay, họ còn sống trong nỗi lo sợ sẽ lỗ chỏng vó vì không có đầu ra, hoặc bị ép giá…

Người dân ngậm ngùi nhìn bí đao trắng nằm lăn lóc trên đồng - Ảnh: Chí Dũng 

Bí đao hết thời, giờ đến... chanh dây

Hiện nay người dân nhiều huyện tại tỉnh Gia Lai và một số vùng lân cận đang hối hả xuống giống trồng tranh dây để xuất bán chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Dọc quốc lộ 19 đoạn qua huyện Mang Yang, hàng chục ha cà phê bị người dân phá bỏ để đầu tư trồng chanh dây. Vừa thu hoạch xong vườn cà phê 1.500 gốc cà phê đang kinh doanh, nhưng chỉ bán điược với giá 30.000 đồng/kg cà phê nhân nên ông Nguyễn Văn Thức (xã Đắk Jrăng) lỗ nặng. Thấy nhiều người trồng cây chanh dây cho lợi nhuận “khủng khiếp” nên ông Thức cũng chặt bỏ 300 gốc để lấy đất trồng chanh dây.

“Cà phê phải một năm mới thu được một lần mà giá chỉ bằng phân nửa so với chanh dây. Trong khi đó cây chanh chỉ mất 6 tháng là cho thu hoạch, khi đến vụ chỉ hai ngày hái một lần. Tính ra trồng chanh dây lời gấp bốn lần cây cà phê nên tôi mới chuyển đổi” – ông Thức nói và cho biết tuy thấy lời nhiều nhưng do thị trường cây tranh dây được các thương lái thu mua cho biết là chủ yếu chỉ bán cho Trung Quốc nên đang lo ngại, hiện tại mới chỉ dám chặt 300 cây, nếu thời gian tới giá cả ổn định thì tiếp tục chặt tiếp.

Thấy chanh dây được giá, người dân Gia Lai lại đua nhau phá cà phê chuyển qua trồng loại nông sản này - Ảnh: Chí Dũng 

Tại huyện Chư Prông (Gia Lai), nhiều hộ dân cũng đang chạy theo phong trào trồng chanh dây. Theo ông Nguyễn Văn Gập - Trưởng phòng NN&PTNN huyện Chư Prông, chanh dây được trồng manh nha ở huyện trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây. Chủ yếu các hộ dân trồng nhỏ lẻ, tự phát, diện tích chưa lớn. Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh kết hợp với huyện đã đi khảo sát thực tế diện tích trồng chanh dây trên địa bàn để nắm tình hình.

Theo 1 thương lái, chanh dây phải xuất khẩu sang Trung Quốc gần như toàn bộ. Bên đó họ trả giá bao nhiêu thì chúng tôi về thu mua của bà con với giá tương ứng để lấy một ít tiền chênh lệch. Năm nay giá cao trên 25.000/kg, nhưng có năm chanh dây chỉ còn 8.000/kg.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT Gia Lai, cây chanh dây trên địa bàn phát triển hoàn toàn tự phát. Người dân thấy có giá thì đua nhau trồng. Hiện tỉnh có khoảng 301 ha chanh dây. Trong đó, chỉ riêng năm 2015 đã trồng mới 108 ha. Diện tích chanh dây đang cho thu hoạch 143 ha. Dự báo thời gian tới diện tích trồng chanh dây sẽ còn tăng.

Chanh dây trồng ở Gia Lai phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. - Ảnh: Chí Dũng

Cũng theo đại diện Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, địa phương chưa có nhà sản xuất chanh dây mà hoàn toàn thông qua lái buôn thu mua vận chuyển sang các vùng khác bán, vì thế giá cả không ổn định, tồn tại nhiều rủi ro.

Bình luận (1)

Nông dân nước ta chỉ biết chạy theo phong trào thấy người khác làm có lợi là chạy theo cùng làm mà không cần biết thị trường cần gì, thiếu gì!!! Khi cung vượt quá cầu thì giá sẽ rớt đó là điều tất yếu ; đó là chưa kể kiểu làm giá của tư thương để mua giá bèo!!! Chính quyền địa phương nên tuyên truyền để người dân nên chọn loại nông sản truyền thống của địa phương mình và xây dựng thương hiệu địa lý...có như thế thì mới đảm bảo đầu ra cho họ .

nguyễn hùng - Thứ Ba, 22/03/2016, 06:35 Trả lời | Thích
Lên đầu trang