Tuyến TPHCM - Đồng Nai: Bát nháo xe buýt thật giả

Thứ Sáu, 15/05/2015 12:14  | Thiên Long - Nguyễn Tuấn

|

(CATP) Thời gian gần đây, các tuyến xe buýt liên tỉnh giữa TPHCM - Đồng Nai hoạt động bát nháo chẳng khác nào xe dù. Trong khi đó, xe buýt giả tiếp tục hoành hành trên tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 51.

Thu tiền vượt khung

Chiều 7-5, chúng tôi đứng chờ xe buýt ở trạm dừng trước siêu thị Metro nằm trên xa lộ Hà Nội (Q2). Được một lúc, xe mã số 604 mang BS: 53N-9660 chạy tuyến Bến xe miền Đông - Hố Nai trờ tới. Nhân viên phục vụ là một anh chàng gần 30 tuổi nhanh chóng nhảy xuống để bắt khách. Khi biết chúng tôi muốn đến ngã ba Tam Hiệp (Biên Hòa), người này nắm tay lôi lên.

Ngồi chưa ấm chỗ, nhân viên đến đòi thu tiền vé. “Bao nhiêu vậy anh?”, chúng tôi hỏi. “Ba mươi nghìn”, anh ta trả lời cộc lốc. Trong khi bảng giá niêm yết trên xe ghi rõ: lên xuống xe: 6.000 đồng; đến 1/3 lộ trình: 10.000 đồng; 2/3 lộ trình có giá 15.000 đồng và suốt tuyến là 20.000 đồng.

Một xe buýt giả mã số tuyến 11 đang lộng hành - Ảnh: Báo CATP

Thấy chúng tôi thắc mắc, anh này trả lời vẻ khó chịu: “Bảng giá đó từ năm 2010 lận ông ơi! Đây là xe buýt không có trợ giá, tất cả mọi thứ đều tăng thì giá xe cũng phải tăng”. Sau khi trả 30.000 đồng, chúng tôi yêu cầu được lấy vé thì người này gằn giọng: “Xe tư nhân làm gì có vé”!

Không chỉ thu tiền cao và không xé vé, nhiều xe bảng niêm yết giá còn bị tài xế cho bôi xóa, làm mờ giá tiền để dễ dàng bắt chẹt khách. Bên cạnh đó, một số hành khách thường đi tuyến xe buýt này còn phản ánh tình trạng thu tiền theo kiểu “lúc nắng lúc mưa”.

Chị Trần Thị Huyền (sinh viên năm nhất trường Đại học KHXH&NV TPHCM) cho biết, thỉnh thoảng cũng bắt xe số 604 từ ngã ba 621 về thăm nhà ở TP.Biên Hòa. Cùng tuyến đường nhưng khi thì thu 10.000 đồng, lúc lại bị thu 15.000 đồng.

Theo quy định của ngành giao thông, hoạt động các tuyến xe buýt phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về lộ trình, thời gian xe chạy và đặc biệt chỉ được đón/trả khách tại những vị trí đã được cắm biển “Điểm dừng xe buýt”. Thế nhưng chúng tôi nhận thấy cứ nơi nào có khách là những chiếc xe này tấp vô.

Đặc biệt, đến trước cổng khu du lịch Suối Tiên, những chiếc xe buýt này tấp vào nằm lì hơn 30 phút. Mỗi khi có các tuyến xe khác dừng trả khách, cả tài xế và phụ xe lao tới chèo kéo để rước khách.

Một nhân viên phục vụ cho biết, thường trong khoảng thời gian từ sáng đến tầm 3 giờ chiều lượng khách còn lai rai, sau thời điểm trên lượng khách rất ít. Nếu chạy sẽ bị lỗ, nên việc bỏ tuyến và sang khách cho các chuyến xe khác là chuyện diễn ra gần như thường ngày.

Chèn ép xe buýt thật

Sau thời gian lắng xuống, gần đây tình trạng xe buýt giả lại nổi lên hoạt động trên các trục Quốc lộ 1A và Quốc lộ 51, có lúc một xe buýt thật ở giữa thì phía sau và phía trước có hai chiếc xe buýt giả chèn ép. Xe buýt giả chèo kéo, tranh giành khách dọc đường, thậm chí cả trạm dừng và chờ xe buýt. Lơ xe và tài xế xe buýt giả sẵn sàng hành hung, đe dọa “xử đẹp” các tài xế xe buýt thật, nếu cố tình ngăn cản.

“Chúng hành xử kiểu giang hồ khiến ai cũng dè chừng. Nhiều khi xe buýt của chúng đứng “ăn” khách ở trạm xe buýt hàng tiếng đồng hồ, nhưng chẳng có xe buýt thật nào dám tấp vào. Tấp vào là bị chúng ném đá, rượt đuổi”, một tài xế giấu tên cho biết.

Nổi lên là những chiếc xe dù, xe giả buýt dán mã số tuyến 11 và 603, hoạt động vào giờ cao điểm các ngày như thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ. Chuyến của tuyến xe buýt số 11 chạy từ ngã tư Vũng Tàu đến trạm xe Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Chuyến của tuyến 603 đi Bến xe miền Đông đến KCN Nhơn Trạch và ngược lại. Có đến 17 xe giả tuyến số 11 và 603, bao gồm các xe có biển số: 72B-000.13, 72B-000.89, 72B-000.93, 72M-9897, 72L-1759, 51B-006.55, 53N-5308, 53N-6129, 53S -7537... Xe dù, xe giả chủ yếu mang biển số xe của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM.

Chị Minh, một người dân bức xúc: “Tôi hay bắt xe buýt từ Bến xe Tam Hiệp về Sài Gòn lấy hàng hóa, đôi lúc lên nhầm xe buýt giả mã số tuyến 603. Họ lấy tiền vé 40.000 đồng, trong khi ngày thường tôi đi chỉ với giá 20.000 đồng. Xe buýt giả phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách khiến tôi nhiều phen thót tim”.

Theo Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh Đồng Nai, tình trạng xe buýt giả lộng hành sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự trên các tuyến đường, giảm chất lượng phục vụ hành khách. Không những vậy, việc các xe buýt giả hành hung, đe dọa làm ảnh hưởng tâm lý, lợi ích hợp pháp của cánh tài xế, nhân viên xe buýt thật.

Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị khai thác vận tải trên tuyến 11, 603 lên kế hoạch thay đổi màu sơn đặc trưng cho xe buýt, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thông tin cho hành khách nhận biết nhằm phân biệt được xe buýt thật và xe dù, xe giả. Đặc biệt khuyến khích đơn vị vận tải tăng cường hơn nữa chất lượng phục vụ.

Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã đề xuất Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các địa phương tổ chức các đợt tuần tra xe khách hoạt động trên tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 51; xử phạt nghiêm các xe buýt giả, xe dù hoạt động trái phép.

Chủ tịch UBND các địa phương phối hợp với Thanh tra giao thông, Đội kiểm tra thuộc Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng phát hiện sớm, xử lý kịp thời trường hợp các đối tượng hành hung, đe dọa nhân viên, tài xế của các đơn vị vận tải.

Đại diện Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh Đồng Nai cho rằng: Trung tâm không có quyền hạn và chức năng xử phạt, mà chỉ có quyền đề xuất các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn. Công tác tuần tra, xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai không được thường xuyên, chế tài pháp luật còn thiếu và chưa đủ sức răn đe nên tình trạng buýt nhái, buýt giả tiếp tục lộng hành.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang