Vinasun cáo buộc Grab dựa trên lợi thế giá rẻ nhờ... trốn thuế?

Thứ Hai, 22/10/2018 12:48

|

(CAO) “Trong 3 năm 2014-2016, Vinasun đóng xấp xỉ 1.200 tỷ đồng thuế với số lượng chỉ 6.000 đầu xe. Trong khi đó, Grab với trên 33.000 đầu xe hoạt động hiện nay chỉ đóng thuế 9,5 tỷ đồng. Lợi thế giá rẻ của Grab chính là dựa trên trốn thuế”, đại diện Vinasun nói tại tòa.

Sáng 22-10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).

Vinasun cáo buộc Grab dựa trên lợi thế giá rẻ nhờ... trốn thuế?

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Vinasun giữ nguyên quan điểm cho rằng Grab là công ty công nghệ, không được phép kinh doanh dịch vụ vận tải theo Quyết định 24. Thế nhưng trên thực tế hoạt động Grab lại trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải taxi một cách trái phép thể hiện qua việc điều động xe, xác định giá cước, thu cước phí, thưởng phạt tài xế…

Ông Trương Đình Quý – đại diện Vinasun còn cáo buộc lợi thế giá rẻ của Grab có phải là dựa trên trốn thuế? Cụ thể, trong 3 năm 2014-2016, với số lượng chỉ 6.000 đầu xe nhưng Vinasun đã đóng xấp xỉ 1.200 tỷ đồng tiền thuế. Trong khi đó, Grab chỉ đóng thuế 9,5 tỷ đồng với trên 33.000 đầu xe hoạt động hiện nay.

Đại diện Vinasun cho biết, ngoài việc đóng thuế VAT 10%, thì Vinasun phải đóng thêm 20% doanh thu lợi nhuận. Ngoài ra còn đóng bảo hiểm xã hội, y tế… cho mỗi người lao động. “Giá rẻ mà dựa trên cơ sở đúng pháp luật thì chúng ta ủng hộ, không cổ súy giá rẻ mà trái pháp luật", đại diện Vinasun gay gắt tại tòa.

Theo Vinasun, các doanh nghiệp taxi luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy định quản lý giá cước. Theo đó, căn cứ vào mặt bằng chung của thị trường, doanh nghiệp đăng ký giá cước cho Sở Tài chính TP.HCM theo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính để đưa ra mức giá cước theo quy định của nhà nước. Trong trường hợp tăng hay giảm giá cước, Vinasun sẽ làm đơn xin ý kiến của Sở Tài chính và nếu đồng ý mới được phép thực hiện. Trong khi Grab lại tự ý đề ra giá cước để cạnh tranh không lành mạnh.

Grab tiếp tục bảo lưu quan điểm mình là một công ty công nghệ

Trong khi đó, phía Grab tiếp tục bảo lưu quan điểm Grab là một công ty công nghệ tham gia đề án 24 với tư cách cung ứng công nghệ hỗ trợ dịch vụ vận tải. Cước phí là do các HTX, đơn vị kinh doanh vận tải thỏa thuận, sau đó sẽ được phần mềm công nghệ xác định cụ thể.

Grab cũng phủ nhận những cáo buộc trốn thuế mà Vinasun đưa ra. Công ty này cho biết đầu tư vào 8 nước, 1 số nước thu được lợi nhuận, 1 số nước tiếp tục đầu tư. Ở Việt nam, từ 2014-2017 hoạt động của Grab chưa có lợi nhuận, còn năm 2018 chưa kết thúc nên không thể khẳng định là lời hay lỗ.

Tại phiên tòa hôm nay, thẩm phán Lê Công Toại cũng đặt nhiều câu hỏi cho Grab như căn cứ dựa vào đâu để chia ra tỷ lệ chiết khấu giữa lái xe với Grab? mức cước vận chuyển ai đưa ra? Grab có quản lý trực tiếp các tài xế không?...

Trả lời các câu hỏi, đại diện Grab cho biết các đối tác vận tải và hợp tác xã vận tải sẽ đề xuất giá cước. Sau đó giá cước chung của thỏa thuận này sẽ được lập trình và đưa ra mẫu chung trên hệ thống nền tảng công nghệ quản lý bằng các thuật toán dự đoán trí tuệ nhân tạo. “Chúng tôi không quản lý tài xế mà chỉ làm việc trực tiếp với các đối tác là HTX vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải”, ông Jerry Lim nói.

Trước câu trả lời này của bị đơn, chủ tọa phiên tòa nói: "Grab không quản lý lái xe, hợp tác xã cũng nói không quản lý. Vậy không ai ngoài vợ con tài xế quản lý họ?”.

Buổi chiều, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh tụng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang