Xét xử Trầm Bê, Phạm Công Danh: Các giám đốc "bù nhìn" khóc nức nở

Thứ Tư, 24/01/2018 14:42  | Bích Hà

|

(CAO) Ngày 24-1-2018, phiên tòa xử bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) và 44 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB tiếp tục với phần tranh tụng.

Trước đó, ngày 22/1 VKS đã nêu quan điểm, qua đó quy buộc 19 bị cáo được ông Danh thuê làm giám đốc các Cty do ông Danh thành lập, tội danh đồng phạm với ông Danh. Theo cơ quan công tố, 19 bị cáo này đã có hành vi ký các hồ sơ, tài liệu liên quan tới việc vay tiền tại các ngân hàng trong vụ án; ký các hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố… giúp ông Danh vay tiền.

19 bị cáo này đều dưới quyền và được ông Danh nhờ đứng tên làm giám đốc, ông Danh trả lương cho những người này 5-10 triệu đồng/tháng. Tất cả đều không có vốn góp, không điều hành Cty, không quản lý bất cứ tài sản gì. “Họ chỉ ký các hồ sơ, thủ tục, chứng từ đã được lập sẵn và do nhân viên tổ tài chính đưa cho họ, họ không biết gì nội dung mình ký, không sử dụng tiền vay” – VKS nêu quan điểm.

Tuy nhiên, nhờ 19 giám đốc bù nhìn này đã giúp ông Danh thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho VNCB. Vì vậy họ cũng phải bị mức hình phạt với mức án đề nghị người thấp nhất là cho hưởng án treo đến mức án 5-6 năm tù.

Các bị cáo tại tòa

Tham gia bào chữa bị cáo Phạm Việt Thép - nguyên Giám đốc Cty An Phát, luật sư Phạm Công Hùng cho rằng, bị cáo Thép vướng vào con đường phạm tội là vì “chén cơm manh áo”. Thép đã tuân theo chỉ đạo của cấp trên nên đã thực hiện hành vi mà sau này bị cáo mới biết là sai phạm. Hoàn cảnh của bị cáo vô cùng khó khăn, vợ và 2 con nhỏ, nếu tuyên phạt tù thì đẩy gia đình bị cáo khốn khó và xin được pháp luật khoan hồng.

Một trong 19 giám đốc "bù nhìn", bị cáo Hồ Thị Đi đã bật khóc nức nở tại tòa khi tự bào chữa bổ sung cho mình. Đi rất xấu hổ với gia đình và các con thơ khi bị bắt. Bị cáo cũng chỉ là người làm công, không ý thức được hành vi sai phạm cũng như không được hưởng lợi. “Gia đình bị cáo nghèo, kiếm được việc làm rất mừng nên khi được nhờ đứng tên, ký các chứng từ bị cáo chỉ nghĩ việc làm của mình góp phần giúp Thiên Thanh phát triển. Bị cáo đâu ngờ cảnh nghèo chưa qua lại rơi vào cảnh khổ. Hơn 50 triệu bị cáo vay mượn khắp nơi nộp cho cơ quan điều tra với mong muốn góp phần khắc phục hậu quả là số tiền quá lớn đối với hoàn cảnh bị cáo”- Đi òa khóc khi trình bày.

Các giám đốc bù nhìn khác cũng có mẫu số chung về hoàn cảnh gia đình. Họ là lao công, lái xe, tạp vụ…của Tập đoàn Thiên Thanh, ít học, nghèo khổ. Trong thời buổi khó kiếm việc làm nên để bảo vệ miếng cơm manh áo, họ đều tận tụy và dốc lòng với chủ. Như bị cáo Thành mới học hết lớp 6, vợ đang bị đau, nuôi 2 con nhỏ, bố mẹ già yếu phải phụng dưỡng. Khi được tập đoàn Thiên Thanh nhận vào làm công và nhờ đứng tên làm giám đốc công ty, Thành không một chút đắn đo. Bị cáo nhận thức là việc bình thường chứ không nhận thức được là việc làm trái pháp luật. Trong lúc bào chữa cho bị cáo Thành luật sư kể câu chuyện: Hôm trước khi trời nắng chang chang lúc bãi tòa, một bị cáo hớt hơ hớt hải chạy theo hỏi tôi: Thưa luật sư, tôi phạm tội do tôi ký sai nhưng đáng lẽ như thế ngân hàng phải có "rào chắn" khiến tôi không thể vay vốn được. Nếu ngân hàng có những rào chắn như thế này thì tôi đã không bị vi phạm pháp luật, không phải đi tù, đúng không?"

Các luật sư bào chữa cho 19 giám đốc "bù nhìn" đều có chung quan điểm, mức án mà VKS đề nghị đối với các bị cáo này là quá nghiêm khắc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang