Xét xử Trầm Bê, Phạm Công Danh: Tòa từ chối luật sư của ông Trần Bắc Hà

Thứ Ba, 16/01/2018 11:25  | Bích Hà

|

(CAO) Theo chủ tọa - thẩm phán Nguyễn Lương Toản, trong đơn đề nghị tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Bắc Hà, không thể hiện ý chí của ông Trần Bắc Hà vì không có xác thực của Lãnh sự quán nên HĐXX từ chối.

Sáng 16-1, tiếp tục phiên xét xử Phạm Công danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Tiên Phong (Tienphongbank, nay là TPBank) và ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV).

Mở đầu phiên xử, chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Nguyễn Lương Toản thông báo sáng nay người đại diện của ông Trần Bắc Hà đã nộp hồ sơ lên tòa án chứng minh ông Trần Bắc Hà đã nhập cảnh vào Singapore chữa bệnh. Hồ sơ này có xác thực của Đại sứ quán của Việt Nam tại Singapore.

Chủ tọa cũng cho biết, sáng nay Văn Phòng luật sư Trần Hải Đức đã cử luật sư Nguyễn Minh Cường đến tòa tham gia tố tụng theo yêu cầu của ông Trần Bắc Hà, nhưng chủ tọa không chấp nhận vì các chứng từ ủy quyền của luật sư không có xác thực của Lãnh sự quán.

Thay mặt HĐXX, chủ tọa nhấn mạnh, quá trình xét xử từ đầu, tòa đã gửi giấy triệu tập ông Trần Bắc Hà đến tòa với tư cách người có liên quan trong vụ án nhưng ông không đến cũng không có yêu cầu có luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ. Đến nay, ông Trần Bắc Hà lại yêu cầu luật sư đến nhưng hồ sơ không hợp lệ. Trừ trường hợp ông Trần Bắc Hà có mặt trực tiếp tại phiên tòa và có yêu cầu luật sư bảo vệ, ông Hà phải đưa ra được lý do chính đáng thì HĐXX sẽ xem xét theo đúng pháp luật.

Bị cáo Phạm Công Danh được đưa đến tòa

Trước đó, vào ngày hôm qua, HĐXX tập trung làm rõ về khoản vay 4.700 tỷ ở BIDV do các công ty sân sau của Phạm Công Danh lập nên với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.

Nội dung kịch tính nhất của phiên tòa hôm qua, đại diện Ngân hàng CBbank (sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB với giá không đồng đã đổi tên VNCB thành CBbank) cho rằng khoản tiền 4.700 tỷ vay ở BIDV thông qua 12 công ty, cuối cùng chuyển về tài khoản của VNCB được các bị cáo chi xài và không có trong khoản nợ phải trả của CBBank.

Việc xử lý thông tin có hay không có 4.700 tỷ của VNCB, CBbank phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, các bị cáo và luật sư cho rằng khi nhóm cổ đông cá nhân và pháp nhân chuyển 4.700 tỷ vào VNCB dùng để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng nhưng cuối cùng Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận chủ trương tăng vốn. Phan Thành Mai (nguyên Tổng GĐ VNCB) cho biết tại tòa khi vụ án khởi tố, khoản tiền 4.500 tỷ đó vẫn còn treo ở VNCB và đề nghị thu hồi để xử lý thiệt hại trong vụ án.

Sáng nay, HĐXX tập trung làm rõ hành vi cho vay 1.700 tỷ ở TPBank thông qua 11 công ty. Trong số các công ty này, Đinh Việt Cường - nguyên là Giám đốc khối KHDN của TPBank đứng tên Tổng giám đốc 1 công ty, bị cáo Thủy là Phó giám đốc khối giới thiệu 1 công ty và Nguyễn Việt Hà - Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt giới thiệu 6 công ty vay vốn TPBank để đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Quỹ Lộc Việt.

Các bị cáo khai tại tòa sáng nay, mình được dựng nên làm giám đốc, không hưởng lợi lộc gì nhưng vì thân tình với Nguyễn Việt Hà - Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt nên ký các chứng từ.

Thậm chí, bị cáo Hà Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Đại Phát VN khai đứng đại diện công ty cho ông Nguyễn Việt Hà, tiền là ông Nguyễn Việt Hà chuyển 6 tỷ vào tài khoản công ty để chứng minh tài chính, sau khi có giấy phép đã rút ra trả lại ông Hà. Việc mua trái phiếu Thiên Thanh là do ông Nguyễn Việt Hà sắp xếp. Bị cáo chỉ ký ủy quyền cho Đỗ Phương Nam (là lái xe của Nguyễn Việt Hà) chứ không biết việc mua bán, vay mượn như thế nào. Trong khi cáo trạng xác định sau tờ ủy quyền của Bình đã hợp thức hóa hồ sơ vay được 170 tỷ chuyển mua trái phiếu Thiên Thanh.

Nhiều bị cáo trong số 11 người được dựng lên làm giám đốc đứng tên vay 1.700 tỷ tại TPBank không biết trái phiếu là gì, không tham gia mua bán, không biết tiền đâu có và giao dịch như thế nào chỉ vì quen thân nên ký chứng từ, chỉ khi cơ quan điều tra khởi tố, đọc cho mới biết. Như Đỗ Minh Thủy (phụ trách mạng cho Quỹ Lộc Việt) được Nguyễn Việt Hà dựng nên làm Giám đốc Công ty Đức Long khai không biết công ty tên gì, ai sáng lập, chỉ đưa CMND cho luật sư đi thành lập DN chứ không biết gì. Thủy đã ký chứng từ vay 135 tỷ theo yêu cầu của Nguyễn Việt Hà để mua trái phiếu. Khi lên ký giấy tờ, mọi thứ đã soạn sẵn.

Trong khi đó, bị cáo Đỗ Việt Bun, nhân viên TPBank- Trưởng nhóm khách hàng doanh nghiệp kiêm Giám đốc Khôi Nguyên Phát. Người đề xuất cấp tín dụng cho 4 công ty với số tiền 561,8 tỷ, tài sản bảo đảm là khoản tín dụng của VNCB để đầu tư trái phiếu Thiên Thanh, Trung Dung. Sau đó TPBank phát hiện trái phiếu không hợp pháp nên tiến hành xiết nợ, gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.700 tỷ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang