Vụ Phạm Công Danh, Trầm Bê:

Tại sao khi xét xử, CBBank mới yêu cầu bồi thường 6.126 tỷ đồng?

Thứ Năm, 18/01/2018 11:31  | Bích Hà

|

(CAO) Tại tòa sáng 18-1, trước câu hỏi thẩm vấn vì sao trước đó CBBank không yêu cầu bồi thường nhưng khi vụ án được đưa ra xét xử (1-2018) mới yêu cầu các bên liên quan bồi thường thiệt hại? Đại diện ngân hàng này cho biết khi được triệu tập với tư cách pháp nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án mới thực hiện quyền lợi của mình.

Ngày 18/1, tiếp tục phiên xét xử Phạm Công danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Tiên Phong (Tienphongbank, nay là TPBank) và ngân hàng Phát triển Việt Nam (BIDV). HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo và đương sự liên quan về việc yêu của bồi thường của CBBank.

Các bị cáo tại tòa sáng nay

Trước đó, ngày 17/1, CBBank đưa ra đề nghị 46 bị cáo và hơn 140 cá nhân được đề cập trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự, trừ 3 ngân hàng, tùy mức độ mà chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, hoàn trả 6.126 tỷ đồng.

Tổng số thiệt hại theo cáo trạng hơn 6.126 tỷ, là hậu quả từ hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân gồm Sacombank, TPBank, BIDV và các công ty liên quan đến khoản vay tại 3 ngân hàng này cùng các bị cáo đã bị khởi tố và đưa ra xét xử tại vụ án này. Trong khi đó,trả lời thẩm vấn của luật sư bị cáo Phan Thành Mai (Tổng GĐ VNCB) cho biết nếu NHNN không mua lại VNVB (nay đổi tên thành CBBank) với giá 0 đồng thì các khoản nợ VNCB, ngân hàng sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng, các khoản nợ phải trả đầy đủ.

Tại thời điểm đó ngân hàng vẫn có khoản tiền lớn hơn 13.000 tỷ gửi liên ngân hàng, bao gồm cả 4.500 tỷ để tăng vốn. Đại diện CBBank cũng từng xác nhận, khi NHNN tiếp quản VNCB, VNCB có hơn 13.000 tỷ đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, trong đó có 4.500 tỷ phục vụ việc tăng vốn. Khoản tiền này đã được hòa vào dòng tiền chung của VNCB và VNCB đã sử dụng hết.

Tại tòa, trước câu hỏi thẩm vấn vì sao trước đó CBBank không yêu cầu bồi thường nhưng khi vụ án được đưa ra xét xử (4-1-2018) mới yêu cầu các bên liên quan bồi thường thiệt hại, Đại diện ngân hàng này cho biết khi được triệu tập với tư cách pháp nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án mới thực hiện quyền lợi của mình.

Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho Ngân hàng Sacombank hỏi đại diện CBBank, theo đánh giá của CBBank thì ngân hàng chính xác thiệt hại bao nhiêu tiền, dựa trên cơ sở nào? Đại diện CBBank cho rằng số tiền rút ra, bị thu hồi từ 3 ngân hàng là hơn 6.126 tỷ đồng và dựa vào kết quả điều tra và truy tố của cơ quan điều tra.

Luật sư của Sacombank tiếp tục truy, thiệt hại của CBbank không phải do CBBank xác định, mà dựa vào kết luận điều tra và cáo trạng. Trong đơn yêu cầu bồi hoàn tại sao CBBank không liệt kê từng hạng mục? Đại diện CBBank cho rằng đây không phải là tranh chấp dân sự.

Luật sư nêu lại vấn đề trong các ngày xét xử trước, nhiều luật sư đã hỏi về khoản tiền tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng, trong đó có 4.500 tỷ chênh lệch. Khoản này là tiền gửi hay góp vốn và được CBBank hạch toán ra sao? CBBank cho biết khoản này được hạch toán treo, đó là tiền góp vốn của cổ đông.

Trong khi đó, tại bút lục cho thấy CBBank đã hạch toán vào tăng vốn điều lệ khoản đó, vậy có hợp lý không khi NHNN không cho tăng vốn? Đại diện CBBank cho biết, việc hạch toán và cho phép tăng vốn là hai việc khác nhau.

Cũng tại tòa, luật sư hỏi CBBank cho rằng mình thiệt hại 6.126 tỷ thì việc thiệt hại này có liên quan gì không khi 4.500 tỷ là khoản phải trả, là để tăng vốn. CBBank nói không có gì liên quan, vì 4.500 tỷ không phải khoản phải trả.

Trong bút lục vụ án nói ông Phan Thành Mai là TGĐ của VNCB báo cáo Tổ giám sát rằng sẽ gửi tổng cộng 2 khoản tiền hơn 1.800 tỷ vào Sacombank để bảo lãnh cho các khoản vay, thì lãnh đạo CB hiện nay có ý kiến gì không? CBBank cho biết đã có trong chứng cứ vụ án.

Cũng tại tòa, trước đó, đại diện đoàn giám định NHNN khẳng định dòng tiền 1.800 tỷ là hợp lệ, kể cả tiền đi ra. Sacombank phải tất toán khoản nợ của 6 công ty bằng tiền gửi cầm cố là hợp lệ. Kết quả giám định của NHNN cho thấy cả 3 khoản tiền vào và ra của 3 ngân hàng là hợp lý. CBBank cũng không có ý kiến trực tiếp và cho rằng đã thể hiện trong hồ sơ vụ án.

Nói về cơ sở yêu cầu bồi hoàn của CBBank, đại diện này cho biết, đòi thiệt hại dựa vào hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi đề nghị xác định bồi thường của các cá nhân dựa theo hành vi vi phạm của các bị cáo và HĐXX sẽ quyết định mức bồi thường cụ thể. CBBank không có ý kiến mà chờ vào quyết định của HĐXX.

Cũng tại tòa sáng nay, khi được gọi lên thẩm vấn về khoản vay của Phạm Công Danh tại Sacombank, Trầm Bê trông gầy rạc đi so với những ngày đầu vụ án được đưa ra xét xử.

Bình luận (0)

Lên đầu trang