Xử lý các vướng mắc liên quan nhà máy thép 52.000 tỷ đồng

Thứ Năm, 05/12/2019 08:39  | Hoàng Quân

|

(CAO) Người dân Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi) nhiều lần phản ứng tình trạng bụi, tiếng ồn, chậm tái định cư (TĐC) đối với chủ đầu tư nhà máy thép 52.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư lên tiếng về sự việc.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có vốn đầu tư lớn nhất Quảng Ngãi đến thời điểm này, nên vấn đề xây dựng, giải phóng mặt bằng (GPMB), tác động và xử lý môi trường, tái định cư rất được tỉnh, nhân dân quan tâm.

Bên trong Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi)

Có hơn 160ha, liên quan đến hơn 2.800 người dân 2 xã Bình Thuận và Bình Đông ảnh hưởng bởi DA. Hiện DA đã hoàn thành giai đoạn 1, đang có hơn 8.000 lao động làm việc, trong đó gần 80% là người địa phương.

Ngày 4-12, trả lời câu hỏi báo chí vì sao chưa thực hiện TĐC đã thu hồi đất để thực hiện DA, ông Hồ Đức Thọ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết: “Là nhà máy công nghiệp nặng nên không tránh khỏi tác động đến đời sống người dân ở gần. Công ty đề nghị tỉnh tạo quỹ đất sạch để mở rộng phát triển công nghiệp và để TĐC cho người dân. Khi thực hiện TĐC, các bên đồng ý phương án di dời dân và Công ty cùng người dân thống nhất chọn địa điểm sau đó Công ty lập phương án TĐC. Việc triển khai TĐC thuộc trách nhiệm của nhà nước nên chúng tôi báo cáo lên tỉnh để có quyết định TĐC. Được biết sắp tới tỉnh có thông báo chính thức. Công ty có trách nhiệm bỏ vốn thực hiện và đã nộp 280 tỷ đồng để thực hiện GPMB cho công tác TĐC”.

Được biết, hiện vẫn chưa có khu TĐC, đô thị nào ở KKT Dung Quất hoàn thành để người dân trong diện di dời về ở.

Hai năm nay, nhiều lần, một số người dân “vây” phản ứng về tình trạng ô nhiễm môi trường (bụi, tiếng ồn), chậm bồi thường, TĐC; kiến nghị giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đất đai… Ông Thọ Lý giải: “Có nhiều chuyện không liên quan đến công ty nhưng bà con cũng phản ứng, bao vây vì nghĩ làm thế thì cơ quan chức năng mới xử lý cho bà con" (!?)..

Hiện giai đoạn 1 dự án có hơn 8.000 lao động làm việc gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi)

Nguyên do là DA tiếp quản lại đất từ một DA thép trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Tycoons (Đài Loan – Trung Quốc) được thực hiện từ năm 2006 trên 330ha đất. Năm 2008, Tập đoàn Tycoons hợp tác với Công ty TNHH Guang Lian (Quảng Liên) Steel Việt Nam, nâng số vốn lên 3,3 tỷ USD và năm 2012 liên danh với một tập đoàn của Nhật, nâng vốn thành 4,5 tỷ USD. Sau đó, các liên danh không thực hiện khiến UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi và cấp chủ trương cho Tập đoàn Hòa Phát.

Nhiều vấn đề bồi thường, GPMB, khiếu nại khiếu kiện của người dân có từ thời chủ đầu tư trước vẫn còn vướng mắc. Từ năm 2017 khi tiếp nhận khu đất, Tập đoàn Hòa Phát đầu tư DA và mở rộng thêm diện tích thành 400ha và gặp phải các vướng mắc do “vấn đề lịch sử” để lại.

Theo chủ đầu tư, DA áp dụng công nghệ lò cao khép kín, thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất than coke bằng công nghệ dập khô, thu hồi hết nhiệt và khí thải, tận dụng triệt để sản phẩm phụ để phát điện, phục vụ trở lại sản xuất...

Tuy nhiên, khi nhà máy chạy thử và hoạt động thì bà con phản ánh về ô nhiễm tiếng ồn và bụi. "Đối với nhà máy công nghiệp nặng và đang xây dựng hạ tầng, lắp đặt máy móc thiết bị thì điều này là không tránh khỏi nhưng công ty đã hạn chế thấp nhất", ông Thọ lý giải.

Một thiết bị "khủng" trong nhà máy

“Chúng tôi nghiêm túc thực hiện các kết quả quan trắc theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, ngoài định kỳ 3 tháng/lần và mỗi năm 2 lần thì tổ giám sát của Bộ TN&MT liên tục kiểm tra, giám sát. Riêng năm 2019, đoàn của Bộ TN&MT kiểm tra, giám sát gần 10 lần và các kết quả đều trong mức cho phép”, ông Thọ nói thêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang