2 người tử vong vì mưa lớn gây sạt lở đất ở Hà Giang

Thứ Ba, 21/07/2020 13:04

|

(CAO) Mưa lớn kéo dài từ đêm 19 đến rạng sáng 21/7, đã gây ngập lụt cục bộ và sạt lở đất khiến 2 người tử vong, một số tuyến đường bị chia cắt gây ảnh hưởng lớn đến giao thông và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Theo thông tin ban đầu, rạng sáng 21/7, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa to kéo dài đã làm thiệt hại đến nhiều hộ dân và các công trình giao thông.

Trong đó, nghiêm trọng nhất là khu vực thành phố Hà Giang, có nơi nước ngập sâu đến 1 mét. Nguy hiểm hơn, hiện tượng đất đá tràn theo nước mưa vào nhà dân, đặc biệt khi đêm khuya ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân.

Ngay sau khi nắm tình hình, tỉnh Hà Giang đã khẩn trương chỉ đạo các sở ngành, huy động lực lượng 4 tại chỗ để ứng cứu, di rời nhân dân đến nơi an toàn. Đồng thời lên các phương án đảm bảo giao thông thông suốt.

Mưa lớn gây lũ, khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt và cô lập.

Theo thống kê ban đầu, mưa lớn đã gây lũ ống kéo theo hàng nghìn m3 đất, đá chảy xuống vùi lấp một số công trình và nhà điều hành Nhà máy thủy điện Thái An, khiến nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn.

Ông Đỗ Tấn Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, trận mưa lớn đã gây ngập nặng tại nhiều điểm ở Hà Giang. Đáng chú ý, mưa lớn cũng làm sạt lở đất khiến 2 người ở huyện Hoàng Su Phì tử vong (2 mẹ con) và một người bị thương là anh Đặng Văn Đại (xã Túng Sán, Hoàng Su Phì) bị lũ cuốn trôi.

Người dân tích cực tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích vì sạt lở đất.

Sau khi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đề nghị các ngành chức năng và lãnh đạo Nhà máy thủy điện Thái An phối hợp thống kê tình hình thiệt hại, đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể. Huy động các lực lượng, phương tiện, máy móc nhanh chóng bắt bay vào việc khắc phục. Chú trọng các biện pháp đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Trước tình hình mưa còn có thể diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh cần theo dõi, bám sát tình hình thời tiết, khí hậu, không được lơ là, chủ quan; tổ chức trực nghiêm túc 24/24 giờ để xử lý thông tin kịp thời. Khi phát sinh các tình huống, thực hiện tốt phương án đã xây dựng và phương châm "4 tại chỗ" để xử lý trước mắt và cập nhật số liệu thiệt hại để báo cáo về tỉnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang