Bão không mạnh nhưng ngành điện thiệt hại nặng nhất trong 10 năm qua
Bão số 5 khiến Thừa Thiên – Huế có 408 cột điện bị gãy và đổ, trong đó 272 cột gãy, 136 cột bị đổ; 68 trụ bị nghiêng, sắp đổ. Trong 272 cột gãy, số cột ly tâm dự ứng lực có 30 cột (chiếm tỷ lệ 11%). Các sự cố điện ảnh hưởng hơn 280.000 khách hàng và 2.050 trạm biến áp... Ước tổn thất về điện 11,4 tỷ đồng.
Bão số 5 khiến ngành điện tại Thừa Thiên - Huế thiệt hại nặng.
Toàn tỉnh mất điện từ sáng 18-9. Tình trạng mất điện kéo dài (có nơi ngày thứ 5 vẫn chưa có điện như khu vực Xuân Hòa, P.Hương Long, TP.Huế, tính đến 16 giờ ngày 22-9) khiến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của hàng nghìn người dân đảo lộn, ảnh hưởng; nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất phải đóng cửa vì chưa có điện…
Bão đi qua, Công ty Điện lực (PC) Thừa Thiên - Huế huy động gần 500 kỹ sư, công nhân và 85 phương tiện làm việc cả ngày lẫn đêm để khắc phục sự cố.
Số cột điện hư hỏng tại Huế là nhiều nhất trong 10 năm lại đây, khiến nhiều người bàng hoàng, nghi ngại. Bản thân ông Hà Thanh Long - Giám đốc PC Thừa Thiên - Huế cho biết nguyên nhân: bão có cường độ không phải mạnh, có gió cấp 7-8 nhưng gió giật khó lường, gây ra các hiện tượng quăng, quật, giật, xoáy gây ngã đổ hàng loạt vật cản trên đường di chuyển của bão. Cột điện gãy là do lực xoắn chứ không phải lực nén.
Ngoài ra, do không lường trước khả năng chống chịu cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện khiến hệ thống cột bị hư hỏng rất nhiều. Một số cột ly tâm dự ứng lực bị gãy, đổ dù ở vị trí không có cây xanh đổ ngã vào. Ngành điện lực đang đánh giá lại chất lượng cột ly tâm dự ứng lực có thích hợp trong thời tiết gió bão.
Thừa Thiên - Huế đang sử dụng 2 loại cột điện gồm: cột thép đúc truyền thống và ly tâm dự ứng lực (còn gọi là cột điện ly tâm). Cột thép đúc truyền thống hay ly tâm dự ứng lực đều có lõi thép. Tuy nhiên, cột điện ly tâm có các sợi thép chịu lực được kéo giãn khi đúc tại nhà máy. Khi có lực tác động lớn làm gãy cột thì các sợi thép tụt vào bên trong khoảng 1cm nên nhìn không thấy. Cột điện ly tâm chịu lực tốt nhưng có đặc tính giòn. Cột đúc truyền thống dẻo.
Cột điện truyền thống có lõi sắt cỡ lớn nên khi bị tác động của ngoại lực thì sẽ cong oằn theo các thanh sắt ở khối bê tông, ít gãy đứt lìa.
Khi bị tác động ngoại lực mạnh, cột ly tâm sẽ đứt gãy lìa. Cột điện truyền thống có lõi sắt cỡ lớn nên khi bị tác động của ngoại lực thì sẽ cong oằn theo các thanh sắt ở khối bê tông, ít gãy đứt lìa. Với những đặc tính trên và giá thành rẻ hơn từ 5-10% nên từ năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo hầu hết tỉnh, thành đều sử dụng cột điện ly tâm.
Đủ quy trình, thẩm định, thiết kế nhưng thiệt hại không tưởng
Điều đáng nói, theo thiết kế thì cột điện ly tâm chịu được sức gió giật trên cấp 12, có khả năng chịu gấp đôi lực dự kiến tác động thực tế. Tuy nhiên, bão số 5 suy yếu nên Huế mới chỉ ảnh hưởng của bão, gió mới cấp 8 nhưng cột điện gãy, đổ nhiều đến không tưởng. Nhiều cột điện gãy đổ không phải do cây ngã đè lên.
Ông Hà Thanh Long cho biết, cột điện dự ứng lực được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 5847:2016. Trước khi xuất xưởng, sản phẩm này đã qua thí nghiệm về lực ứng xuất, thí nghiệm chịu đựng, phá hủy và được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định và Bộ KH&CN công bố, đóng dấu TCVN. Trước khi đưa cột điện dự ứng lực vào sử dụng đại trà, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã nghiên cứu, đánh giá chất lượng đảm bảo. Cột xuất xưởng tại nơi sản xuất được thử nghiệm chặt chẽ với 2 nội dung là thử nghiệm chịu lực và thử nghiệm phá hủy thì mới được đóng dấu TCVN.
Ông Hà Thanh Long - Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế.
Việc chọn nhà sản xuất cũng được thực hiện qua việc đấu thầu công khai. Quá trình lắp đặt cũng đúng theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Công ty mua loại cột điện từ nhiều địa phương: Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… và được cung cấp bởi các đơn vị trúng thầu. Công ty đã làm chặt chẽ từ khâu mời thầu, xét thầu cho đến thử nghiệm, thi công…
Tuy nhiên, bão số 5 có gió mạnh cấp 7-8 làm gãy cột điện là không thể chấp nhận được. Người dân nghi ngờ về chất lượng, kỹ thuật thì cũng có lý. Vấn đề bây giờ là cần phải có sự đánh giá lại của hội đồng khoa học để có cái nhìn chính xác.
Theo Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), ảnh hưởng của bão số 5 khiến gần 500 cột điện từ Quảng Bình đến Đà Nẵng bị gãy, đổ. Các địa phương này đều sử dụng cột thép đúc truyền thống và cột ly tâm.
EVN đã chỉ đạo EVNCPC, các ban chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc đánh giá, tìm nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến cột điện gãy đổ hàng loạt dù bão không lớn, gió nhẹ hơn cấp 12; đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đánh giá lại việc sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực; dừng đưa vào sử dụng loại cột này để đánh giá lại xem việc sử dụng nó có phù hợp ở khu vực thường xuyên có bão như các tỉnh miền Trung.
Cột điện gãy, đổ đè vào mái nhà người dân tại Thừa Thiên - Huế.
Công nhân khắc phục lại đường dây điện bị hư hỏng trên đường Lê Duẩn (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).