TP.HCM: Các bệnh viện vào cuộc 'nói không với chất thải nhựa'

Thứ Sáu, 27/09/2019 10:41  | Ngô Đồng

|

(CAO) Dùng túi giấy đựng thuốc, ly uống bằng giấy, danh mục đấu thầu, mua sắm nói không với bao bì, túi ni lông... các bệnh viện (BV) ở TP.HCM đang từng bước thân thiện với môi trường, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng và chỉ thị của Bộ Y tế.

Do đặc thù của ngành nên chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế rất đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn. Rác thải nhựa không chỉ là bơm kim tiêm, các bao bì, lọ nhựa đựng thuốc, dịch truyền mà còn là túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần để đựng thức ăn, nước uống cho người bệnh và thân nhân.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, BS. Nguyễn Tri Thức, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, với khoảng 4.000 nhân viên y tế, gần 3.000 bệnh nhân nội trú cùng số lượng lớn thân nhân và khoảng 5.000 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh mỗi ngày... nên số lượng chất thải nhựa tại BV khá lớn, trung bình mỗi ngày khoảng 8 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó bao bì ni lông, sản phẩm nhựa dùng 1 lần khó phân hủy chiếm một lượng rất lớn.

Do đó, việc giảm thiểu chất thải nhựa sử dụng hằng ngày tại BV thực sự là rất cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường sống. Từ vài tháng qua, BV Chợ Rẫy đã triển khai thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong bệnh viện. Các nhà thuốc của BV đã đồng loạt đưa vào sử dụng túi đựng thuốc bằng giấy, thay thế cho túi ni lông. Điều này mang lại sự đổi thay đặc biệt trong bối cảnh thói quen sử dụng túi ni lông của người bệnh ngày càng phổ biến.

"Khi thực hiện cam kết 'giảm thiểu chất thải nhựa' trong BV, điều khó khăn nhất vẫn là thay đổi thói quen của người dân. Khi đi thăm khám, nuôi bệnh có thể họ mang theo đủ thứ túi, chai lọ đựng nước, thức ăn... nhưng BV chỉ có thể tuyên truyền về ý thức, chứ không thể nghiêm cấm họ sử dụng.

Do đó, để thay đổi ý thức của thân nhân, bệnh nhân cần quá trình lâu dài. Còn riêng với nhân viên y tế, tôi nghĩ việc thực hiện không khó khi đã có quy định", BS. Thức chia sẻ.

Để thực hiện việc 'giảm thiểu chất thải nhựa" trong BV mang tính hiệu quả và lâu dài, sáng 27-9, BV Chợ Rẫy cũng đã tiến hành lễ phát động và ký cam kết "Giảm thiểu chất thải nhựa". Ảnh: NĐ

Không chỉ túi đựng thuốc, người đứng đầu bệnh viện yêu cầu các lãnh đạo khoa, phòng hạn chế và tiến tới không sử dụng nước uống đóng chai một lần, các loại ống hút nhựa trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện tổ chức tại đơn vị.

Tại nhà ăn, cửa hàng bách hóa, tiện lợi... trong BV được khuyến cáo hạn chế cấp phát bao bì, túi ni lông cho nhân viên y tế và thân nhân người bệnh. Các chai nước suối tiện lợi, ly nhựa, ống hút, hộp xốp... đang dần biến mất tại bệnh viện.

Để hạn chế tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa, BV cũng quyết định không đưa vào danh mục đấu thầu, mua sắm các loại bao bì, túi ni lông (ngoại trừ bao ni lông đựng rác theo quy định của Bộ Y tế). Các khoa chuyển sang sử dụng các sản phẩm có công dụng tương đương, làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, vải.

Để thực hiện việc giảm thiểu chất thải nhựa mang tính hiệu quả và lâu dài, sáng 27-9, BV Chợ Rẫy cũng đã tiến hành lễ phát động và ký cam kết "Giảm thiểu chất thải nhựa trong BV". Tuyên truyền, kêu gọi toàn thể nhân viên và đối tác của BV cam kết thực hiện và lập kế hoạch triển khai cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Lãnh đạo BV Chợ Rẫy cũng kêu gọi người bệnh, thân nhân người bệnh hằng ngày không sử dụng hộp xốp, hộp nhựa đựng thực phẩm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không chỉ BV Chợ Rẫy, việc "giảm thiểu chất thải nhựa" cũng đang được các BV lớn khác tại TP.HCM triển khai thực hiện như: BV Bình Dân, BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV Nhân dân 115, BV Nhi Đồng Thành Phố,...

Còn trên phạm vi toàn quốc, theo Bộ Y tế, đến nay tất cả Sở Y tế của 63 tỉnh thành cả nước đã cam kết giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Do đặc thù của ngành nên chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế rất đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn. Ảnh minh họa

Theo Bộ Y tế, cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú. Khi vào bệnh viện, bệnh nhân thường đi kèm theo 1-2 người nhà, cho nên lượng rác thải từ bệnh nhân và người nhà cùng với rác thải liên quan đến y tế rất lớn.

Số liệu báo cáo của các Sở Y tế và BV trực thuộc Bộ Y tế cho thấy, tổng lượng chất thải y tế nguy hại trung bình mỗi năm khoảng 21.300 tấn, trong đó lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là trên 21.100 tấn (chiếm 99,1%).

Các nhà thuốc đã bắt đầu đựng thuốc cho bệnh nhân trong túi giấy. Ảnh: CTV
Bệnh viện Quận Thủ Đức phát động phân loại rác tại nguồn để góp phần bảo vệ môi trường.

Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải, và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hằng năm, tổng cộng khoảng 4,8-12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương. Hơn một nửa trong số này là rác thải nhựa từ các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Bộ Y tế đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần. Đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phải ký cam kết với Bộ trưởng trong việc giảm thiểu chất thải nhựa. Từng giám đốc ký với các trưởng khoa đơn vị, từng trưởng khoa đơn vị ký cam kết với nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng... hạn chế tối đa các dụng cụ nhựa dùng một lần.

Các bộ phận mua sắm các dụng cụ, thiết bị y tế, có cam kết nguồn vào, phê duyệt lệnh đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phải hạn chế tối đa các dụng cụ nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy. Chỉ trừ những sản phẩm không thể thay thế được bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; còn lại các sản phẩm y tế, sinh hoạt đều phải giảm thiểu tối đa và tiến tới không dùng các sản phẩm nhựa một lần trong y tế.

Từ tín hiệu 'giảm thiểu chất thải nhựa', thói quen sử dụng đồ nhựa của nhân viên y tế và người bệnh cũng dần thay đổi và tiến tới là 'nói không với chất thải nhựa'.

Mất 500 năm một túi nilon mới bị phân hủy
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang