Cái chết ‘rình rập’ nơi cầu phao xập xệ trên dòng sông Gianh

Thứ Năm, 07/07/2016 05:33

|

(CAO) Với chiều dài khoảng 200m, rộng 2m, được ghép thành bởi các thanh gỗ, tre, dây thép cùng với các thùng phuy nhựa, cây cầu phao tự chế này là con đường lưu thông duy nhất của hơn một nghìn hộ dân “ốc đảo” thôn Thuận Hòa (xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch).

Dùng thau làm phao bơi qua sông, học sinh lớp 4 chết đuối

Chúng tôi đến thôn Thuận Hòa (xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch) vào một buổi sáng mùa hè oi bức. Con đường duy nhất đi vào thôn là một cây cầu phao tự chế, đong đưa cùng dòng nước sông Gianh.

Đi trên cầu mới cảm nhận được hết sự nguy hiểm của chiếc cầu phao này, chiếc xe máy cứ đung đưa, dập dềnh theo gió tạo nên những con sóng nhỏ trên mặt nước dòng Gianh…một cảm giác lâng lâng, chao đảo cho những người mới lần đầu đi qua đây.

Chiếc cầu phao “tự chế” bắc qua dòng Gianh

Cây cầu phao này được bà con trong thôn Thuận Hòa chung tay, góp sức tạo thành từ hơn mười năm nay. Kết cấu của cây cầu là thùng phuy nhựa rồi lát ván ghỗ lên trên mặt và lấy dây thừng chằng lại. Theo quan sát bằng mắt thường, dây cáp một bên của cầu đã đứt, từng tấm ván gỗ trên bề mặt mục nát, lan can cầu là những thanh gỗ tre buộc đơn sơ bằng những sợi thép đã hoen rỉ. Nguy hiểm là vậy, nhưng hàng ngày chiếc cầu phao tự chế này là tuyến đường lưu thông, mưa sinh duy nhất của hơn một nghìn hộ dân “ốc đảo” thôn Thuận Hòa.

Một số bà con sinh sống trong thôn cho biết, trước đây phương tiện đi lại duy nhất là những chuyến đò ngang. Nhưng nhận thấy sự nguy hiểm luôn rình rập của loại hình giao thông này nên bà con mới chung tay, góp sức tạo nên cây cầu này. Tuy nhiên, đến mùa bão, lũ thì chiếc cầu phao này không chống chịu nổi với những dòng nước hung dữ nên được kéo lên, có năm chưa kịp kéo đã bị nước lũ cuốn trôi.

Ông Nguyễn Lưu (70 tuổi, thôn Thuận Hòa) cho biết: “ Đứng trước những nguy hiểm rình rập, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những chuyến đò ngang. Năm 2003, bà con trong thôn đã họp bàn, thống nhất làm cầu để qua sông bớt nguy hiểm hơn. Nhưng trận lũ năm 2007 đã cuốn trôi cầu, bà con làm lại chưa được bao lâu thì trận bão năm 2013 đã làm hư hỏng cầu nặng nề. Vậy nên, bà con thống nhất làm cầu phao”.

Nguy hiểm của bà con thôn Thuận Hòa khi qua sông

Ngoài ra, ông Lưu còn cho biết, đã có nhiều vụ tai nạn khiến cả người và xe đạp hoặc xe máy lao xuống sông khi qua cầu. Có những lúc lúc tháo cầu phao thì toàn bộ bà con ở thôn Thuận Hòa bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, đặc biệt con em học sinh trong thôn phải nghỉ học, mọi giao lưu thông thương với các vùng lân cận bị ngưng trệ hoàn toàn.

Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, ông Trần Văn Tiến (Chủ tịch UBND xã Quảng Trường) cho hay “Thôn Thuận Hòa có 200 hộ với hơn một nghìn nhân khẩu, bị bao bọc giữ bốn bề sông nước nên việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa bảo lũ. Đứng trước tình hình đó các cấp lãnh đạo huyện, xã đã bàn bạc thống nhất huy động các hộ trong thôn chung tay góp sức cùng với kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng của huyện để làm cây cầu tạm này cho bà con trong thôn đi lại. Chính quyền và bà con nơi đây mong có một cây cầu kiên cố để thuận lợi và gặp ít bất trắc nhất trong việc đi lại.”

Được biết, vừa qua Sở GTVT tỉnh Quảng Bình và nhiều đơn vị có liên quan tiến hành đo đạc, khảo sát đưa cây cầu vào diện cần phải thay thế, kịp thời đầu tư. Tuy nhiên, việc xây cầu còn phụ thuộc vào quá trình đánh giá nguồn vốn, kinh phí.

Hiện bà con trong thôn Thuận Hòa rất mong các cấp chính quyền sở tại quan tâm, tiến hành xây một cây cầu kiên cố để mọi người dân nơi đây yên tâm trong việc đi lại, thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang