Cuộc ‘cách mạng’ ở Nam Trà My từ sâm Ngọc Linh

Chủ Nhật, 18/02/2018 10:14  | Hoàng Quân

|

(CAO) Từ khi sâm Ngọc Linh đắt hơn vàng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) thuộc top 62 huyện nghèo nhất nước đã thay đổi chóng mặt. Cuộc “cách mạng” về kinh tế từ sâm đã làm hàng trăm người thoát nghèo, hàng chục người nghèo trở thành tỷ phú.

Đi chợ sâm – Sản phẩm đắt hơn vàng

Nam Trà My cuối năm cũ, dòng người chen chúc đổ về Hội chợ sâm ở thị trấn Tắk Pỏ. Hàng chục gian hàng bày bán sâm củ Ngọc Linh (sâm Việt Nam) và các loại dược liệu là “đặc sản” ở miền núi như quế, sâm nam, sâm quy, giảo cổ lam, sơn trà,… Người đi xem, mua bán tấp nập, tiền mệnh giá lớn được giao dịch tại chỗ. Ai trả giá thì các chủ hàng giữ kiên định, không bớt một đồng.

Chị Ngô Thị Minh Thùy – một người kinh doanh sâm Ngọc Linh

Các gian hàng của Nguyễn Thị Huỳnh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Huỳnh Sâm hay của chị Ngô Thị Minh Thùy (thôn 2, thị trấn Tắk Pỏ) rất đông người. Khách chỉ tay vào mấy củ sâm (nặng 0,7kg) còn tươi rói hỏi giá, chị Thùy bảo: “Mỗi cân sâm loại này giá 60 triệu đồng, 7 lạng là 56 triệu đồng”. Khách đề nghị bớt 1 triệu đồng, chị Thùy nói chắc nịch: “Đây là giá niêm yết, em không bớt được”.

Được một số cán bộ huyện, ban quản lý chợ đi đến tư vấn, khẳng định sâm Ngọc Linh thật, khách yên tâm mua. Lãnh đạo UBND huyện đã khẳng định: “Sâm Ngọc Linh ở đây là thật. Nếu khách mua phải hàng giả thì huyện sẵn sàng trả lại toàn bộ tiền và kiên quyết xác minh, điều ra để xử lý người buôn bán sâm giả”.

Khách xem sâm và các sản phẩm sâm Ngọc Linh tại phiên chợ sâm

Để đảm bảo chất lượng sâm, UBND huyện Nam Trà My thành lập Ban tổ chức phiên chợ, Tổ tư vấn thẩm định luôn túc trực. Phiên chợ sâm đầu tháng 12-2017 bán được gần 30kg sâm, thu về gần 2,7 tỷ đồng và sau 3 phiên chợ là hơn 10 tỷ đồng. Sâm Ngọc Linh ngoài củ thì còn nhiều bộ phận rất có giá trị như hạt, lá. Hạt sâm được ví là “hạt vàng” bởi giá bán rất cao, bình quân mỗi hạt giống 100 nghìn đồng. Cây sâm giống 1 năm tuổi có giá 250 – 300 nghìn đồng. Lá sâm không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu thị trường. Bình quân mỗi gốc sâm 3 – 4 tuổi cho thu nhập chỉ riêng lá và hạt cũng từ 15 - 20 triệu đồng mỗi năm.

Các phiên chợ sâm đã khẳng định vị thế, thương hiệu của sâm; tạo môi trường buôn bán ổn định; cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh sản xuất và tiêu thụ sâm. Qua đó, người dân, các cơ sở làng nghề, các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trao đổi trong sản xuất kinh doanh, đưa sâm Ngọc Linh xứng tầm với dược liệu quý hiếm trên thế giới.

Việc mang sâm đi “đánh xứ người” đã được Nam Trà My chú trọng khi bán hàng ra nước ngoài, hợp tác với các thủ phủ sâm ở một số nước trên thế giới như Canada, Mỹ, Nga. Nam Trà My hợp tác với quận HamYang – thủ phủ sâm Hàn Quốc để trao đổi, học tập kinh nghiệm, cùng nhau đưa thương hiệu hai loại sâm của 2 nước nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới. Ông Bửu khẳng định, sâm Việt Nam đang dần khẳng định thương hiệu, được ưa chuộng và chỉ thời gian ngắn nữa có thể sánh với sâm Triều Tiên, sâm Hàn Quốc.

Cuộc “cách mạng” kinh tế từ sâm quý

Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My là người đầu tàu trong cuộc “cách mạng” phát triển sâm Ngọc Linh. Như các lãnh đạo khác luôn trăn trở, nỗ lực để Nam Trà My thoát khỏi nghèo đói, từ khi là người đứng đầu chính quyền huyện (năm 2014), ông Bửu mạnh dạn đề xuất ý tưởng và chỉ đạo, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế. Một trong những điều đó là thúc đẩy phát triển sâm, cả về số lượng và chất lượng.

Năm 2014, toàn huyện có 110 hộ (ở xã Trà Linh) trồng sâm với 65ha thì nay có hơn 900 hộ của 8/10 xã với 1.200ha. Các hộ vay tín dụng để trồng sâm với hơn 50 tỷ đồng, nhiều hộ xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm. Có 6 doanh nghiệp đăng ký trồng gần 100ha, chế biến sâm. Dự án phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh 9.000 tỷ đang được triển khai là tín hiệu đáng mừng đối với Nam Trà My.

- Ảnh:
Chị Nguyễn Thị Huỳnh – Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Sâm cùng cây sâm, gian hàng sâm Ngọc Linh

Ông Bửu cho biết: “Khi thúc đẩy vùng sâm thì đời sống của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng thay đổi chóng mặt. Từ tỷ lệ hơn 82% hộ nghèo thì nay Nam Trà My giảm còn 65%; hàng trăm hộ thoát nghèo, hàng chục người thành tỷ phú mà 3 – 4 năm về trước là hộ nghèo”.

Bước ngoặt của cuộc “cách mạng” là từ ngày 11-9-2015, Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030. Ngày 5-6-2017, Thủ Tướng Chính phủ ký quyết định công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Từ đây, Nam Trà My hình thành được vùng sâm nguyên liệu ổn định, giá trị của sâm được nâng cao. Từ năm 2014 về trước, mỗi kg sâm chỉ từ 10 – 20 triệu đồng thì sau 3 năm tăng chóng mặt: 70 – 100 triệu đồng, sâm củ 2 lạng từ 150 – 200 trăm triệu đồng/kg.

Bình quân mỗi ha trồng sâm sau 5 năm có thể thu 50 – 70 tỷ đồng. Giá mỗi cây sâm giống 1 năm tuổi từ 50 nghìn đồng tăng lên 300 nghìn đồng. Tỉnh Quảng Nam đang xúc tiến bổ sung quy hoạch du lịch vùng sâm, du lịch đỉnh Ngọc Linh, làm văn hoá sâm để chú trọng kinh doanh dịch vụ về sâm.

Mạnh tay với nạn sâm giả

Lợi ích, giá trị từ sâm rất lớn nên không tránh khỏi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trộm cắp, sâm giả. Nhiều hộ đã đầu tư hệ thống bảo vệ vườn sâm trị giá hàng tỷ đồng. Vấn đề sâm giả cản trở sự phát triển, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao thương buôn bán của bà con vùng sâm.

Một người dân cùng cây sâm

Trên thị trường hiện xuất hiện sâm giả được bán với giá như sâm Ngọc Linh cũng khiến chính quyền và các cơ quan chức năng “đau đầu”, người dân hoang mang. Trong khi, công tác kiểm định chất lượng sâm chỉ bằng mắt thường, kinh nghiệm, cảm nhận chủ quan của người dân và một số chuyên gia; chưa có thiết bị, máy móc hay công thức nào để xác định sâm Ngọc Linh thật, chưa có tem chống hàng giả, hàng nhái,...

Vì vậy, công tác tuyên truyền, phòng ngừa nâng cao ý thức người dân về trồng, buôn bán sâm Ngọc Linh được chú trọng hàng đầu. Việc thành lập các tổ tư vấn, kiểm định chất lượng sâm và khuyến cáo bà con giao thương ở chợ sâm là những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, giữ uy tín cho người dân. Các tiểu thương khẳng định, người dân luôn chú trọng bảo vệ sâm Ngọc Linh, sản xuất và kinh doanh chính đáng, tẩy chay, tố giá những người buôn bán giả dối, thất tín,…

Để thực hiện cuộc “cách mạng” về sâm, thúc đẩy địa phương thoát nghèo, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là chính quyền và người dân đồng sức đồng lòng cùng bảo vệ, phát triển cả số lượng và chất lượng sâm Ngọc Linh quý và giá trị.

Ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh: “Cơ sở hạ tầng ở vùng sâm mặc dù đã được chú trọng đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa tương xứng. Ở xã Trà Linh có hàng chục tỷ phú nhưng vẫn là xã nghèo vì hệ thống hạ tầng còn khó khăn, xa trung tâm huyện, địa hình, thời tiết khắc nghiệt. Tương lai 5 – 7 năm nữa, đường sá, điện ở vùng sâm được đầy đủ thì chắc chắc sẽ khai phá văn minh, giúp bà con thoát nghèo”.

Củ sâm Ngọc Linh có giá trị cao, bình quân từ 70 – 100 triệu đồng mỗi kg

Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý thứ 20 trên thế giới, chủ yếu trồng ở dãy núi Ngọc Linh thuộc các huyện Nam Trà My (Quảng Nam), huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông (Kon Tum). Theo kết quả của Bộ Y tế, phần thân, rễ của sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponint (như sâm Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật,…) và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác.

Sâm Ngọc Linh có 17 axít amin, 20 chất khoáng vi lượng và 0,1% tinh dầu. Sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress, trầm cảm, kích thích hệ miễn; chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan; giúp con người cải thiện thể lực, suy nhược thần kinh, suy nhược sinh dục; giúp ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp… Trước khi các nhà khoa học phát hiện ra tác dụng của sâm Ngọc Linh thì đồng bào ở miền núi sử dụng để chữa bệnh cổ truyền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang