Hàng trăm bao tải bỏ xác vịt chết trôi trên sông Đà Rằng

Thứ Sáu, 19/02/2016 12:22  | Tường Vân

|

(CAO) Ngày 19-2, nguồn tin từ Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho hay đơn vị này đang cho cán bộ chuyên môn kết hợp với Trạm Thú y TP Tuy Hòa (Phú Yên) kiểm tra việc người dân phản ánh có hàng trăm xác vịt chết trôi trên sông Đà Rằng.

Trước đó, một số người dân đang canh tác trên các soi cát trên sông Đà Rằng phản ánh mấy ngày qua, họ phát hiện thấy hàng trăm xác vịt chết trôi nổi trên sông Đà Rằng đoạn từ phía nam cầu Hùng Vương đến cầu Đà Rằng cũ.

Xác vịt chết được bỏ vào các bao tải, thả trôi đầy trên sông; một số bao tải bị buộc lỏng lẻo nên xác vịt tràn cả ra ngoài, trôi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối cả một khúc sông. Điều người dân lo ngại là vịt chết hàng loạt có thể do nhiễm bệnh cúm A H5N1 và loại vi rút cúm này có thể lây lan, gây hại cho gia cầm và cả người dân trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Lâm, một người dân phường Phú Lâm đang canh tác trên soi cát thuộc sông Đà Rằng, cho hay: “Buổi sáng, tôi ra ruộng làm thì phát hiện có nhiều bao tải trôi sông, mùi hôi thối thì bốc lên nồng nặc. Tò mò, tôi dùng cây sào dài, khều vật đó lại xem thì thấy đầy vịt chết”.

Theo nhiều người dân địa phương, trên sông Đà Rằng có nhiều đoạn cạn, người dân tận dụng làm nơi nuôi nhốt vịt đồng. Người dân nghi rằng vịt bị bệnh cúm, chết hàng loạt, họ không dám đem đi chôn, sợ người ta phát hiện nên cột bỏ bao trôi sông. Nhưng làm thế này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến rất nhiều người khác cũng sống phụ thuộc vào nguồn nước của đoạn sông này. Chưa kể, nước sông Đà Rằng còn là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng vạn hộ dân trong vùng.

Tiếp xúc với những người chăn vịt ở những bãi bồi ven sông đoạn bờ nam sông Đà Rằng, chúng tôi được biết, hiện tượng vịt chết xuất hiện ồ ạt vào những ngày gần đây. Nếu báo cáo với cơ quan chức năng, họ sợ sẽ không được phép nuôi vịt trên sông nữa nên làm liều thả trôi sông.

Nhận được tin báo, sáng 19-2, cán bộ Chi cục Thú y Phú Yên có mặt tại hiện trường, tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vịt chết.

Qua mổ khám bệnh tích ở những con vịt bị chết của hộ gian đình ông Nguyễn Tin, ở KP 5, P. Phú Thạnh, TP. Tuy Hòa, cho thấy vịt bệnh có đầu, cổ sưng tụ máu, tím bầm; xuất huyết điểm dày đặc trên cơ thể, xuất huyết, tụ máu trong cơ tim, ruột, màng treo ruột. Van tim, gan, tụy, thận xuất huyết…

Theo Bác sĩ Lê Hoàng Ngân, Trưởng phòng kỹ thuật, Chi cục Thú y Phú Yên thì dựa vào những dấu hiệu bệnh này, đàn vịt của gia đình ông Tin là bị bệnh dịch tả vịt và ghép với bệnh tụ huyết trùng. Những con việt chết này đã được cán bộ thú y gom lại và tiêu hủy.

Vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. - Ảnh: Tường Vân 

“Bệnh dịch tả vịt do vi rút gây ra nên chưa có thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu, nhưng trong trường hợp đàn vịt bị phát bệnh cần phải tiêu hủy ngay các con vịt ốm, chết (chôn xác vịt cùng với vôi bột). Cách ly đàn vịt khỏe mạnh sang khu vực khác, tiến hành phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, tiêm vắc xin dịch tả vịt liều gấp 2 lần cho đàn vịt. Kết hợp cho uống kháng sinh Cali –Terravet 2g/lít nước cho uống, liên tục 1-2 ngày và bổ sung các vitamin, điện giải vào nước ngăn ngừa các bệnh kế phát”, Chi cục Thú y Phú Yên, khuyến cáo.

Theo quan sát của chúng tôi, vịt chăn nuôi được người dân thả chủ yếu ra sông Đà Rằng, không có bất cứ một dụng cụ che chắn nào. Hình thức nuôi thả này ít nhiều sẽ tạo điều kiện phát tán mầm bệnh, khó khống chế khi có dịch xảy ra.

Chính bởi đàn vịt luôn tăng nhanh số lượng và thường xuyên di chuyển trên sông từ đoạn sông này sang đoạn sông khác, nên không chỉ lực lượng thú y mà chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát được mỗi khi có dịch bệnh xảy ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang