Điều kỳ diệu tại mái nhà điên:

Kỳ 2: Bài thuốc chữa khỏi bệnh tâm thần của hai vợ chồng 'điên'

Thứ Bảy, 26/09/2015 08:35  | Kim Đồng

|

(CAO) Hàng trăm người điên được Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức nuôi dưỡng, từ hung dữ nay trở nên hiền lành, thân thiện và biết nghe lời.

Điều đáng nói, ngoài một loại dược lý hướng tâm thần giúp dễ ngủ, ông Thu và bà Tươi không sử dụng bất cứ loại thuốc nào để điều trị, nhưng các bệnh nhân tâm thần đến đây vẫn khỏi bệnh.

Những câu chuyện có thật

Khoảng 11 giờ trưa, tại Cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân Trọng Đức chúng tôi ngạc nhiên khi chứng kiến hàng trăm người điên ở đây lục tục ra bể nước rửa tay, rồi vào phòng ăn ngồi ngay ngắn như những đứa trẻ ngoan ngoãn khi nghe hiệu lệnh từ ông Thu, bà Tươi: “Tất cả các em đi ra rửa tay và xếp hàng trật tự vào nhà ăn”.

Từ một người điên hung hăng, dữ tợn như thú dữ la hết, đập phá, chửi bới thậm chí đánh nhau, cắn nhau… nay họ trở nên hiền lành, gần gũi và biết nghe lời một cách kỳ diệu.

Ông Bùi Văn Thu chỉ tay vào hàng trăm người điên đang ngồi ăn rồi cười lớn: “Các anh thấy đó, các em ở đây ngoan lắm, không hung dữ như người khác nghĩ đâu, ở nhà bướng bỉnh, hung hăng vậy chứ vào đây hiền như cục đất. Người điên ở đây sống như anh em một nhà, họ vui vẻ chơi đùa với nhau, không chửi bới, la hết, đánh nhau”.

Cũng theo ông Thu, Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức của ông chưa bao giờ có tình trạng những người điên đánh nhau phải nhập viện.

Ông Trần Xuân Hậu và con trai Trần Văn Huân bị điên nay đã khỏi gần như tám mươi phần trăm

Bà Nguyễn Thị Thanh (65 tuổi, quê ở Ninh Bình, là mẹ của bệnh nhân Đinh Duy Hải) chia sẻ: “Chẳng giấu gì các anh, thằng Hải hồi đó đi làm ở chợ đêm. Nhiều đêm thức trắng, nó trở nên hoang tưởng, nói nhảm, chạy nhảy lung tung, rồi bị điên nặng. Mỗi lần lên cơn, con lại la hét đập phá, đuổi đánh người. Nhiều lần nó cầm dao đuổi chém người nhà.

Mặc dù tôi đã chạy chữa nhiều nơi, từ bệnh viện đến thầy bói, thầy chùa… nhưng con vẫn không khỏi bệnh. Thế nhưng khi mới đầu đặt chân vô Cơ sở của chú Thu, tôi sợ nó sẽ đập phá, đánh nhau với những người điên trong đó, thế nhưng con tôi nó lại khác hẳn, không còn la hét, chửi bới, đuổi đánh ai. Tôi vui lắm”.

Cũng từ đó mỗi năm cứ hai, ba tháng là bà Thanh lại xin ở Cơ sở một đến hai tháng để phụ chăm sóc người điên. Và từ đầu tháng 5 tới giờ bà Thanh đã ở hẳn.

Chữa bệnh tâm thần bằng… lao động, ca hát

Hiện nay, cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân Trọng Đức của ông Thu, bà Tươi có hơn 400 người bệnh tâm thần nam nữ được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng miễn phí.

Ông Bùi Văn Thu cho biết: “Để duy trì được đến ngày hôm nay, chúng tôi đã trải qua một quá trình lao động bằng tất cả tình thương và lòng nhân ái dành cho các em.

Vào thời điểm khó khăn, vợ chồng tôi được các vựa gạo bán chịu không tính lãi, các vựa rau cho không lấy tiền, vật liệu xây dựng cũng mua chịu giá vốn. Đến khi có nguồn giúp đỡ tôi mới trả nợ dần. Mọi nguồn tài chính phục vụ bệnh nhân chủ yếu do các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các đoàn từ thiện giúp đỡ. Có gia đình tự nguyện nộp mỗi tháng vài trăm nghìn đồng, nhưng phần lớn là không đóng góp. Người thùng mì tôm, người ít nước mắm, xì dầu, bọt ngọt… chúng tôi gom góp đem nấu ăn chia đều cho các em.

Những gia đình người điên tìm đến Cơ sở không phải vì chúng tôi nuôi miễn phí, mà chủ yếu do bệnh nhân vào đây đều hết điên, không hết hoàn toàn thì đỡ bảy đến tám mươi phần trăm”.

Ông Thu Hát cho người điên nghe

Để một bệnh nhân tâm thần có thể khỏi bệnh, chúng tôi thầm nghĩ ông Thu và bà Tươi đã phải tốn rất nhiều tiền để mua thuốc thăng chữa trị. Thế nhưng khi hỏi về các loại thuốc mà ông cho các bệnh nhân tâm thần uống thì ông Thu nói: “Thuốc thang gì đâu, tôi chỉ cho các em uống một loại dược lý hướng tâm thần giúp dễ ngủ, chứ không sử dụng bất cứ loại thuốc nào để điều trị. Tôi chỉ nghĩ nơi này khí hậu mát mẻ, yên tĩnh rất thích hợp với bệnh nhân tâm thần”.

Ông Thu lý giải, một người bình thường khi ở những nơi nóng nực, đầu óc đang căng thẳng thường hay bực mình. Có câu nóng quá hóa điên, hết nóng thì hết điên. Đối với người điên cũng vậy, chỉ cần tập cho họ lao động, bắt đầu từ những công việc nhẹ nhàng đồng thời tập cho người điên đàn hát cho nhau nghe mỗi tuần hai buổi, khi hát họ rất vui, nhờ vậy thần kinh đỡ căng thẳng sẽ giúp cải tạo trí nhớ, khôi phục dần các năng lực, hành vi đã mất”.

Ông Nguyễn Huy Sâm (bố của bệnh nhân Nguyễn Huy Cường) được ông Thu, bà Tươi giao nhiệm vụ quản lý thuốc men. Ông Sâm cho biết: "Bản thân tôi có nắm kiến thức về y tế, cách dùng thuốc, sơ cấp cứu… tôi biết rõ viên thuốc mà Cơ sở dùng chỉ là viên Aminazin, một loại dược lý hướng tâm thần, không có vai trò quyết định trong điều trị. Theo tôi nghĩ cũng giống như ông Thu, nhờ sự chăm sóc tận tình, gần gũi thường xuyên với bệnh nhân, cùng điều kiện khí hậu hợp lý và cách tổ chức các hoạt động như lao động, ca hát…”.

Hàng ngày, người điên tại cơ sở được ông Thu, bà Tươi, ông Sâm… tập cho lao động, có người tỉa cây cảnh, người đào đất trồng cây, có người tưới cây… mọi công việc điều rất nhẹ nhàng.

Theo ông Thu đây là cách để tạo cho họ thói quen, giúp người điên nhớ từng công đoạn khi làm một việc gì đó.

Ông Thu chia sẻ: “Với những công việc nhẹ nhàng này, rồi đây khi các em khỏi bệnh. Bản thân tôi đang dự tính sẽ tạo lớp học nghề ngay trong cơ sở cho các em để mai này khi bước ra hòa nhập với xã hội các em có một công việc tự nuôi bản thân, đỡ gánh nặng cho gia đình”.

Chia tay ông Thu, bà Tươi, những người tự nguyện và hàng trăm người điên tại “mái nhà điên” chúng tôi rất cảm phục vì những gì họ dành trọn cho người điên. Đặc biệt, việc nhiều người điên khi sống tại cơ sở đã trở lại bình thường như một điều kỳ diệu.

Bình luận (1)

Thật cảm động qua bài viết của tác giã Kim Đồng .Ông Thu Bà Tươi có tấm lòng nhân hậu chửa trị bịnh cho người điên miễn phí , với nhiều khó khăn về kinh tế .Kính mong Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức có nhiều đoàn từ thiện .Cá nhân , Tổ chức giúp đở cho cơ sở TRỌNG ĐỨC .

Anh Bay - Thứ Bảy, 26/09/2015, 14:42 Trả lời | Thích
Lên đầu trang