Công nhân trước cơn "bão" thất nghiệp: Cầm cự qua cơn... bĩ cực (kỳ cuối)

Thứ Sáu, 16/12/2022 16:32  | Nam Anh

|

(CATP) Sau gần 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, những tưởng năm 2022 công ăn việc làm và thu nhập của người công nhân sẽ có một năm hưởng trọn niềm vui. Nhưng đến tháng 8 nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn khu vực Đông Nam Bộ ra thông báo cho hàng loạt người lao động nghỉ việc. Tình trạng cắt giảm lao động năm nay còn tệ hơn cả năm ngoái. Dịp cuối năm là thời điểm công nhân tăng ca liên tục để DN kịp giao hàng cho đối tác thì năm nay hàng loạt DN cắt giảm lao động...

Thất nghiệp vì không có đơn hàng

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết làm cho Công ty (Cty) Chang Shin Việt Nam, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết, từ tháng 8 đến nay Cty ít hàng, công nhân làm đến 16 giờ đã hết việc. Không được tăng ca nên thu nhập chỉ dừng lại ở mức 5 triệu đồng/người, chưa bằng nửa lương những năm trước (12 - 13 triệu đồng, nếu tăng ca liên tục). Trong khi đó, chồng chị Tuyết đã nghỉ việc, ra ngoài chạy hàng ở chợ buôn bán đắp đổi qua ngày. Nếu tình trạng này kéo dài thì cuối năm nay vợ chồng chị sẽ phải về quê Quảng Bình làm ở gần nhà, tuy lương thấp nhưng được gần con cái, không tốn tiền trọ, đỡ tốn kém hơn.

Theo chị Tuyết, thu nhập giảm trong khi giá cả sinh hoạt tại Đồng Nai khá đắt đỏ. Một mớ rau trước đây 5.000 - 6.000 đồng, nay lên 10.000 đồng. Thịt cá, trứng, sữa đều tăng giá. Một số công nhân đã nghỉ việc, chạy xe ôm, bán hàng online... để trang trải tiền trọ, tiền ăn, tiền gửi về quê lo học phí cho con. Cuối năm nhiều khoản chi tiêu, không khéo mất Tết. Nhiều tháng qua, vợ chồng chị Tuyết không sắm sửa quần áo, đồ dùng mới mà dành tiền cuối năm về quê thăm con.

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều DN trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai sẽ không có Tết vì cuối tháng 11 vừa qua, nhiều công nhân phải ký vào đơn chấm dứt hợp đồng lao động do Cty không còn đơn hàng để sản xuất. Anh Nguyễn Văn Hùng, 47 tuổi, làm việc tại Cty cổ phần Taekwang Vina - DN có 34.000 lao động tại KCN Biên Hòa 2 TP.Biên Hòa cho biết, buồn nhất là chỉ còn hơn tháng nữa là Tết Nguyên đán, được lĩnh lương tháng 13. Đùng một cái Cty cho nghỉ việc, không còn khoản trợ cấp nào. Công ty còn ít hàng tồn nhưng ai làm ngày nào tính tiền ngày đó, nhưng đến cuối tháng 12 cũng hết thôi. Giờ đi xin việc đâu có dễ, Cty chọn người trẻ rồi mới tới lượt người già như tôi.

Có việc làm trong thời điểm này là may mắn

Theo anh Hùng, gia đình anh đang nuôi ba đứa con ăn học, có đứa lớn đang học Đại học Nông Lâm TPHCM, tốn kém lắm. Không có thu nhập, tôi chưa biết xoay sở ra sao. Định đi bán hàng ngoài chợ nhưng kinh nghiệm không có, mối hàng cũng không. Trong khi đó, chị Trần Thu Hà, vợ anh làm công nhân may mặc cũng vừa nhận được thông báo dừng hợp đồng lao động. Theo đó, từ giờ tới Tết, anh chị chưa biết tìm công việc mới nào để trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hạnh làm việc ở Cty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam cho biết, cũng đang lo vì từ đầu năm tới nay Cty ít việc, lương giảm mạnh. Trước đây chị làm trong khoảng thời gian từ 19 - 20 giờ mới về, nay chỉ 16 - 17 giờ là hết việc. Trước đây công việc ổn định, tăng ca đều nên thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Nay không tăng ca, nghỉ luân phiên nên thu nhập giảm còn khoảng 3 - 4 triệu/tháng. Theo chị Hạnh, vợ chồng chị làm chung công ty nên tổng thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng, chi tiêu phải dè sẻn từng tí. Với thâm niên 6 năm đi làm, vợ chồng chị Hạnh không thể mạo hiểm nhảy việc lúc này mà chỉ mong Cty sớm có đơn hàng.

Trong những ngày đi tìm hiểu thực tế về đời sống của người công nhân, trung tuần tháng 12, chúng tôi bắt gặp nhóm công nhân của Cty Chang Shin không về nhà sau giờ tan ca như mọi khi, nán lại hùn tiền với nhau cùng ăn một bữa chia tay ngay trên vỉa hè đối diện Cty. Chị Nguyễn Thị Bích Liên, một công nhân cho biết, nhóm người gần 20 công nhân mỗi người hùn dăm ba chục ngàn, họ mua thịt gà, bắp xào, giò, uống với nhau vài ly rượu pha với nước ngọt... Bình thường vô xưởng làm xong là mệt lả mạnh ai nấy về, đâu có đi ăn chung bao giờ. Nay làm việc ngày cuối, rồi mỗi người mỗi ngả làm sao gặp nhau được nữa.

Vật giá leo thang khiến đời sống công nhân thêm phần khó khăn

Hàng trăm nghìn người tạm ngừng hoặc mất việc

Đến cuối quý 4-2022, một số DN lớn đã phải có phương án sắp xếp lại lao động. Từ đầu tháng 8 đến nay hàng trăm DN đã phải cắt giảm lao động. Một số DN có đông người lao động thì ra kế hoạch thỏa thuận giảm thời gian làm việc (không hưởng lương). Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, do ảnh hưởng của thị trường thế giới nên đơn hàng giảm, nhiều DN uộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng với công suất giảm từ 30 - 50% so với trước.

Tính đến ngày 14-12, toàn tỉnh Bình Dương có gần 40.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng và hơn 250.000 lao động bị cắt giảm giờ làm. Trong khi đó, tại TPHCM tính đến đầu tháng 12 đã có hơn 15 nghìn người mất việc phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số người bị mất việc 11 tháng đầu năm là gần 128.000 người. Con số này tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Đồng Nai cũng có hơn 57,8 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi con số này của cùng kỳ năm trước là 37 nghìn người và cao hơn số người thất nghiệp của năm 2020 là hơn 56 nghìn người.

Nói về khó khăn của DN, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina - doanh nghiệp có 34.000 lao động tại KCN Biên Hòa 2 cho biết, tình hình năm nay còn tệ hơn năm 2021. Đại dịch Covid-19 khiến DN thiếu lao động nhưng không thiếu đơn hàng, công nhân vẫn tăng ca, có tiền thưởng để đón Tết. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay DN gặp khó khăn khi giảm sút đơn hàng. Công ty đưa ra chính sách giảm bớt ngày làm việc của người lao động từ 5 - 7 ngày/tháng nhưng vẫn trả lương theo mức tối thiểu vùng. Công ty cũng duy trì các chế độ phúc lợi như lương thưởng Tết, tặng quà, tổ chức xe đưa đón công nhân ở miền Bắc và miền Trung về quê sum họp cùng gia đình.

Công nhân đi đăng ký lấy tiền bảo hiểm thất nghiệp

Theo khảo sát của chúng tôi, ngành da giày đang gặp không ít khó khăn và "khát" đơn hàng trong các tháng cuối năm. Các DN phải giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên 5 - 7 ngày trong tháng. Năm nay hàng loạt DN da giày, đồ gỗ, túi sách, điện tử, may mặc... mất hơn phân nửa đơn hàng. Cá biệt, có những DN không còn đơn hàng để sản xuất. Từ nay tới Tết Nguyên đán Cty cố gắng duy trì hoạt động nhưng dự kiến phải nghỉ Tết kéo dài hơn năm ngoái. Năm trước nghỉ 12 ngày, năm nay nghỉ Tết 1 - 2 tháng.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Kiều Văn Đồng, Công ty TNHH gỗ Lee Fu, TP.Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, DN có khoảng 1.700 lao động. Do việc kinh doanh khó khăn, không có đơn hàng nên gần đây Cty buộc phải hoãn tạm thời với người lao động. Năm ngoái Cty chỉ giảm khoảng 100 người nhưng đến nay con số này là hơn 1.000 người. Hiện nay, Cty còn khoảng 650 người nhưng cũng phải nghỉ việc luân phiên. Dù đã cắt giảm gần 60% lao động nhưng DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Công ty không đủ đơn hàng cho công nhân làm, phải hoạt động cầm chừng, thứ bảy hàng tuần công nhân nghỉ, đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều công nhân bức xúc cho rằng, Cty cho nghỉ việc vào thời điểm này là có chủ ý, muốn cắt tháng lương thứ 13 của họ. Bắt ký dừng hợp đồng nhưng không hỗ trợ, công nhân phải điền vào đơn theo mẫu có sẵn là đơn xin thôi việc thì mới được làm thủ tục nghỉ việc. Hoàn tất thủ tục nghỉ việc thì công nhân mới xin được việc ở nơi khác, chuyển tiếp đóng bảo hiểm. Chúng tôi phản đối nhưng công ty trả lời: dừng công việc có thể tháng 5-2023 mới hoạt động trở lại, nếu không ký đơn thì đợi đến sang năm làm tiếp. Công ty không đề cập gì đến khoản trợ cấp trong thời gian nghỉ, lấy gì chúng tôi sống?

Theo ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trong những quý đầu năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều DN thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... tiếp tục gặp khó khăn đến hết quý 1-2023, thậm chí là quý 2-2023, dẫn tới nhiều lao động bị thiếu, mất việc làm. Kéo theo đó, cuộc sống nhiều công nhân bị ảnh hưởng do thu nhập giảm sút. Nguyên nhân do các DN bị thiếu đơn hàng từ nước ngoài, chi phí đầu vào tăng cao, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn nắm chắc tình hình, chủ động đề nghị DN sớm có phương án nghỉ Tết Nguyên đán, trả lương, thưởng cho lao động dịp cuối năm. Đồng thời, công đoàn cần chủ động thương lượng với DN xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc nhằm hạn chế thấp nhất số người mất việc, nhất là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên, có hoàn cảnh khó khăn.

Công nhân trước cơn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang