Làm gì để quản lý, khai thác tốt du lịch mạo hiểm?

Thứ Năm, 02/03/2017 09:12  | Ngọc Hà

|

(CAO) Địa hình nước ta rất thích hợp cho việc phát triển các loại hình du lịch dã ngoại, mạo hiểm, như: đi bộ, leo núi, trượt thác, đua mô tô, xe đạp địa hình, lặn biển, nhảy dù, lướt ván… Nếu khai thác tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Vấn đề là các nhà quản lý, tổ chức ra sao?. Liệu ta có làm được hay không?

Lợi thế, tiềm năng

Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, hàng loạt danh thắng nổi tiếng thế giới như: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), động Phong Nha - Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), núi đá Đồng Văn (Hà Giang), đỉnh Phan-xi-păng (Sa Pa - Lào Cai), thác Bản Giốc (Cao Bằng), hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể (Thái Nguyên), núi Lang - Biang, thác 7 tầng, thác Datanla, thác Bảo Đại, Dray Sap (Tây Nguyên), hệ thống biển đảo, những khu rừng nguyên sinh nhiệt đới, Vườn quốc gia và nhiều tuyến đường có cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục… trải dài từ Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, nước ta có tiềm năng du lịch đa dạng và đang nổi lên là một điểm đến mới, hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều đoàn khách, khách lẻ ngoại quốc đến Việt Nam du lịch thám hiểm – mạo hiểm. Nắm bắt tình hình, nhiều doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch dã ngoại, mạo hiểm mọc lên như nấm sau mưa. Đáng nói, số lượng không đi cùng chất lượng mà làm theo kiểu… phong trào, mạnh ai nấy làm, không có định hướng.

Nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện tối đa đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, với khách ngoại quốc đến Việt Nam, nhằm quảng bá, thu hút khách, định hướng phát triển du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước. Tiềm năng lớn, lợi thế sẵn có, nhưng do chưa nhạy bén nắm bắt tình hình, nên khi du lịch dã ngoại ngoài trời, du lịch mạo hiểm bùng nổ; trong khi chúng ta còn đang loay hoay quản lý, tổ chức thì các nước trong khu vực, như: Malaysia, Thái Lan, Singapore… mặc dù địa hình, phong cảnh không phong phú bằng chúng ta, nhưng họ đã vượt lên, trở thành những địa chỉ uy tín đối với du khách quốc tế. Nếu không chuẩn bị tốt, khai thác tốt thì Việt Nam mất cơ hội.

Hiện Đà Lạt là địa phương có số công ty du lịch tổ chức các tour mạo hiểm nhiều nhất nước. Kế đến là Quảng Ninh, Quảng Bình, Nha Trang – Khánh Hòa, Bình Định... Song, dường như nhu cầu thì lớn, nhưng khả năng cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp còn hạn chế, bộc lộ nhiều lỗ hổng, yếu kém khiến các dịch vụ du lịch thám hiểm - mạo hiểm ở nước ta chưa ghi điểm được với du khách.

Đặc biệt sau 3 vụ tai nạn vì du lịch mạo hiểm khiến 6 người chết (trong đó có 5 khách ngoại quốc) do những công ty non kém thực hiện và do khách tự túc, đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín du lịch nước ta. Cần lấy đó làm bài học đắt giá để cải tiến tình hình.

Động Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới

Qua tìm hiểu của chúng tôi đối với cơ quan quản lý cấp nhà nước ở các địa phương, như UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL, Sở kế hoạch – Đầu tư và một số công ty tổ chức tuyến – tour du lịch mạo hiểm, được biết, đến nay, chưa có quy chuẩn chung cho loại hình du lịch mạo hiểm nên các doanh nghiệp đều tự tổ chức.

Mặt bằng chung về trình độ chuyên môn của chủ các doanh nghiệp – đơn vị tổ chức (về kiến thức nghiệp vụ, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch…) không đồng đều. Có những người am hiểu, tâm huyết với du lịch. Nhưng cũng có những chủ doanh nghiệp làm ăn kiểu chụp giựt, manh mún, tay ngang, thiếu khả năng tư duy tổ chức, không đảm bảo an toàn cho du khách.

Nhiều HDV không được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp. Việc hướng dẫn tour mạo hiểm hiện nay do các công ty tự tổ chức tour; các trang thiết bị phục vụ du lịch mạo hiểm cũng được nhập từ nước ngoài, mà chưa có đơn vị nào kiểm tra, kiểm chứng chất lượng. Bộ VH-TT-DL cần sớm có quy định cụ thể về việc này.

Được biết, mỗi tour canyoning (du lịch mạo hiểm) của các công ty uy tín thiết kế phục vụ khách, có giá từ vài chục USD/người đến vài trăm USD/người/tùy hành trình ngắn, dài. Anh Ngô Thùy Phúc – điều hành du lịch của Công ty Mạo hiểm Việt (số 9 Nguyễn Văn Trỗi, TP.Đà Lạt), cho biết: Để tổ chức một tuyến – tour du lịch, công ty chúng tôi có sự đầu tư rất lớn về con người (thuê chuyên gia nước ngoài về dạy hoặc đưa HDV đi nước ngoài tham gia các khóa huấn luyện), đầu tư trang thiết bị theo quy chuẩn quốc tế, phương tiện đi lại… nên giá thành dịch vụ khá cao. Tại Đà Lạt, bình quân 1 ngày khoảng 100 đến 150 du khách có nhu cầu tham gia tour, tuyến du lịch dã ngoại - mạo hiểm.

Hang Sơn Đoòng kỳ vĩ, mê hoặc

Lắng nghe ý kiến các nhà tổ chức

Theo ông Võ Đức Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Mạo hiểm Việt (địa chỉ 109 Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, TP.Đà Lạt và 62 Bà Triệu – Hội An): Nhu cầu khám phá thiên nhiên, thể hiện qua nhiều loại hình hoạt động khác nhau, là một nhu cầu khá phổ biến từ các du khách nước ngoài, đặc biệt từ các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc… Tuy nhiên, muốn biến các cảnh quan thiên nhiên thành sản phẩm du lịch dã ngoại đa dạng, đòi hỏi phải biết cách tổ chức.

Tùy theo địa hình thực tế, nhà tổ chức phải khảo sát, thiết kế thành hoạt động phù hợp mang tính khám phá, thử thách. Ví dụ như những tuyến du lịch địa hình qua vùng đồi núi, đi bộ xuyên rừng, leo núi, vượt thác... Mỗi loại hình cần sử dụng trang thiết bị phù hợp để tạo điều kiện vượt qua thử thách, nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Một tuyến – tour thiết kế hấp dẫn là một tuyến kết hợp giữa nhu cầu khám phá + thử thách vừa sức với khách + đảm bảo an toàn.

Cụ thể, hai yếu tố quan trọng để hình thành nên nhà tổ chức tour – tuyến phục vụ loại hình thể thao mạo hiểm, cần: phải có trang thiết bị chuyên dụng thích hợp theo chuẩn quốc tế, vì khách đa số là quốc tế và Việt Nam chưa phổ biến các loại thiết bị này; phải có đội ngũ nhân viên chuyên nhiệp. Chuyên nghiệp từ việc khảo sát, thiết kế tuyến đến nhân viên hướng dẫn. Mức độ chuyên nghiệp phải theo chuẩn quốc tế.

Theo ông Trung, đến nay, một số nước trong khu vực Đông Nam Á, như Singapore, Thái Lan và Malaisia có đào tạo và cấp chứng chỉ từ Hiệp hội leo núi… Công ty Mạo hiểm Việt đã nhiều lần mời các huấn luyện viên - chuyên gia nước ngoài về giảng dạy hoặc cử nhân viên công ty sang Singapore đào tạo. “Chúng tôi có đội ngũ HDV được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Phải bắt đầu học từ ngoại ngữ chuyên ngành đến các kỹ năng chuyên môn theo chuẩn quốc tế”.

“Hiện nay, vấn đề đặt ra là nhiều đơn vị theo nhau bắt chước mô hình này (kinh doanh du lịch mạo hiểm), trong khi chất lượng đội ngũ nhân viên không đồng đều, dẫn đến còn nhiều rủi ro trong khi hành nghề. Điều tai hại là khi rủi ro xảy ra đối với loại hình này thì ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng con người. Do vậy, ngành chức năng phải nhanh chóng nắm bắt các yêu cầu chuyên môn để làm tốt việc thẩm định tour, tuyến trước khi cho phép triển khai.

Tuyệt đối không cho phép việc triển khai qua loa, hình thức. UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định các việc phải làm đối với loại hình này: yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký tuyến – cơ quan chức năng thẩm định, cho phép đưa vào sử dụng – kiểm tra trong quá trình thực hiện – là một quy trình đúng, cần phải nghiêm khắc áp dụng. Đơn vị nào hoạt động khi chưa có kết quả thẩm định và văn bản cho phép cần có biện pháp chế tài nghiêm ngặt.

Nhiều khách quốc tế yêu thích thám hiểm du lịch ở Việt Nam

Cần xem trọng việc chế tài vì loại hình này rất đặc thù, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng của du khách. Ngược lại, khi đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện, cần thiết kế mẫu logo thích hợp (tựa như logo sản phẩm chất lượng cao) để đơn vị sử dụng trong quảng bá, giao dịch, phân biệt với đơn vị nào không có logo này là hoạt động trái phép.

Biết rằng hoạt động này còn mới, các cơ quan chức năng chưa theo kịp nhu cầu, nhưng cần nhanh chóng học hỏi, nắm bắt với sự hợp tác của những đơn vị có kinh nghiệm. Có khá nhiều việc phải tiến hành, nhưng triển khai đồng bộ sẽ giúp cho việc quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm ở Việt Nam ta hiệu quả” - ông Trung bày tỏ tâm huyết.

Cũng theo ông Võ Đức Trung, du lịch mạo hiểm là một phần của du lịch dã ngoại ngoài trời (bao gồm các môn: leo núi, vượt thác, đi xe đạp địa hình, đi bộ trong rừng, trượt tuyết, lướt ván… ). Trong những môn đó, hình thức nào có sự mạo hiểm thì đó là du lịch mạo hiểm.

Ở các nước, đây là chuyên ngành được đào tạo bài bản, vấn đề an toàn luôn đặt lên hàng đầu. Các nhà nghiên cứu, quản lý, điều hành quốc tế đã tổ chức, thiết kế các trang thiết bị phù hợp với các trò chơi. Vận động viên, HDV phải tham gia các khóa học kéo dài (từ vài tháng đến vài năm), được đào tạo trình độ chuyên môn một cách bài bản, chuyên nghiệp, được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp của các tổ chức, huấn luyện viên uy tín.

Địa hình Việt Nam phong phú, phù hợp để du khách ngoại quốc tham gia hầu hết các môn du lịch dã ngoại ngoài trời. Nước ta là một “mỏ vàng” để khai thác thế mạnh, tiềm năng môn du lịch này. Vấn đề còn lại chính là trách nhiệm, vai trò của các nhà quản lý.

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cho rằng: Không tốn nhiều kinh phí vào việc đầu tư – phát triển du lịch ở Việt Nam ta bởi du khách quốc tế rất thích thiên nhiên tự nhiên, vấn đề là an toàn phải đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt tours (TP.HCM) nhấn mạnh: “Để loại hình này phát triển, thu hút nhiều khách quốc tế đến thì nhà nước cần phải đặt ra các quy chuẩn, rà soát lại những đơn vị nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu thì phải đóng cửa, nhường “sân chơi” cho những doanh nghiệp uy tín, chất lượng. Vai trò quản lý nhà nước lâu nay bộc lộ nhiều điểm yếu, hoàn toàn bị động, để cho doanh nghiệp mạnh ai nấy làm”.

Được biết, Quảng Bình hiện là địa phương làm rất tốt, bài bản việc quản lý, khai thác du lịch dã ngoại ngoài trời – thám hiểm, mạo hiểm. Các địa phương cần nghiên cứu, học hỏi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang