Sài Gòn và ký ức của ông lão gần nửa thế kỉ viết thư tình

Chủ Nhật, 12/06/2016 10:58  | Ngô Đồng

|

(CAO) Vào khoảng 8 giờ sáng hàng ngày, người Sài Gòn lại thấy ông cụ mái đầu bạc phơ, với dáng người gầy gò đạp xe đạp cà tàng từ Thị Nghè về Bưu Điện TP... Ông mỉm cười chào những người bán bưu thiệp, rồi chậm rãi bước đến bàn làm việc của mình và chờ tiếp vị khách đầu tiên...

Ông lão đầu bạc ấy chính là ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn.

Ông Dương Văn Ngộ (86 tuổi) có gốc là người Hoa, sinh ra lớn lên ở Việt Nam. Trong những năm 1942, ông là cậu học trò nghèo hiếm hoi được nhận vào học ở trường Petrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong).

Ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn

Viết hàng vạn bức thư tay xuyên lục địa

Ông Ngộ cho biết đã gắn bó với nghề bưu chính từ khi 16 tuổi. Lúc đó, ông làm ở Bưu điện Thị Nghè.

Trở thành nhân viên chính thức của Bưu điện Sài Gòn năm 1948, ông bén duyên với nghề viết thư tay, dịch thư sang tiếng Anh và Pháp cho những vị khách đến từ rất nhiều nơi trên thế giới.

Những đôi guốc mộc mang hai chữ

Bàn làm việc của ông treo toòng teng biển "Nơi chỉ dẫn và viết giúp", trên bàn chất đầy giấy, bút mực, kính lúp, từ điển Anh - Pháp - Việt cùng nhiều sách địa lý về các vùng miền Việt Nam và các nước trên thế giới...

Tấm biển treo ngay góc bànl àm việc của ông Ngộ

Với bản tính kiên nhẫn, cẩn thận và vô cùng chăm chút cho câu từ, ông Ngộ được rất nhiều vị khách nước ngoài quý trọng và bày tỏ lòng ngưỡng mộ.

Ông còn được người thành phố nhắc đến với nhiều tên gọi như "người viết thư tình xuyên thế kỷ", "người nối thế giới bằng cây bút mực", "người giữ hồn cho những lá thư tay"...

Hơn nửa thế kỉ qua, ông đã viết hàng vạn bức thư tay

Đến nay, ông Ngộ đã có hơn nửa thế kỉ làm bưu tá, trong đó 30 năm viết thư thuê ở Bưu Điện TP. Tuổi nghỉ hưu đã qua lâu nhưng ông vẫn xin phép được tiếp tục làm việc. Ngày ngày, chiếc xe đạp cọc cạch chở “người viết thư tình xuyên thập kỷ” đến nơi làm việc đều đặn vào mỗi 8 giờ sáng.

Công việc của ông Dương Văn Ngộ gắn liền với Bưu điện

Suốt 30 năm trong nghề, ông Ngộ đã chứng kiến nhiều buồn vui của người đời và từng chắp cánh cho không ít cuộc hôn nhân... Hàng vạn bức thư tình của những người yêu gửi cho nhau đã từ Bưu điện Trung tâm Sài Gòn chuyển đến tận tay người nhận ở Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ…

Dù đã viết hàng vạn lá thư tay, nhưng ông bảo, mỗi khi viết cho khách xong là ông... quên hết.

"Nguyên tắc trong nghề, phải tuyệt đối giữ bí mật và quên ngay những gì mình vừa viết ra cho khách", ông bảo. Nên khi khách đi là ông không giữ lại bất cứ thông tin gì cả. Ông cũng không hỏi gì thêm về nhân thân, mối quan hệ thư từ của khách bởi ông cho rằng đó là những chuyện riêng tư, tò mò là không phải phép.

Người giữ lại hồn cho những lá thư

Khách du lịch nước ngoài tới đây không chỉ để để ngắm một trong những bưu điện cổ và đẹp nhất châu Á mà còn để được tận mắt chứng kiến công việc viết thư thuê của một nhân viên bưu điện về hưu, đúng như tiếng lành đồn xa.

Nhiều du khách khi tham quan Bưu điện TP đã bắt chuyện với ông và nhờ ông viết thư

Tuổi đã cao, tóc đã bạc, giọng nói đã yếu, nhỏ nhưng ngôn từ của ông Ngộ vẫn còn rất rõ ràng và tinh tường. Một tay cầm kính lúp soi kỹ từng câu chữ, tay kia hí hoáy viết. Cạnh bên, là những người khách vẫn nhẫn nại chờ đến lượt.

Ông bảo, ngày xưa, người ta giữ liên lạc, thăm hỏi nhau qua lại bằng thư tay. Giờ thì có điện thoại, internet, nhiều cách liên lạc quá nên hầu như chẳng còn ai gửi thư tay nữa. Thế nên giờ chủ yếu là ông chỉ dịch và viết bưu thiếp cho khách du lịch gửi tặng người thân, bạn bè,...

Ông Ngộ nhớ lại những năm tháng viết hàng vạn thư tay

Mỗi lần dịch thư, ông chỉ lấy 10.000 - 15.000 đồng, nhiều người ngỏ ý muốn cho thêm nhưng ông cương quyết không nhận vì ông không làm công việc này vì tiền mà chủ yếu là để giúp đỡ mọi người.

Cuộc đời của ông Ngộ gắn liền với Bưu điện TP. Ông chưa bao giờ đi đâu ra khỏi Việt Nam nhưng ông lại có nhiều bạn bè ở khắp năm châu.

Nhiều du khách khi tham quan Bưu điện TP đã bắt chuyện với ông, ông Ngộ trò chuyện với họ bằng tiếng bản xứ thành thạo, một số người sau khi về nước đã gửi thư đến Bưu điện TP để thăm hỏi sức khỏe của ông và trò chuyện cùng ông như những người bạn lâu năm.

Nhiều du khách nước ngoài thấy ông nhiệt tình, họ đã mua tặng ông những chiếc kính lúp để giúp ông đọc – viết, thay vì kính lão.

Dù con cháu dư sức nuôi ông nhưng hằng ngày ông vẫn đạp xe đến Bưu điện đi làm như một thói quen

Ông có 6 người con, cũng đã có cả cháu nội, ngoại và cháu cố. Các con đều có nghề nghiệp, thu nhập, cuộc sống ổn định, hầu như làm giáo viên. Dù con cháu dư sức nuôi ông nhưng hằng ngày ông vẫn đạp xe đến Bưu điện đi làm như một thói quen. Ông bảo chỉ muốn giữ lại hồn cho những cánh thư xuyên thế kỉ…

Sài Gòn vẫn tiếp tục ồn ã với những nhịp sống hối hả, phát triển với vẫn tốc chóng mặt của một thành phố trẻ đầy triển vọng. Nhưng đâu đó Sài Gòn vẫn mang trong mình những nét duyên thầm lặng. Hình ảnh một ông lão đạp chiếc xe cà tàng đến bưu điện trung tâm Sài Gòn, cần mẫn viết hộ những dòng thư cho khách cũng đã trở thành quen thuộc, một nét rất riêng của Sài Gòn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang