Những chợ “độc” mùa nước nổi ở miền Tây (kỳ 1):

Chợ cá ven sông

Thứ Hai, 19/11/2018 12:50  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Khi những dòng nước mang theo phù sa đổ về làm cho cánh đồng biên giới thêm cá, tôm. Đó cũng là lúc người dân vùng sông nước bắt đầu mùa mưu sinh mới. Lúc này, các chợ “độc” kênh Ruột, Phú Mỹ, Ô Lâm, Phù Dật, Tà Ngáo… lại chộn rộn.

Sau một ngày đánh bắt cùng vợ, cùng con người dân đem “chiến lợi phẩm” về chợ bán. Trên bờ, xe cộ đến bến tấp nập để mua hàng vận chuyển về các chợ trên địa bàn. Đối với những người địa phương họ cũng tham gia kiếm nguồn thu đợi đến mùa vụ.

Chợ nổi cá đồng kênh Ruột

Cánh đồng biên giới Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) thời điểm này mênh mông nước. Đây cũng là một trong những điểm đến mưu sinh của người dân nghèo sống nghề hạ bạc.

Người dân huyện đầu nguồn vào mùa đánh bẳt.

Theo những ngư dân cố cựu, do tiếp giáp với cánh đồng nước bạn Campuchia nên Phú Hội được xem là một trong những “ngư trường” tự nhiên có rất nhiều tôm, cá. Do vậy, trên cánh đồng này cũng đã hình thành chợ nổi chuyên thu mua cá đồng với hàng chục chiếc ghe, xuồng tập trung bên dòng kênh Ruột.

Theo lý giải của cánh bạn hàng tại chợ cá đồng đặc biệt này, do các ngư dân đặt dớn, giăng lưới, đặt lọp tận đồng sâu, không đủ thời gian di chuyển về đến các chợ trong buổi sáng. Vì thế, bạn hàng đã chạy ghe vào tận đồng chờ khi người dân đánh bắt mang cá về bán ngay.

Nhiều ghe xuồng tụ họp thành chợ nổi cá đồng vùng biên.

Từ 8 giờ sáng mỗi ngày, chợ cá giữa đồng nước mênh mông này bắt đầu nhóm họp đến tận trưa. Ghe xuồng của ngư dân từ khắp nơi tấp nập đổ về với đủ loại cá đồng tươi ngon.

Từ phía xa, một chiếc vỏ lãi lao về phía ngã ba kênh Ruột. Lúc này, cánh bạn hàng bắt đầu í ới ra hiệu cho phương tiện neo đậu.

Ông Lê Văn Phước (một người dân địa phương) cười tươi cho biết: “Người làm nghề hạ bạc như tôi nên mùa lũ hàng năm đều đến đây để bán hàng cho thương lái. Năm nay, tôi đầu tư hơn 110 triệu đồng để mua sắm lưới làm đường dớn giăng trên đồng.

Nếu trúng luồng cá chạy hết mùa nước cũng lời được vài ba chục triệu đồng, cá ít thì chỉ gỡ vốn. Mấy năm nay nước vẫn đổ về đồng bằng nhưng lượng tôm, cá cứ ít dần”.

Theo lời ông Phước, mấy năm nước lũ trước, gia đình ông đặt một đường dớn lưới dài đổ một miệng là nửa ghe cá linh. Nhiều hôm phải rạch bụng lưới cho cá thoát ra bớt mới có thể chở về nhà. Vài năm gần đây, lượng cá đồng đổ về đồng bằng theo con nước ít hơn nhưng may mắn bán được giá cao, nên ngư dân nghèo vẫn sống được với nghề.

Lũ lớn sản lượng cá đánh bắt được cũng nhiều hơn mọi năm.

Đổ cá ra chiếc thau để cánh bạn hàng phân loại, ông Nguyễn Văn Hồng, kể: “Lúc nước mới chớm lên, cá chạy trúng thấy mắc ham. Chỉ mấy bữa đầu mùa thôi mà ngư dân đều gỡ vốn. Số lú 100 cái mà mỗi ngày thu được 60 – 70kg cá đồng, đen về hơn 20 triệu đồng”.

Chợ nổi kênh Ruột là “điểm hẹn” mưu sinh trong mùa nước nổi của các ngư dân và cánh bạn hàng. Không phải tự dưng mà người dân đem cá tới chợ bán, mà giữa họ có sự ràng buộc.

Chợ cá kênh Ruột.

Đầu mùa nước lên, mỗi bạn hàng phải tìm ngư dân đặt mối thu mua, rồi cho họ mượn tiền làm vốn. Mỗi người mượn ít cũng 10 triệu, nhiều lên đến vài chục triệu đồng. Số tiền này sẽ được trừ vào tiền bán cá hàng ngày hoặc hẹn đến cuối mùa thì trả lại, tuỳ theo thoả thuận.

Mối quan hệ gắn bó này ngư dân dễ bán được hàng, không sợ ế còn bạn hàng cũng được lợi khi thu mua cá xong bán lại cho thương lái để kiếm lời.

Theo một quy định bất thành văn ở cái chợ cá đồng đặc biệt này, tuy thương lái đưa ghe lớn vào tận đồng sâu, nhưng họ không trực tiếp thu mua cá mà phải qua trung gian là các bạn hàng tại địa phương. Sau một hồi bán, mua xuồng ghe lần lượt rời đi giữa bốn bề biển nước.

Chợ cá trắng ven sông Hậu

Nông trường Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) là nơi có diện tích nuôi cá trắng mùa nước nổi lớn nhất so với các nơi khác như: Thới Lai (TP.Cần Thơ), Phụng Hiệp, TX. Long Mỹ (Hậu Giang)…

Với hình thức nuôi này, các hộ dận chỉ cần bỏ ra một số vốn để mua cá giống mà không cần bỏ chi phí mua thức ăn. Sau hơn 3 tháng nuôi, người dân tiến hành thu hoạch cá bán với hình thức bán theo ký hoặc bán mão cả ruộng.

Đối với việc mua mão, thương lái sẽ có nguồn lợi nhuận cao hơn rất nhiều nhưng đòi hỏi phải có đội ngũ nhân công đông.

Một góc chợ cá trắng hay còn gọi là cá ruộng ở Nông trường Cờ Đỏ.

Chợ cá trắng nông trường ấp 1 (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) được hình thành hơn 30 năm nay. Chợ hoạt động quanh năm nhưng trở nên đông đúc vào khoảng từ tháng 7 – 10 âm lịch. Nét đặc biệt của chợ này là chỉ mua và bán các loại cá trắng như: mè vinh, mè hoa, chép…

Mỗi ngày, có hàng chục tấn cá được thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ với mức giá chỉ từ 10 – 30 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày tại chợ này có khoảng chục chiếc ghe đến tập kết cá.

Anh Nguyễn Văn Tú, một hộ dân nuôi cá ruộng cho biết: “Kết thúc mùa vụ lúa hè thu là người dân mua cá về thả xuống ao để đến khi nước chớm lên là bung ra ruộng. Với việc nuôi này tỉ lệ hao hụt thấp hơn so với việc trực tiếp thả cá nhỏ xuống ruộng.

Tận dụng nguồn thức ăn trên ruộng như rong rêu, lúa…nên việc nuôi cá không tốn thức ăn. Sau khi cá đạt trọng lượng từ 0,7 – 1,5 kg/con thì tiến hành xuất bán”.

Cá được lựa rồi cho vào túi bơm ô-xy.

Đối với cá mè vinh thì được cho vào một cái bồn để rửa sạch nhớt trước khi vô bọc cùng ôxy. Mè vinh được cân tại chợ với giá 16 – 20 ngàn đồng/kg, cá chép 15 – 25 ngàn đồng/kg, mè trắng 10 – 15 ngàn đồng/kg. Năm nay, mực nước lớn nên việc nuôi cá của nhiều hộ dân ở miền Tây gặp nhiều thuận lợi.

Mua cá nhiều năm tại chợ, anh Trần Minh Hoàng cho biết: “Mỗi ngày vựa cân được 4 – 5 tấn cá các loại để giao lại cho các bạn hàng ở TP.HCM và Campuchia. Chợ cá này hoạt động mạnh từ khoảng tháng 8 – 10 âm lịch. Thời gian họp chợ bắt đầu từ 11 giờ và kết thúc vào lúc 16 giờ hàng ngày, thay vì hoạt động từ 14 – 18 giờ so với các năm trước”.

Càng về chiều chợ cá trắng càng nhộn nhịp.

Theo tìm hiểu, đối với loại cá lớn và còn sống được đựng trong vèo để bán ở thành phố lớn hoặc xuất sang Campuchia, còn chết mỗi ký sẽ giảm xuống từ 4 – 6 ngàn đồng/kg. Mỗi ký cá cân giao lại cho mối thương lái có lợi nhuận từ 1 – 2 ngàn đồng/kg.

Điểm tập kết cá thuận lợi cả về đường thủy lẫn đường bộ nên dễ dàng vận chuyển cá đi tiêu thụ. Ngoài ra, rất nhiều người đi đường đã dừng lại chợ này để mua cá về chế biến món ăn do giá bán rất rẻ.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang