Mắc bệnh tiểu không tự chủ, chị em ngại... 'yêu'

Thứ Tư, 28/12/2016 08:05  | Ngô Đồng

|

(CAO) Tiểu không kiểm soát khi gắng sức dần được nhận định là bệnh lý có tính chất phổ biến. Tuy bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng là một gánh nặng tâm lý làm giảm chất lượng cuộc sống.

Thường gặp ở phụ nữ từng sinh đẻ

Theo PGS TS BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Bệnh viện Hùng Vương, có khoảng hơn 30% phụ nữ trong độ tuổi trên dưới 40 bị chứng tiểu không tự chủ khi gắng sức - tình trạng tiểu són, thoát nước tiểu ngoài ý muốn khi áp lực nội bụng tăng: hoạt động mạnh như xách đồ nặng, hắt hơi, ho, thậm chí cả quan hệ tình dục...

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này cũng đa dạng, thông thường là do thừa cân, thai nghén (thai to, sinh nhiều lần, sinh khó), tuổi tác, mãn kinh và bệnh lý đi kèm (táo bón, viêm tiết niệu), sa tạng chậu,...

Sa cơ quan đáy chậu: Bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng 'chuyện ấy'
 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu không kiểm soát khi gắng sức ở phụ nữ sau sinh do tầng sinh môn bị suy yếu. Bình thường, tầng sinh môn của người phụ nữ được ví như một chiếc võng, là cấu trúc nâng đỡ toàn bộ niệu đạo của bàng quang, để niệu đạo tạo nên áp lực thắng áp lực trong bàng quang. Bất kỳ lý do nào làm "cái võng" suy yếu, mất khả năng nâng đỡ sẽ khiến niệu đạo bị sa xuống, không tạo được áp lực đủ lớn thắng áp lực trong bàng quang, khiến nước tiểu có thể rỉ ra bất cứ lúc nào, không kiểm soát được.

Thực tế, khi người phụ nữ mang thai và trong quá trình sinh đẻ, toàn bộ sàn chậu co giãn mạnh để tạo điều kiện cho thai trong bụng ra ngoài. Sinh xong, nếu chị em vận động mạnh, ngồi xổm... hay hoạt động làm tăng áp lực trong ổ bụng sẽ ảnh hưởng đến trương lực cơ sàn chậu, làm sàn chậu yếu đi, không đủ khả năng nâng đỡ các tạng trong ổ bụng, dẫn đến sa tử cung, sa âm đạo, sa trực tràng và cả tiểu không kiểm soát khi gắng sức.

Bệnh có thể gặp ở phụ nữ chưa sinh con lần nào

Theo TS BS Nguyễn Trung Vinh, BV Triều An, qua khảo sát 55 nữ (tuổi từ 21 - 84) được chẩn đoán mắc chứng tiểu không tự chủ khi gắng sức tại BV Triều An cho thấy, tất cả đều đã qua sanh đẻ.

Theo BS Vinh, sinh đẻ chắc chắn góp phần phát sinh tiểu són do áp lực, tuy nhiên vẫn có thể gặp ở những phụ nữ chưa sinh con lần nào. Một số phụ nữ cho biết, họ bị tiểu són từ lúc còn trẻ nhỏ và tồn tại cho đến tuổi trưởng thành.

Bệnh tiểu không tự chủ khi gắng sức tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng là một gánh nặng tâm lý làm giảm chất lượng cuộc sống. Ảnh minh họa

Mức độ nặng nhẹ của tiểu són thay đổi tùy theo từng cá nhân và thường liên hệ đến cách sống. Nếu mức độ nhẹ, thỉnh thoảng mới xảy ra; nặng hơn bệnh nhân cần có tã lót giấy hoặc băng vệ sinh và họ gần như phải nghĩ đến can thiệp phẫu thuật.

Nhiều phụ nữ tiểu són trong lúc mang thai, chỉ nên giải quyết bệnh sau khi sinh xong, vì triệu chứng này có thể không trở lại cho đến khi mãn kinh. Mãn kinh làm gia tăng triệu chứng này do suy giảm estrogen làm teo mô niệu dục.

Chị em tự ti, nam giới cũng ảnh hưởng

Theo PGS TS BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, bệnh tiểu không tự chủ khi gắng sức tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng là một gánh nặng tâm lý làm giảm chất lượng cuộc sống. Người phụ nữ mắc chứng tiểu không tự chủ khi gắng sức thường cảm thấy tự ti, xấu hổ, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ. Tiểu không tự chủ khi gắng sức cũng gây mất khả năng tập trung làm việc, giảm năng suất lao động, các quan hệ xã hội bị hạn chế,...

Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị rỉ tiểu khi quan hệ tình dục. Điều này khiến bản thân họ ngại ngùng, nếu không được chồng chia sẻ, cảm thông, kích thích, họ sẽ lảng tránh dần chuyện "yêu". Nếu có vượt qua được mặc cảm để tiếp tục quan hệ, do cơ chế suy yếu cơ ở tầng sinh môn, chị em cũng không có khoái cảm do tầng sinh môn nhão, không có sự co bóp của âm đạo.

Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến nam giới. Khi đang quan hệ mà người vợ bị rỉ nước tiểu ra ngoài, người chồng lần đầu không hiểu là gì sẽ cảm thấy stress, sau đó biết rõ thì có người sợ "yêu"...

Việc điều trị bệnh này không khó, các trường hợp bệnh nhẹ sẽ được cho dùng thuốc, tập phục hồi chức năng. Bệnh nặng thì có thể phải dùng tới phẫu thuật.

Để phòng bệnh, theo các bác sĩ, chị em cần thực hiện tập thể dục thể thao kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để đẩy lùi thời gian mãn kinh, kiểm soát cân nặng.

Khi có những dấu hiệu bệnh, cần đi khám tại cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và tư vấn hướng điều trị thích hợp, đồng thời chia sẻ với bạn đời để được cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ trong quá trình chữa bệnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang