Ngoáy tai bằng tăm nhang để giải quyết cơn ngứa, cụ ông 73 tuổi nhập viện

Thứ Hai, 19/06/2017 21:32  | Ngô Đồng

|

(CAO) Để giải quyết cơn ngứa, cụ ông 73 tuổi dùng tăm nhang ngoáy tai nhưng sự cố khiến tăm nhang bị gãy một đoạn và mắc kẹt trong tai khiến cụ ông phải nhập viện.

Thông tin từ BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, BV vừa xử trí một trường hợp nhiễm trùng tai vô cùng hi hữu. Khi thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một đoạn cây tăm nhang dài khoảng 2cm nằm ở vành tai. Đây chính là nguyên nhân khiến tai phải của ông bị nhiễm trùng nặng.

Cụ ông 73 tuổi, ngụ tại Long An khai với bác sĩ rằng, mỗi khi bị ngứa tai, ông đều giải quyết cơn ngứa bằng cách lấy tăm nhang chọc vào chỗ ngứa. Tuy nhiên, cách đây 1 năm, trong khi đang ngoáy tai bằng tăm nhang, cháu ngoại của ông chạy đến ôm chầm lấy ông nên cây tăm nhang bị gãy và mắc kẹt trong tai phải.

Ông biết là tăm nhang bị gãy và kẹt trong tai, nhưng khi đi khám thì bác sĩ soi bảo không thấy dị vật gì nên ông lại về. Đi khám nhiều nơi, cũng không nơi nào tìm thấy dị vật.

Khoảng 1 tháng nay, vùng phía trước và phía sau tai phải của ông bắt đầu sưng nhiều, chảy dịch hôi. Lúc này, cụ ông quyết định tìm đến BV Tai Mũi Họng TP.HCM để khám.

BS CKII Thái Hữu Dũng, Phó trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, qua thăm khám phát hiện bệnh nhân này có lỗ rò luân nhĩ trước tai bên phải ngay từ lúc còn nhỏ. Khi được điều trị tình trạng nhiễm trùng ổn định, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy đường rò luân nhĩ.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật

Khi thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một đoạn cây tăm nhang dài khoảng 2cm nằm ở vành tai. Đây chính là nguyên nhân khiến tai phải của ông bị nhiễm trùng nặng.

Cây tăm nhang dài khoảng 2cm nằm trong vành tai cảu cụ ông khoảng 1 năm
BS CKII Thái Hữu Dũng thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: NĐ

"Đường rò luân nhĩ của ông cụ xuyên từ phía trước ra phía sau vành tai phải. Đoạn tăm nhang này cắm vào đường rò khiến dịch tiết không thoát ra được qua lỗ rò ở phía trước nên đã ứ lại ở ống tai, xì ra ở lỗ rò sau vành tai và gây nhiễm trùng", BS Dũng giải thích.

Ths BS CKII Võ Quang Phúc, Phó giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho hay, 37 năm trong nghề nhưng đây là lần đầu tiên thấy trường hợp này.

Ths BS CKII Võ Quang Phúc, Phó giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM. Ảnh: NĐ

Theo BS Dũng, rò luân nhĩ là vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ, xuất hiện từ khi sinh ra. Đây là một dị tật bẩm sinh được gây ra bởi sự khiếm khuyết hay sự hợp nhất không hoàn toàn trong quá trình phôi thai. Rò luân nhĩ có thể do di truyền nhiễm sắc thể trội không hoàn toàn.

BS Dũng cho biết thêm, có 5 vị trí thường gặp rò luân nhĩ là bờ phía trước của gờ luân, phía trên vành tai, dọc mặt sau của hố xoắn tai, dái tai và phía sau vành tai. Rò luân nhĩ thường xuất hiện ở một bên của tai, nhưng cũng có người bị ở cả 2 tai, và nữ thường bị nhiều hơn nam.

Có 5 vị trí thường gặp rò luân nhĩ

BS Dũng giải thích: "Đường rò là một ống da rất nhỏ, có miệng ở phía trên cửa tai và chui ngầm vào bên trong rễ vành tai. Nó có thể nông sâu, dài ngắn khác nhau (dộ dài có thể vài mm đến khoảng 3cm), đơn giản hoặc phức tạp (một nhánh hay nhiều nhánh, chạy nông hoặc chạy sâu) với miệng ống ở phía trước rễ luân nhĩ. Lòng ống có nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã,... chính vì thế mà ống này thường hay bít tắc và gây nhiễm trùng.

BS CKII Thái Hữu Dũng, Phó trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM. Ảnh: NĐ

"1/3 bệnh nhân không có triệu chứng gì khi có dị tật rò luân nhĩ và không cần điều trị. Bình thường, thỉnh thoảng lở miệng ống rò có thể chảy dịch hôi, gây cảm giác ngứa ở vùng xuang quanh lỗ rò", BS Dũng nói.

BS Dũng khuyến cáo, nếu có đường rò luân nhĩ thì bệnh nhân nên giữ vệ sinh vùng lỗ rò và tuyệt nhiên không nên day ấn hoặc dùng vật nhọn ngoáy vào đường rò. Nếu rò luân nhĩ đã nhiễm trùng thì bắt buộc phải phẫu thuật.

Coi chừng thủng màng nhĩ, liệt mặt do thói quen ngoáy tai bằng tăm bông
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang