Coi chừng thủng màng nhĩ, liệt mặt do thói quen ngoáy tai bằng tăm bông

Thứ Hai, 30/05/2016 05:26  | Ngô Đồng

|

(CAO) Đa phần các trường hợp nhập viện là do thiếu kiến thức về vệ sinh tai và thói quen trong sinh hoạt.

Ráy tai là một hỗn hợp gồm sản phẩm bài tiết từ các tuyến mồ hôi chuyên biệt với các chất béo từ những tuyến bã nhờn ở trong tai người. Ráy tai được xem là vệ sĩ của cơ thể con người, có tác dụng chống nhiễm khuẩn, ngăn bụi bẩn, côn trùng, giúp tai không bị "sốc" vì các âm thanh quá lớn.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, ráy tai vẫn là thứ gây bất tiện, khiến tai họ lùng bùng và cần phải loại bỏ ngay.

Chuyên gia khuyến cáo ngoáy tai đúng cách là... không được tự ngoáy tai. Ảnh minh họa

Một thống kê của trang Telegraph chỉ ra rằng, mỗi năm ở Anh có tới 7.000 người tới bệnh viện do gặp thương tích về việc ngoáy tai.

Riêng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, chấn thương ống tai ngoài và màng nhĩ do ngoáy tai là chấn thương rất thường gặp.

Theo nghiên cứu của nhóm Điều dưỡng Trương Thị Khả Ái, cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà, Khoa Tai Đầu Mặt Cổ (BV Tai Mũi Họng TP.HCM) và Ths Điều dưỡng Trần Thị Kim Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng TP.HCM, thì đa phần các trường hợp nhập viện là do thiếu kiến thức về vệ sinh tai và thói quen trong sinh hoạt. Hầu hết người bệnh đến khám chia sẻ, họ ngoáy ta bằng mọi vật gì có thể khi cảm thấy tai ngứa hoặc khó chịu trong tai.

Thậm chí ngoái tai bằng tăm bông hay bằng móc lấy ráy tai cũng nguyên nhân gây chấn thương ống tai ngoài và gây thủng màng nhĩ. Có nhiều trường hợp còn gây liệt mặt, viêm tai giữa, viêm xương chũm,...

Đáng lưu ý là tỉ lệ tổn thương tai do thói quen ngoái tai và quan niệm không đúng về ráy tai ở nữ nhiều hơn nam giới, đại đa số là công nhân viên chức, trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp (chiếm 53,3%).

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tốt nhất nên hạn chế việc sử dụng tăm bông ngoáy tai càng nhiều càng tốt. Điều này là vì chúng gây hại còn nhiều hơn lợi và việc làm sạch tai quá mức còn có thể khiến bạn phải thăm khám bác sĩ chuyên khoa.

Ngoáy tai đúng cách là... không được tự ngoáy tai. Khi tắm xong chúng ta chỉ nên dùng khăn lau nhẹ bên ngoài ta. Đối với những người cơ địa nhiều ráy tai, nên đến bác sĩ kiểm tra và chăm sóc tai 3-6 tháng/lần.

Bình luận (0)

Lên đầu trang