Vì sao con người lại ngủ?

Chủ Nhật, 17/05/2015 05:39  | Anh Duy (theo BBC)

|

(CATP) Chuyện mỗi người phải ngủ mỗi ngày tưởng chừng “bình thường” không gì để nói, nhưng nhìn sâu vào quá trình này đem đến cho ta nhiều thú vị.

Hôm 15-5, BBC đăng bài “Vì sao con người lại ngủ?” với ý kiến của các nhà khoa học cho biết ngủ là hành vi thiên bẩm được di truyền từ tổ tiên. Giấc ngủ khiến người và động vật chìm trong trạng thái “vô thức và tê liệt tạm thời”.

Xa xưa khi con người còn sống trong xã hội hái lượm và săn bắt, việc chìm vào giấc ngủ sâu khiến tổ tiên chúng ta dễ gặp nguy hiểm trước thiên nhiên và các loài mãnh thú. Qua thời gian, giấc ngủ của con người đã được “tiến hóa” dần phù hợp với lao động xã hội. Các nhà khoa học quy về kết luận: giấc ngủ là cơ chế sinh học để não bộ phục hồi sau thời gian hoạt động.

Mỗi ngày hàng tỷ tế bào não chỉ huy và truyền tải những xung động thần kinh đến các bộ phận khác nhau của bộ não. Những “kết nối” nào quan trọng trong giấc ngủ sẽ được tăng cường, còn “kết nối” không quan trọng trong thời gian ngủ sẽ được “lượt bớt”. Nói nôm na, khi ngủ các hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ giảm bớt nhịp độ hoạt động giúp cơ thể thả lỏng hoàn toàn.

Giấc ngủ khiến não bộ tái tạo - Ảnh: Ảnh minh họa

Ngoài ra, giấc ngủ cũng là cơ chế để não bộ “dọn dẹp” những chất thải độc hại là những loại hóa chất từ chính cơ thể tiết ra trong quá trình hoạt động. BBC dẫn lời giáo sư Maiken Nedergaard thuộc trung tâm Y khoa - Đại học Rochester (Mỹ) cho biết, quá trình loại thải các hóa chất khỏi não bộ được thực hiện khi ngủ.

Cũng theo các nghiên cứu gần đây, thiếu ngủ làm thay đổi cách thức các gen trong các tế bào của cơ thể “ứng xử” so với khi ta đủ giấc.

Đơn cử như gen điều khiển quá trình phản ứng sưng viêm của cơ thể dường như hoạt động mạnh hơn khi thiếu ngủ. Các gen này phản ứng mạnh hơn đặc biệt trong trường hợp cơ thể thiếu ngủ và căng thẳng (stress).

Lùi xa về giai đoạn tiến hóa, cơ chế này có từ thời tổ tiên chúng ta khi con người còn sống trong hoang dã. Các gen sưng viêm phản ứng bằng việc tăng hoạt động để báo cho cơ thể các vết thương do động vật hay kẻ thù con người gây ra, Lâu dần, cơ chế này di truyền đến nay nhằm giúp ta “cảnh báo với cơ thể ta bị thương, nhưng thực chất không có vết thương nào”.

Điều này giải thích cho việc thiếu ngủ dễ khiến cơ thể dễ đau tim và đột quỵ khi gen sưng viêm hoạt động kích thích các hóc môn phản ứng ở các cơ quan như tim (đập nhanh hơn), não (hoạt động nhiều hơn) để “cảnh báo” cơ thể. Đó là chưa kể sự thay đổi của hàng loạt cơ chế hoạt động của các loại gen khác.

Thiếu ngủ đặt con người trong trạng thái căng thẳng, luôn hoạt động, luôn “cảnh báo”, não không “rửa” được độc chất phát sinh. Vì thế, con người cần ngủ đủ giấc.

 

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang