Lo dịch cúm gia cầm bùng phát dịp Tết Nguyên đán

Thứ Năm, 26/01/2017 06:37  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nhu cầu sử dụng gia cầm dịp tết Nguyên đán đang tăng cao, trong khi việc kinh doanh gia cầm trái phép vẫn diễn ra phức tạp khiến nguy cơ bùng phát dịch phát dịch cúm gia cầm càng hiện hữu.

Theo Chi cục Thú y TP.HCM, hiện TP.HCM vẫn còn nhiều điểm kinh doanh gia cầm trái phép. Trong đó, tập trung nhiều nhất là các khu vực ngoại thành và vùng ven. Đây cũng là nơi tập trung nhiều tuyến đường vận chuyển gia cầm trái phép từ các tỉnh lân cận về thành phố tiêu thụ.

Trong tuần thứ 2/2017, những ngày giáp tết, Trạm Thú y Thủ Đức phối hợp với Đoàn liên ngành Quận và các phường kiểm tra xử lý nhiều trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm không giấy chứng nhận kiểm dịch.

Cụ thể, tang vật xử lý tiêu hủy gồm 22 con gia cầm sống, 198kg gia cầm làm sẵn;...

Tương tự, tại Trạm Thú y Củ Chi, qua kiểm tra các tuyến đường, khu vực trên địa bàn huyện, đoàn phát hiện và xử lý 11 trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Tang vật tiêu hủy gồm 25 con gia cầm sống, 13 con làm sẵn,...

Tại Trạm Thú y Tân Bình, xử lý tiêu hủy 3 trường hợp, tang vật xử lý gồm 23 con gà lông, 30kg gà pha lóc...

Qua tìm hiểu được biết, đa phần gia cầm trái phép chủ yếu được đưa từ các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, và một số tỉnh miền tây: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang vận chuyển về TP.HCM. Các chủ hàng thường không cố định bán hàng mà để gia cầm sống trên xe di động. Điều này khiến công tác chốt chặn và bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn.

Gia cầm sống được bày bán ở ngoại thành TP.HCM. Ảnh: NĐ

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa đưa ra khuyến cáo, không chủ quan, lơ là trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và dịp đầu năm 2017.

Theo Cục Y tế dự phòng, tình hình dịch cúm gia cầm thường có xu hướng gia tăng vào cuối năm và những tháng đầu năm, đặc biệt trong dịp tết nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm gia tăng, sự giao lưu, thương mại gia tăng giữa các vùng, miền, quốc gia.

Do đó, để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cúm trên gia cầm và ở người, Cục Y tế dự phòng và Cục Thú y cảnh báo người dân không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và dịp đầu năm 2017.

Theo đó, Cục Y tế dự phòng và Cục Thú y sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng,... tăng cường kiểm tra việc nhập lậu giá cầm, xử lý việc vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc; đồng thời chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và ở người, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan; chủ động khai thác các bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp tiền sử đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với gia cầm để áp dụng các biện pháp điều trị, quản lý một cách phù hợp.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), trong năm 2016 đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) và A(H5N6) tại một số hộ gia đình và đã được xử lý triệt để, kịp thời nên không có hiện tượng lây lan rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy mầm bệnh cúm gia cầm cũng đã ghi nhận tại một số mẫu môi trường và gia cầm tại các chợ bán gia cầm sống nên có nguy cơ tiếp tục xảy ra ổ dịch mới trên gia cầm và có thể lây sang người nếu không không áp dụng các biện pháp dự phòng quyết liệt và triệt để. Trong 2 năm 2015-2016, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc cúm gia cầm ở người.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm sang người trong dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội đầu năm 2017, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang