Bà “Bụt” Bội Trân trên đồi Thiên An

Thứ Tư, 10/02/2016 17:19  | Hoàng Quân

|

(CAO) Biệt phủ Bội Trân của họa sĩ Bội Trân tại Huế là điểm đến tin cậy của những người yêu nghệ thuật, du khách thập phương. Đó cũng là nơi yêu thương khỏa lấp những mảnh đời bất hạnh. Nữ họa sĩ đã vang danh khắp trong và ngoài nước. Nhưng đằng sau con người thành công ấy cũng chất chứa nhiều nỗi niềm, khổ đau.

Gallery Bội Trân – nơi dừng chân lý tưởng

Phủ nằm trên đồi Thiên An (thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) chỉ cách trung tâm TP.Huế 10km đã quá đỗi thân thiết đối với giới văn nghệ sĩ cũng như nhiều du khách.

Phủ rộng hơn 5.000m2 có 6 ngôi nhà rường với những kiến trúc vừa cổ vừa hiện đại. Trong mỗi ngôi nhà, được trưng bày nhiều tranh, đồ gốm, tượng cổ, chén bát cung đình triều Nguyễn, tư liệu, sách về mỹ thuật. Chủ nhân biết tận dụng và kết hợp khéo léo các vật dụng từ những ngôi nhà rường cổ; pha trộn với các chi tiết kiến trúc châu Âu. Những chòi nghỉ trong vườn là nơi cho giới văn nghệ sáng tác; du khách thưởng thức kiến trúc, mỹ thuật, trà đạo, ẩm thực...

Chủ nhân của phủ là nữ họa sĩ Bội Trân. Đã ngấp nghé tuổi 60, Bội Trân vẫn trẻ trung, thanh thoát và cuốn hút bởi khuôn mặt phúc hậu, quý phái. Giữa khu vườn thiên nhiên vừa lộng lẫy vừa gần gũi, Bội Trân áo dài thướt tha, tươi cười đón khách.

Ở bà, người ta thấy tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ Việt. Ngoài tài hội họa, Bội Trân còn đảm đang, giỏi nội trợ. Đến thăm Bội Trân những ngày cận Tết khi bà đang chuẩn bị gói bánh chưng, chọn mâm ngũ quả, hương hoa, bày sắc trang trí bàn thờ gia tiên, làm tiệc đãi khách… Quanh năm suốt tháng, Bội Trân đều tất bật đón bạn bè, du khách nên mọi thứ được bà chăm sóc, trau chuốt rất kỹ.

Họa sĩ Bội Trân tại phòng tranh ở Gallery Bội Trân- Ảnh: Hoàng Quân

Bội Trân sáng tác, sưu tập, kinh doanh mỹ thuật. Sự hấp dẫn của thị trường khiến nhiều họa sĩ phải tìm cách bán tranh nên mở gallery. Bội Trân cũng nằm trong “vòng xoáy” đó. Khi công chúng càng khó tính, thị trường dần ảm đạm, nhiều gallery khó trụ nổi nhưng gallery Bội Trân là hiện tượng khác biệt. Đây là gallery duy nhất ở Huế có thiết lập giao dịch với hai sàn đấu giá Christie’s và Sotheby’s ở Hong Kong, Singapore và có mối liên hệ thường xuyên với các họa sĩ, chuyên gia mỹ thuật, nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp thế giới. Bà được mời tham dự nhiều triển lãm và các phiên đấu giá tranh quốc tế.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về tài năng của nữ họa sĩ này: “Bội Trân là một trong những người đã mở gallery tư nhân đầu tiên tại TP.Huế. Từ đấy có thể mở ra một thị trường tranh cho thành phố du lịch đặc biệt mang trong nó một di sản văn hoá thế giới. Từ niềm đam mê hội hoạ ấy, Bội Trân đã vẽ. Tự học nhưng Bội Trân chứng tỏ có năng lực thật sự. Trong tranh chị có những dấu hiệu nữ tính nổi trội và những bức tranh lôi dắt người xem trở về với dáng vẻ u hoài và kiêu sa của xứ Huế cố đô. “Thiếu nữ và hoa” là chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của nữ họa sĩ”...

Bà “Bụt” cũng nặng ưu phiền

Gần 20 năm qua, phủ Bội Trân đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 người, đều là lao động nghèo với vô số công việc như xây dựng, chăm sóc nhà cửa, vườn tược, phụ bếp… Có người mồ côi, người vô gia cư… đều được Bội Trân cho tá túc như chị Nguyễn Thị Thoại. Bội Trân chăm lo cho người làm cùng gia đình từ tiền lương đến chuyện hiếu hỉ … như trường hợp anh Tám, anh Quang. Vừa rồi, cô Nguyễn Thị Huê là người giúp việc qua đời, Bội Trân lo đám tang, xây lăng khang trang cho người xấu số khiến bạn bè nước ngoài chứng kiến đều cảm phục.

Những người làm việc cho Bội Trân đều gọi bà bằng “cô”, xưng “con”, xem bà như một vị ân nhân. Ai cũng dành tình yêu thương, sự kính trọng đối với nữ họa sĩ giàu lòng nhân ái.

Có lần bà có việc phải đi xe ôm. Thấy người tài xế dù chưa già nhưng trông rất yếu ớt. Hỏi han, xác minh thêm thì Bội Trân được biết, hoàn cảnh khó khăn, anh lại là lao động chính trong nhà nhưng giờ bị bệnh phải nằm viện thì không biết vợ con sẽ sống ra sao, con cái phải bỏ học. Bội Trân lo chi phí chữa bệnh 3 tháng cho người lái xe và còn thêm tiền bồi dưỡng.

Bên trong biệt phủ Bội Trân. - Ảnh: Hoàng Quân 

Bẵng đi một thời gian, Bội Trân có dịp xuống phố cùng bạn bè thì có người gặp bà rối rít cảm ơn. Người này cho biết Bội Trân đã cứu giúp gia đình mình trong lúc hoạn nạn. Nhờ có số tiền và tấm lòng thơm thảo đó của bà mà anh chữa khỏi bệnh, chuyển nghề, cuộc sống ổn định.

Ít ai biết được sau con người tài hoa này là những phiền muộn, đau đớn. Bà sinh ra ở Quảng Trị, sống ở Huế rồi lấy chồng. Yêu quê hương, bà không theo chồng qua trời Tây định cư nên ở lại Việt Nam, một mình nuôi con. Nhưng hạnh phúc mẹ con lại quá ngắn ngủi. Người con trai du học ở Mỹ, trong một lần thấy nhóm người bị đuối nước ở biển đã cố gắng cứu nhưng cứu đến người thứ 3 thì đuối sức rồi vĩnh viễn ra đi. Bội Trân hỏa táng, mang tro cốt về rồi dành ngôi nhà rường khang trang để thờ con. Bà nói đây là tài sản lớn lao và vô giá nhất của cuộc đời bà.

Canh cánh nỗi đau ấy và nghĩ đến con, đến những người còn thiếu thốn, Bội Trân lao vào công việc để tìm niềm vui. Thu nhập chính từ việc bán tranh và từ việc khai thác dịch vụ ở phủ, bà dùng để đầu tư kinh doanh và giúp đỡ người khác. Điều này lý giải vì sao tuổi đã cao nhưng Bội Trân vẫn luôn bận chân bận tay với công việc, với những lao động nghèo.

Bà sống yêu thương, nhân từ, đôi lúc vô tư nên chịu không ít thiệt thòi, trắc trở. Bội Trân cùng một số người bạn ở nước ngoài góp vốn mua khu đất 1.000m2 ở thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng hơn 7 tỷ đồng để làm trại sáng tác kết hợp nghỉ dưỡng. Nhưng nhiều năm qua, việc xây dựng liên tục bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân. Mong một ngày việc xây dựng sẽ thuận lợi để trại sáng tác ra đời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang