Đảo nhỏ của Nhật có thể trở thành “tàu sân bay không chìm” của Mỹ

Thứ Năm, 19/12/2019 23:54

|

​(CAO) Đó là tít bài viết phân tích đăng tải trên CNN về hòn đảo có cấu tạo từ đá núi lửa rộng chỉ 3 dặm vuông của Nhật nằm án ngữ ở rìa biển Hoa Đông, có thể trong thời gian sắp tới sẽ được sử dụng như một “tàu sân bay không chìm của Mỹ” trong tình huống xảy ra chiến tranh ở Châu Á.

Chính quyền Nhật Bản hồi thượng tuần tháng 12 vừa thông báo việc đang tìm cách mua lại hòn đảo Mageshima từ tay tư nhân. Đây là một hòn đảo khô cằn, không thích hợp để sinh sống nằm cách đảo chính Kyushu (một trong 4 đảo chính tạo nên quần đảo Nhật Bản) khoảng 34km.

Hòn đảo hiện nay đang bị bỏ hoang vì một dự án treo trước đó, có 2 đường băng giao nhau chưa trải nhựa. Nhưng vị thế chiến lược của nó đã nổi lên gần đây khi Tokyo cho biết các đường băng này có thể được họ cấp phép cho hải quân Mỹ và Thuỷ quân lục chiến sử dụng để thực hiện các bài diễn tập hạ cánh và xuất kích của dàn máy bay chiến đấu từ tàu sân bay. Hòn đảo qua đó trở thành “một tàu sân bay” mô phỏng để thực nghiệm.

Đảo Mageshima nhìn từ trên cao - Ảnh: Getty

Dù khung thời gian cho việc làm này chưa được đưa ra cụ thể nhưng theo các chuyên gia hòn đảo này cũng có thể trở thành một căn cứ thường trực cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trú đóng trong bối cảnh Tokyo ngày càng muốn củng cố vị thế phòng thủ của mình trên biển Hoa Đông, nơi đang phải đối mặt với yêu sách đòi chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư từ Trung Quốc.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga trong thông báo về thoả thuận nhấn mạnh: “Việc mua lại đảo Mageshima là vô cùng quan trọng, phục vụ cho việc tăng cường khả năng răn đe của liên minh Nhật-Mỹ cũng như năng lực quốc phòng của chính Nhật Bản".

Đến nay các quan chức quân đội hai nước chưa bình luận về bước đi này.

Việc mua lại đảo Mageshima là chủ đề cho các cuộc đàm phán trong nhiều năm qua. Tasuton Airport, công ty tư nhân sở hữu hầu hết diện tích hòn đảo này, cuối cùng đã đạt được thoả thuận nhượng quyền sở hữu cho chính quyền Nhật vào cuối tháng 11.

Khuếch trương sự hiện diện quân Mỹ trong khu vực

Thoả thuận mua đảo trị giá 146 triệu USD đạt được trong bối cảnh quân Mỹ đang tìm cách gia tăng số căn cứ chiến lược của mình ở khu vực Đông Bắc Á nhằm đối trọng với xu hướng tăng trưởng của số lượng tên lửa của Trung Quốc.

Phần lớn lực lượng không quân chiến đấu của Mỹ ở Nhật tập trung chỉ ở 6 căn cứ.

Các nghiên cứu gần đây, bao gồm một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney được công bố vào tháng 8 cho thấy với các nguồn lực hiện tại của Bắc Kinh, lực lượng Mỹ sẽ dễ bị tên lửa Trung Quốc tấn công từ sớm trong bất kỳ cuộc xung đột nổ ra nào.

Một cách để giảm thiểu khả năng bị tấn công phủ đầu trên là việc chia nhỏ lượng quân và khí giới của Mỹ ra nhiều căn cứ hơn.

Corey Wallace - Nhà phân tích an ninh châu Á tại Đại học Freie ở Berlin nhận định: “Theo thời gian, việc đa dạng hóa các căn cứ của Nhật Bản và Mỹ (dùng riêng hoặc chung) sẽ là một xu hướng. Liên minh này sẽ kiên cường hơn nếu các căn cứ và phần cứng quân sự được phân tán ra nhiều nơi hơn”.

Vị trí đảo Mageshima - Ảnh: CNN

Theo lý thuyết, càng có nhiều căn cứ đòi hỏi kẻ thù càng phải có nhiều tên lửa cần phải bắn đi để áp đảo mục tiêu và giành lợi thế trong kịch bản chiến đấu.

Các căn cứ trên đất liền được coi là có giá trị hơn các tàu sân bay, bởi vì chúng có thể chịu được một số lượng lớn đạn dược nã vào. Về lý thuyết, một tàu sân bay có thể bị loại khỏi vòng chiến đấu chỉ bằng một qủa tên lửa hoặc ngư lôi nếu chẳng may nó bị đánh trúng.

Thiệt hại chiến đấu đối với các căn cứ trên bộ cũng có thể được sửa chữa nhanh hơn nhiều so với một cỗ máy chiến tranh phức tạp như tàu sân bay.

"Khi bạn nhắm mục tiêu và đánh chìm một tàu sân bay, điều đó là không thể đảo ngược"- Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore cho biết. Còn đối với một hòn đảo? - "Ít nhất là nó không chìm .... Bạn có thể dành thời gian và công sức để đưa nó hoạt động trở lại", Koh nói.

“Nút thắt” trong quan hệ quốc phòng Mỹ - Nhật​

Việc mở căn cứ mới cũng là một tín hiệu tốt cho mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ-Nhật, trong bối cảnh những năm gần đây chứng kiến sự trắc trở trong mối quan hệ này trên 2 mặt trận: Một là các địa phương tại Nhật đã và đang gây áp lực lên chính quyền để chuyển hoạt động quân sự của Mỹ ra khỏi các khu vực tập trung đông dân số và Hai là: Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy các đồng minh như Nhật Bản giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người nộp thuế ở Mỹ.

Quân đội Mỹ tập trận ở căn cứ Kadena trên đảo Okinawa, Nhật vào năm 2017 - Ảnh: CNN

“Trong một bức tranh rộng lớn hơn, Nhật đang thực hiện bước đi đúng đắn để tiếp tục làm cho đồng minh quan trọng nhất của họ là Mỹ “hài lòng”. Kế hoạch mua đảo biến thành căn cứ quân sự cho Mỹ là thông điệp chứng minh Nhật sẵn sàng kề vai với Mỹ bằng việc chi trả thêm ngân sách theo đòi hỏi của Trump” – Koh nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang